Kinh tế TP.HCM đang hồi phục, doanh nghiệp có đơn hàng trở lại
Qua 2 tháng đầu năm 2024, tình hình phát triển kinh tế của TP.HCM đã có nhiều điểm sáng, những ngành khó khăn như đồ gỗ hay dệt may đã có đơn hàng đến tháng 6, có những doanh nghiệp có đơn hàng cả năm.
Sáng 6/3, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2, bàn giải pháp tháng 3/2024.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Lê Thị Huỳnh Mai, trong 2 tháng đầu năm 2024, nhiều điểm sáng về kinh tế có thể nhận thấy như thị trường bất động sản trên địa bàn có dấu hiệu phục hồi tích cực hơn, doanh thu kinh doanh bất động sản 2 tháng đầu năm 2024 ước tăng 20,1% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng tăng 0,6% so với tháng 1/2024. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại và số doanh nghiệp đăng ký mới đều tăng so với cùng kỳ.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng cả nước, tạo điều kiện thúc đẩy sức mua tiêu dùng nội địa.
Phân tích thêm về điểm này, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương nhìn nhận có một chỉ số rất quan trọng là chỉ số tiêu thụ điện cho khu vực sản xuất và xây dựng. Chỉ số này nguyên cả năm 2023 tăng trưởng âm, đến tháng 12/2023 thì mới tăng 0,42%.
Trong khi đó, chỉ số tiêu thụ điện 2 tháng đầu năm 2024 tăng 7,43%, trong đó chỉ số điện cho sản xuất và xây dựng tăng 10%. Đây là chỉ tiêu tin cậy để đánh giá nguồn nguyên liệu phục vụ cho khối sản xuất có chuyển động về mặt số lượng, thể hiện những cố gắng của Thành phố trong năm qua để hỗ trợ cho khu vực sản xuất.
Ngoài ra, ông Vũ cho biết tình hình đơn hàng của các hiệp hội, ngành hàng có những tín hiệu khá lạc quan. Những ngành khó khăn như đồ gỗ hay dệt may đã có đơn hàng đến tháng 6, có những doanh nghiệp có đơn hàng cả năm.
Cũng theo ông Vũ, trong cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động kích cầu và trong kích cầu có nhiều liên kết. Trong đó có nhiều hoạt động kích cầu nội địa như thương mại điện tử.
Ông Vũ bày tỏ, cửa hàng trên phố đóng cửa nhiều nhưng doanh số bán buôn, bán lẻ vẫn tăng. Lý do là bởi sau dịch bệnh, có sự thay đổi về hình thức kinh doanh để giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt đông, đó là thương mại điện tử.
“Cửa hàng trên phố chỉ là một góc cạnh để đánh giá”, Giám đốc Sở Công Thương nói thêm.
Nhận định về kết quả 2 tháng đầu năm của Thành phố, ông Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM khẳng định những kết quả này phụ thuộc vào một khái niệm, đó là độ trễ chính sách, tức là những điểm sáng có được hiện nay là do nỗ lực từ 1 năm trước, thậm chí từ 2 năm trước.
Đặc biệt, từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, những điểm mới về thể chế, đặc biệt từ cấp Trung ương đã xuất hiện. Trong đó, Luật Đất đai, Luật Nhà ở sửa đổi dù chưa được áp dụng nhưng cũng đã tạo tâm lý, niềm tin và kỳ vọng, góp phần giúp thị trường sáng lên.
Vũ phân tích, trong thể chế có những thí điểm mô hình tuy nhỏ nhưng mang tính lan tỏa lớn. Đó là dự án mô hình chuyển đổi xanh ở huyện Cần Giờ và mô hình dự án bán dẫn tập trung ở Khu Công nghệ cao TP.HCM.
Do vậy, ông Vũ đề xuất cần tập trung hoàn thiện thể chế để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Nghị quyết 98, nhất là đối với các dự án trọng điểm của Thành phố, mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), dự án đường sắt đô thị... Đồng thời đề nghị Thành phố tiếp tục tạo sự tương tác lớn với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược.
Đến năm 2025, TP.HCM sẽ có trên 35.000 căn nhà ở xã hội
Ông Trần Hoàng Quân, Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố cho biết hiện thành phố có 88 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 33 dự án có khoảng 20% là dự án thương mại, số còn lại rơi vào nhóm đất công, nhóm cổ phần hóa cần tiếp tục tháo gỡ. Sở Xây dựng cũng đang phối hợp với các ngành liên quan tổng hợp, đề xuất thành phố và chính phủ cập nhật nội dung nhà ở xã hội trong quy hoạch chung của thành phố.
Theo ông Quân, qua rà soát sơ bộ, cả thành phố có nhu cầu trên 340.000 căn nhà ở xã hội, trong khi đó, hiện thành phố có gần 600.000 căn nhà trọ với sức chứa gần 2 triệu người, trong đó 50% là công nhân thuê ở.
Thành phố cũng đã ban hành chính sách hướng dẫn cấp phép cho người có nhu cầu xây dựng nhà trọ, đồng thời sở và Công an Thành phố cũng đã rà soát về công tác PCCC của các nhà trọ hiện hữu. Trong số gần 600.000 căn nhà trọ thì có tới hơn 10% chưa đảm bảo PCCC, cứu nạn cứu nạn. Thành phố đã đề xuất chính sách hỗ trợ cho vay để các đối tượng này cải tạo, sửa chữa nhà trọ.
Dự kiến đến ngày 30/4/2025, thành phố sẽ có nguồn nhà ở xã hội với trên 35.000 căn nhằm chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Để đạt được chỉ tiêu trên, Sở Xây dựng chỉ đạo các dự án ở các doanh nghiệp hoàn tất các thủ tục để khởi công ngay trong quý II/2024.