Kinh tế TP.HCM tháng đầu năm: Tăng trưởng tích cực, bán lẻ tiếp tục là động lực chính

Kinh tế TP.HCM tháng 1/2025 ghi nhận tăng trưởng tích cực, đặc biệt trong bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng với doanh thu gần 108.000 tỷ đồng. Thời gian tới, TP.HCM tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công và cải cách hành chính….

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Kinh tế TP.HCM trong tháng đầu năm 2025 đạt được nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là trong hoạt động bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng, tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các chương trình bình ổn thị trường và hỗ trợ vận tải.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đã chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2 và thời gian tới. Trong đó, tập trung vào việc cải cách tổ chức bộ máy, tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời triển khai các dự án trọng điểm để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển trong năm 2025.

BÁN LẺ HÀNG HÓA VÀ DỊCH VỤ KHỞI SẮC TRONG THÁNG ĐẦU NĂM

Theo Cục Thống kê TP.HCM, tháng đầu năm 2025 là thời gian cao điểm của hoạt động mua sắm trước tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tăng cường nguồn cung hàng hóa, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng với chất lượng, mẫu mã đa dạng, giá cả bình ổn.

Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2025 ước đạt 107.996 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ.

Cục Thống kê Thành phố cho biết chương trình bình ổn thị trường tiếp tục phát huy hiệu quả, các doanh nghiệp đảm bảo cung ứng hàng hóa 20 xuyên suốt phục vụ người dân trước, trong và sau Tết. Từ đó, thị trường giá cả hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn duy trì ổn định. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 0,92% so với tháng trước và tăng 4,29% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM trong tháng 1/2025 - Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM trong tháng 1/2025 - Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng tích cực góp phần thúc đẩy dịch vụ logistic Thành phố, đồng thời vận tải đang tăng trong mùa cao điểm tết Nguyên đán. Qua đó góp phần tổng doanh thu vận tải hành khách, hàng hóa, bốc xếp và dịch vụ hỗ trợ vận tải tháng 1 ước đạt 41.217 tỷ đồng, tăng 22,6% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, Cục Thống kê cũng nhìn nhận sản xuất công nghiệp trên địa bàn Thành phố giảm do bước vào chu kỳ tết Nguyên đán. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước giảm 21,1% so với tháng trước và giảm 9% so với cùng kỳ.

Chiều 5/2, tại Hội nghị Tổng kết công tác tổ chức, chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 và nhiệm vụ, giải pháp tháng 2 năm 2025, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá, kinh tế - xã hội Thành phố trong tháng 1/2025 nhìn chung đạt được những kết quả tích cực, một số chỉ tiêu tăng cao so với cùng kỳ.

“Nhiều công trình, dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, nhiều dự án mới được khởi công... Đây là những kết quả đáng mừng, là nền tảng để triển khai trong thời gian tới”, ông Mãi nhận định.

CÁC NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG THỜI GIAN TỚI

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố cũng chỉ ra những hạn chế và giao lãnh đạo các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá, đề ra giải pháp cụ thể khắc phục.

Từ đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố nhấn mạnh một số nhóm nhiệm vụ trọng tâm tháng 2/2025. “Trong đó, cần tập trung ngay cho công việc với tâm thế đổi mới quyết liệt. Từng sở ngành, từng quận huyện phải cập nhật, rà soát các nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp để phân công thực hiện ngay”, ông Mãi đề nghị.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM thống nhất với đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố về việc giao chỉ tiêu tăng trưởng, chỉ tiêu huy động vốn cho các sở, ngành, địa phương để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 2 con số.

Đối với sắp xếp tổ chức bộ máy, ông Mãi đề nghị các sở, ngành, địa phương phải nhanh chóng ổn định hoạt động và không để đứt quãng, ảnh hưởng đến công việc, đặc biệt là các bộ phận mà có liên quan tới tiếp nhận hồ sơ của người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời, chuẩn bị nội dung để trình Hội đồng nhân dân Thành phố về tổ chức bộ máy các cơ quan, các chính sách trong quá trình sắp xếp. Sở Nội vụ là cơ quan thường trực phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các Ban của Hội đồng nhân dân Thành phố để rút ngắn thời gian chuẩn bị.

“Thành phố cần tập trung triển khai Đề án nền công vụ. Với những nội dung trong kế hoạch đã có, cần ưu tiên thực hiện ngay những việc thuộc thẩm quyền của Thành phố, đồng thời sắp xếp lại bộ máy tổ chức. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu và đóng góp ý kiến để sửa đổi các luật liên quan”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM chỉ đạo.

Trong việc chi cho đầu tư phát triển, Thành phố cần tập trung quyết liệt cho công tác giải ngân vốn đầu tư công nhằm đảm bảo đúng tiến độ theo kế hoạch, hoàn thiện các quy hoạch và triển khai quy hoạch ngay trong năm 2025; tập trung triển khai các công trình, dự án trọng điểm. Đồng thời vận dụng Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị để chi cho khoa học công nghệ.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng yêu cầu tập trung cho các nhiệm vụ, giải pháp để đảm bảo tăng trưởng GRDP 10%. Đó là phải đảm bảo huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội 620.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư công là 112.000 tỷ đồng, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 70.000 tỷ đồng, còn lại là đầu tư ngoài ngân sách 422.000 tỷ đồng.

Quy hoạch chung thành phố Thủ Đức, TP.HCM - Nguồn: Ủy ban nhân dân TP.HCM.

Sáng 6/2/2025, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã chức Hội nghị Công bố đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức (TP.HCM) đến năm 2040 và xúc tiến mời gọi đầu tư vào thành phố Thủ Đức.

Mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2040 đưa thành phố Thủ Đức phát triển trở thành đô thị sáng tạo, tương tác cao; khu vực dẫn dắt kinh tế TP.HCM, vùng đô thị TP.HCM thông qua các hoạt động kinh tế tri thức; bước đầu trở thành trung tâm tài chính của quốc gia, hướng tới khu vực quốc tế.

Minh Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kinh-te-tp-hcm-thang-dau-nam-tang-truong-tich-cuc-ban-le-tiep-tuc-la-dong-luc-chinh.htm