Kinh tế toàn cầu tổn thương vì chống lạm phát trong năm 2023
Ảnh hưởng tiêu cực từ xung đột Nga - Ukraine đã giảm nhưng hệ quả từ cuộc chiến chống lạm phát để lại nhiều tổn thương cho nền kinh tế toàn cầu. Diễn biến trái ngược tại các nền kinh tế lớn
Trong báo cáo mới nhất cập nhật triển vọng kinh tế thế giới hồi tháng 10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định tăng trưởng toàn cầu đang đi xuống. IMF cho rằng các nền kinh tế tiên tiến đang ngấm tác động từ chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát. IMF dự báo GDP toàn cầu năm nay chỉ tăng 3%, thấp hơn 3,5% năm ngoái và dưới trung bình giai đoạn 2000 - 2019 là 3,8%.
Diễn biến trái ngược tại các nền kinh tế lớn
Nửa đầu năm nay, giới chức Mỹ bế tắc đàm phán trần nợ công, làm dấy lên lo ngại nền kinh tế lớn nhất thế giới vỡ nợ. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, Mỹ vẫn là điểm sáng của kinh tế thế giới.
Lạm phát tại Mỹ đã được kiểm soát sau 10 lần nâng lãi liên tiếp của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ chỉ tăng 3,1% trong tháng 11, giảm mạnh so với mức đỉnh 40 năm là 9% giữa năm ngoái.
Mỹ cũng không rơi vào suy thoái như các dự báo trước đó. Ngược lại, GDP nước này còn bùng nổ trong quý 3. Thị trường việc làm và tiêu dùng vẫn sôi động. Chỉ số DJIA trên thị trường chứng khoán Mỹ đầu tháng này cũng lập đỉnh lịch sử mới.
Giới quan sát cho rằng việc Fed không nâng lãi nhanh và mạnh như cách đây 40 năm đã phần nào giúp Mỹ tránh được suy thoái.
Ở châu Âu, lạm phát khu vực đồng euro cũng chỉ còn 2,4% trong tháng 11, hạ nhiệt đáng kể so với 11,5% cuối năm ngoái. Tuy nhiên, khu vực đồng euro, Đức và Anh lại đang cận kề suy thoái, khi quý trước tăng trưởng âm. Lãi suất cao đã khiến tiêu dùng và sản xuất tại các nền kinh tế này giảm sút.
Trong khi các nước phương Tây ráo riết ghìm lạm phát, ở châu Á, hai nền kinh tế hàng đầu khu vực là Nhật Bản và Trung Quốc lại tìm cách kéo giá lên. Lạm phát tại Nhật Bản giảm tốc 4 tháng liên tiếp và chỉ mới tăng tốc trở lại từ tháng 10. Trung Quốc thậm chí có thời điểm rơi vào giảm phát.
Bên cạnh đó, sau hai quý liên tiếp tăng, GDP Nhật Bản quay đầu giảm trong quý 3. Còn tại Trung Quốc, dù GDP quý 3 tăng vượt dự báo, nền kinh tế này chưa bùng nổ sau khi gỡ bỏ Zero Covid như kỳ vọng. Trung Quốc hiện đối mặt với nhiều thách thức, từ tiêu dùng giảm, khủng hoảng bất động sản kéo dài đến tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ cao.
Diễn biến của yen Nhật năm nay gây chú ý, khi chịu tác động từ chính sách thắt chặt của các nước phương Tây. Yen là tiền tệ được giao dịch nhiều thứ ba trên toàn cầu và là công cụ trú ẩn được nhà đầu tư ưa chuộng.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ trái ngược giữa Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác đã khiến tiền tệ này kém hấp dẫn, bất chấp thế giới năm nay nhiều biến động. Trong khi Mỹ và châu Âu nâng lãi suất mạnh tay để đối phó lạm phát, Nhật Bản vẫn duy trì lãi suất âm để kích thích kinh tế. Điều này khiến nhà đầu tư bán yen để chuyển sang các kênh khác cho lợi nhuận cao hơn.
Năm nay, USD đã tăng hơn 10% so với yen. Tháng trước, yen từng xuống thấp nhất một năm so với đôla Mỹ và thấp nhất 18 năm so với nhân dân tệ.
Yen mất giá sẽ có lợi cho các hãng xuất khẩu ở Nhật Bản. Tuy nhiên, các hộ gia đình và hãng bán lẻ lại chịu thiệt hại khi đồng yen yếu làm tăng chi phí nhập khẩu lương thực và nhiên liệu.
Ngành ngân hàng toàn cầu hỗn loạn
Lãi suất cao còn là một trong những nguyên nhân khiến hàng loạt ngân hàng tại Mỹ sụp đổ đầu năm nay. Sự kiện mở đầu là vụ sụp đổ của Silvergate Bank - ngân hàng Mỹ chuyên cho vay giới tiền số - hôm 8/3. Cùng ngày, Silicon Valley Bank - ngân hàng lớn thứ 16 tại Mỹ - thông báo khoản lỗ trái phiếu lớn. Việc này châm ngòi cho làn sóng rút tiền, khiến SVB bị giới chức đóng cửa chỉ sau hai ngày.
