Kinh tế Trung Quốc chịu thêm sức ép vì đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất trong 60 năm
Tình hình hạn hán nghiêm trọng ở Trung Quốc đang làm căng thẳng nguồn cung năng lượng, khiến nhiều nhà máy dừng hoạt động và làm gián đoạn nguồn cung nước sạch cho hàng trăm ngàn người. Hàng trăm ngàn hecta cây hoa màu và lương thực ở miền trung và miền bắc Trung Quốc đang khô héo do thiếu nước.
Một số ngân hàng đầu tư toàn cầu hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sau khi đánh giá tác động kinh tế của đợt nắng nóng hiện tại cũng như các đợt bùng phát Covid-19 và cuộc khủng hoảng bất động sản.
Mùa màng, vật nuôi bị ảnh hưởng
Trung Quốc đang chứng kiến một đợt nắng nóng khắc nghiệt nhất trong 60 năm quét qua đất nước này trong hơn hai tháng, từ tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc cho đến tỉnh duyên hải Giang Tô, với nhiệt độ thường xuyên vượt quá 40 độ C. Tại thành phố Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc, nhiệt độ đã tăng lên 45 độ C vào hôm 18-8, khiến chính quyền phải ban hành cảnh báo đỏ về nhiệt độ cao trên 40 độ C lần thứ tám trong mùa hè này. Trung tâm Khí tượng Trung Quốc dự báo nắng nóng hiện tại dự kiến kéo dài thêm ít nhất một tuần nữa.
Theo Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc, thời tiết nắng nóng gay gắt dự kiến sẽ làm giảm đáng kể quy mô vụ thu hoạch lúa gạo của Trung Quốc khi các cánh đồng lúa đã khô héo.
Fang Fuping, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu lúa gạo Trung Quốc ở Hàng Châu, cho biết: “Vào thời điểm này, nắng nóng gây tác động lớn nhất đối với các đồng lúa”.
Thời tiết khắc nghiệt cũng ảnh hưởng đến các hoạt động nông nghiệp khác. Ở Hàng Châu, nông dân trồng chè đang chuẩn bị cho vụ thu hoạch mùa thu và họ đã phải dùng lưới che nắng cho cây chè.
Hàng trăm ngàn hecta cây hoa màu và lương thực ở miền trung và miền bắc Trung Quốc đang khô héo do thiếu nước và nắng nóng.
Truyền thông nhà nước đưa tin, các đàn gà đã không chịu ăn và ít đẻ trứng trong thời tiết nắng nóng, khiến giá trứng tăng vọt trên khắp cả nước.
Li Xinyi, chủ một trang trại gà ở TP. Hợp Phì, nói với một trang tin tức địa phương rằng anh đã lắp một chiếc quạt lớn trong chuồng gà để giữ cho nhiệt độ không vượt quá 31 độ C, nhưng gà vẫn đẻ ít trứng hơn bình thường. Một nông dân khác ở tỉnh Hà Nam cho biết khoảng 20% gà mái ở trang trại của anh không chịu đẻ trứng.
Tại Trùng Khánh, một đô thị rộng lớn ở tây nam Trung Quốc với khoảng 20 triệu dân, nắng nóng làm khô cạn 51 con sông và 24 hồ chứa, làm gián đoạn nguồn cung cấp nước sạch cho hơn 300.000 người dân. Một số tỉnh khác cũng đang trải qua hạn hán và dự kiến tình hình sẽ tồi tệ hơn trong những tuần tới.
Với lượng mưa ít ỏi, sông Dương Tử, con sông dài thứ ba thế giới, đã rút xuống mức thấp kỷ lục, với mực nước thấp hơn từ 0,5-0,6 mét so với cùng kỳ năm ngoái.
“Tình hình của các hồ chứa ở thượng nguồn sông Dương Tử thật tồi tệ”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc, Liu Weiping, cho biết trong một cuộc họp báo hôm 17-8.
Hạn hán khiến nguồn cung điện ở Tứ Xuyên, một tỉnh phụ thuộc nhiều vào thủy điện, rơi vào tình trạng căng thẳng nghiêm trọng. Zhou Jian, phó kỹ sư trưởng của Trung tâm Kiểm soát điện lực Tứ Xuyên, cho biết công suất của các nhà máy thủy điện ở tỉnh này đã giảm một nửa.