Sự sụp đổ của SVB một phần do chính sách nâng lãi mạnh tay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm qua. Khi lãi suất còn quanh 0%, các ngân hàng tích cực mua vào trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài, rủi ro thấp. Tuy nhiên, khi Fed nâng lãi để đối phó lạm phát, giá trị số trái phiếu này giảm theo, khiến các ngân hàng phải gánh khoản lỗ khổng lồ trên giấy tờ.
Lãi suất cao cũng khiến các hãng công nghệ - tệp khách hàng chủ yếu của SVB - gặp khó, do nó làm giảm giá cổ phiếu và khiến họ khó huy động vốn. Việc này khiến nhiều hãng công nghệ phải rút tiền gửi khỏi SVB để duy trì hoạt động.
Sau SVB, lần lượt các ngân hàng khác của Mỹ là Signature Bank, First Republic, Heartland Tri-State Bank cũng bị đóng cửa. Ngoài vấn đề riêng về hoạt động kinh doanh, hiệu ứng rút tiền từ các vụ sụp đổ ngân hàng trước được cho là đã gây nên sự hỗn loạn này.
Không chỉ Mỹ, ngành ngân hàng toàn cầu năm nay còn chứng kiến sự sụp đổ của ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ Credit Suisse. Nhà băng này đã không thể trụ vững trước hàng loạt scandal vài năm qua, từ thua lỗ đầu tư, cắt giảm nhân sự, thay đổi lãnh đạo đến vướng vào kiện tụng. Cuối tháng 3, giới chức Thụy Sĩ làm trung gian trong thương vụ UBS mua Credit Suisse, nhằm ngăn khủng hoảng tài chính lan rộng trên toàn cầu.
Làn sóng nâng lãi suất dừng lại
Khi các nền kinh tế có dấu hiệu chịu tổn thương từ chính sách thắt chặt, các ngân hàng trung ương buộc phải dừng quá trình nâng lãi.
Sau 10 lần tăng liên tiếp, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hồi tháng 6 thông báo giữ nguyên lãi suất. Việc này được duy trì đến hiện tại, nhằm đánh giá thêm ảnh hưởng từ các động thái trước lên nền kinh tế. Nhà đầu tư hiện dự báo Fed giảm lãi mạnh tay từ năm sau. Việc này khiến các quan chức Fed nhiều lần tuyên bố không loại trừ khả năng nâng lãi nếu cần thiết, nhằm hạ nhiệt kỳ vọng của thị trường.
Sau động thái của Fed, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng nối gót khi ghi nhận hoạt động sản xuất đi xuống do nhu cầu giảm sút vì lãi suất cao. Canada, Na Uy, Thụy Sĩ, New Zealand gần đây đều đã dừng nâng lãi suất. Dù vậy, các nước này đều cảnh báo có thể vẫn giữ chính sách thắt chặt thêm một thời gian nữa.
Giá vàng thế giới lập đỉnh lịch sử mới
Sau khi chịu sức ép suốt năm 2022 do lãi suất cao trên toàn cầu, giá vàng năm nay đã tăng gần 250 USD, tương đương 13%. Đầu tháng này, giá có thời điểm lập đỉnh lịch sử mới tại 2.135 USD.
Sức tăng tập trung chủ yếu vào hai tháng cuối năm, do xung đột tại Trung Đông và dự báo lãi suất giảm. Giá được dự báo tiếp tục tăng trong năm sau, khi các nền kinh tế yếu đi, lãi suất giảm xuống và các ngân hàng trung ương tích cực mua vàng.
Giới chuyên gia kỳ vọng giá năm tới vẫn duy trì trên 2.000 USD. Theo ANZ, giá có thể lên 2.200 USD một ounce cuối năm 2024, đồng nghĩa sẽ lập thêm đỉnh lịch sử mới.
Nguy cơ khủng hoảng lương thực trên toàn cầu
Lạm phát toàn cầu hạ nhiệt, nhưng giá lương thực lại là ngoại lệ. Thị trường năm 2023 còn chịu thêm hàng loạt cú sốc, đẩy thế giới đến bờ vực khủng hoảng lương thực.
Ngày 20/7, Ấn Độ thông báo cấm xuất khẩu các loại gạo không phải là Basmati (một loại gạo phổ biến tại Nam Á) để bình ổn giá trong nước. Quốc gia Nam Á hiện là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Lệnh cấm của Ấn Độ còn kéo theo động thái tương tự từ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nga. Thái Lan - nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới thì khuyến khích người dân giảm trồng lúa để chuyển sang trồng các loại thực vật khác cần ít nước hơn, do tác động từ El Nino. Nga trước đó cũng rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Các động thái này kéo giá gạo châu Á năm nay lên cao nhất kể từ năm 2008. Tháng 11, chỉ số theo dõi giá gạo toàn cầu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thống kê của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho thấy hơn 333 triệu người đã rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực năm nay. Tình hình này có thể càng trầm trọng trong năm tới, khi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được dự báo kéo dài sang năm 2024. Nga hiện cũng không mặn mà với việc gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Tác động của El Nino thì được dự báo trầm trọng hơn trong năm 2024.