Công ty chứng khoán Citic Securities cho biết tình trạng thiếu điện có thể lan sang các tỉnh khác nếu hạn hạn và thời tiết nắng nóng tiếp tục kéo dài.
Nhiều nhà máy được lệnh dừng hoạt động để tiết kiệm điện
Để tiết kiệm năng lượng, các ga tàu điện ngầm và xe lửa ở TP. Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên đã tắt bớt đèn, trong khi các tòa nhà văn phòng ở thành phố cũng như ở thành phố lân cận Đạt Châu, được yêu cầu dừng sử dụng máy điều hòa nhiệt độ. Chính quyền tỉnh Tứ Xuyên, nơi có 84 triệu dân, đã chỉ thị cho 19/21 thành phố của tỉnh này phải dừng hoạt động sản xuất ở tất cả nhà máy từ ngày 15 đến 20-8.
Toyota và Foxconn, nhà cung cấp cho Apple, xác nhận rằng các nhà máy của họ sẽ tuân thủ yêu cầu này. Tỉnh Tứ Xuyên là trung tâm sản xuất chất bán dẫn và tấm quang năng của Trung Quốc. Tỉnh này cũng là trung tâm của ngành công nghiệp khai thác lithium. Việc tạm dừng hoạt động sản xuất có thể khiến giá lithium, thành phần quan trọng của pin xe điện, tăng lên.
Thành phố lân cận Trùng Khánh, nằm ở điểm hợp lưu của sông Dương Tử và sông Gia Lăng, cũng ra lệnh cho các nhà máy tạm dừng hoạt động trong một tuần cho đến 24-8 để tiết kiệm điện.
Các tỉnh như Chiết Giang, Giang Tô và An Huy, vốn phụ thuộc vào nguồn điện từ miền tây Trung Quốc, cũng đã ban hành lệnh hạn chế sử dụng điện đối với khách hàng công nghiệp để đảm bảo các hộ gia đình có đủ điện.
Hãng xe điện Tesla (Mỹ) và hãng xe nhà nước SAIC Motor đã báo cáo với chính quyền Thượng Hải rằng họ có thể gặp khó khăn trong việc duy trì sản xuất nếu tình trạng cắt giảm sản lượng điện ở Tứ Xuyên tiếp tục ảnh hưởng đến các nhà cung cấp của họ tại tỉnh này. Chính quyền Thượng Hải đã đề nghị giới chức trách ở Tứ Xuyên cung cấp điện cho 16 nhà cung cấp phụ tùng ô tô đặt nhà máy ở tỉnh này.
Thời tiết khắc nghiệt xảy ra vào thời điểm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tăng trưởng chậm lại vì các đợt phong tỏa nghiêm ngặt để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và cuộc khủng hoảng bất động sản càng gây thêm căng thẳng cho nền kinh tế Trung Quốc.
Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay từ 3,3% xuống 3%, sau khi tính đến dữ liệu kinh tế yếu hơn dự kiến trong tháng 7 và những hạn chế về năng lượng do đợt nắng nóng.
Các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết trong một báo cáo công bố hôm 17-8: “Một mùa hè khô nóng bất thường đã gây căng thẳng cho nguồn cung điện dẫn đến việc cắt giảm sản lượng điện ở một số tỉnh và ở một số lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng. Dù chúng tôi không kỳ vọng sẽ lặp lại tình trạng mất điện và ngừng sản xuất đáng kể trong năm ngoái nhờ nguồn cung than vẫn dồi dào, nhưng những hạn chế về năng lượng có thể sẽ làm chậm tốc độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc trong tháng 8 so với kỳ vọng trước đó của chúng tôi”.
Hôm 18-8 , Ngân hàng Nomura (Nhật Bản) cũng hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 3,3% xuống 2,8% do xung lực kinh tế suy giảm trong tháng 7, các đợt bùng phát Covid-19 và làn sóng nhiệt.
Các nhà phân tích của ngân hàng này cho biết thời tiết khắc nghiệt khiến một số tỉnh ở Trung Quốc hạn chế sử dụng điện hoặc tiết kiệm điện ở một số trung tâm công nghiệp quan trọng nhất của đất nước.
Theo NY Times, CNN
Lê Linh