Kinh tế Trung Quốc đã lấy lại đà phục hồi?

Vẫn còn những khó khăn đối với Trung Quốc trong năm 2024, tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã lấy lại đà phục hồi.

Việc tìm ra động lực tăng trưởng kinh tế mới sẽ là một thách thức lớn đối với Trung Quốc trong năm 2024 và xa hơn. (Nguồn: Reuters)

Việc tìm ra động lực tăng trưởng kinh tế mới sẽ là một thách thức lớn đối với Trung Quốc trong năm 2024 và xa hơn. (Nguồn: Reuters)

Phục hồi tiếp tục gập ghềnh?

Đà phục hồi gập ghềnh của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2023 được cho là có thể kéo dài sang năm 2024.

Tháng 1, Trung Quốc mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, trùng với thời điểm các điều kiện kinh tế mang đầy tính thách thức ở nước ngoài. Lạm phát tăng cao khắp thế giới khiến người tiêu dùng ít có xu hướng mua hàng hóa.

Ở trong nước, người tiêu dùng tỏ ra thận trọng trong chi tiêu. Sức mua yếu bắt nguồn từ niềm tin tiêu dùng suy giảm. Theo lý giải từ các chuyên gia, đây là hệ quả từ những viện trợ ít ỏi cho các hộ gia đình trong thời kỳ đại dịch khiến nhiều người lao đao.

Đến tháng 7, Trung Quốc đã đi ngược lại xu hướng toàn cầu và bước vào thời kỳ giảm phát - điều mà nước này phải vật lộn để thoát ra trong nửa cuối năm.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,5% trong tháng 11 so với cùng kỳ năm ngoái - mức giảm mạnh nhất trong ba năm.

Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc tiếp tục diễn ra khi ngày càng có nhiều nhà phát triển bất động sản đứng trước bờ vực vỡ nợ và doanh số bán nhà vẫn ở mức thấp. Điều này gây khó khăn cho nền kinh tế, nơi bất động sản chiếm khoảng 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và gần như 70% tài sản hộ gia đình.

Đặc biệt, trong quý III năm nay, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng của Trung Quốc lần đầu tiên chuyển sang mức âm. Điều này nghĩa là đầu tư ra nước ngoài đã vượt quá đầu tư của nước ngoài vào Trung Quốc.

Theo Goldman Sachs, dòng vốn chảy ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng 9 đạt 75 tỷ USD - cao nhất trong 7 năm.

Hiệp hội Tài chính quốc tế (IIF) chỉ ra, thị trường chứng khoán và trái phiếu của Trung Quốc chứng kiến dòng vốn chảy ra nước ngoài trong 5 quý liên tiếp, lập kỷ lục về thời gian dài nhất trong lịch sử.

Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ nước này vượt 21% trong tháng 6. Đó là lần gần đây nhất Trung Quốc công bố số liệu thống kê này.

Nhiều cử nhân đại học ở Trung Quốc có bằng cấp đang phải chấp nhận những công việc kỹ năng thấp để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Trong khi đó, lực lượng lao động còn lại đang phải hứng chịu đà thu nhập giảm mạnh.

Ngay cả trong lĩnh vực xe điện - một trong số những điểm sáng hiếm hoi của nền kinh tế thứ hai thế giới ở thời điểm này - cuộc chiến giá cả đang gây ra nhiều tổn thất cho các nhà cung ứng và người lao động.

Ngoài ra, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, mức nợ khổng lồ của chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã lên tới 12,6 nghìn tỷ USD, tương đương 76% sản lượng kinh tế vào năm 2022. Đây là thách thức lớn mà các nhà hoạch định chính sách phải đối mặt trong tương lai.

Cải cách và mở cửa rộng hơn

Trang Asia Times cũng nhận thấy, mô hình cũ về tăng trưởng dựa vào tín dụng và đầu tư của Trung Quốc đã bị suy giảm do cuộc khủng hoảng bất động sản cũng như nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu yếu.

Tuy nhiên, dữ liệu gần đây cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã lấy lại đà phục hồi.

Tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Trung Quốc trong 3 quý vừa qua đạt 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản xuất pin mặt trời, robot dịch vụ và mạch tích hợp tăng lần lượt 62,8%, 59,1% và 34,5% vào tháng 10.

Đầu tư vào cơ sở hạ tầng và sản xuất đã tăng lần lượt 5,9% và 6,2% trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 10, bù đắp cho mức giảm 9,3% trong đầu tư bất động sản. Ngoài lĩnh vực bất động sản, đầu tư tư nhân tăng 9,1%.

Song song với đó, tiêu dùng cũng chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, mặc dù xuất khẩu trong tháng 10 giảm 6,4% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức giảm sáu tháng liên tiếp do nhu cầu toàn cầu yếu và xu hướng mất cân bằng toàn cầu hóa.

Đặc biệt, xuất khẩu ô tô của Trung Quốc có thể sẽ vượt 4 triệu chiếc vào cuối năm 2023, ghi nhận một cột mốc quan trọng trong quá trình nâng cấp công nghiệp của đất nước và tiến tới cấp cao hơn trong chuỗi giá trị gia tăng.

Một số cố vấn của chính phủ kỳ vọng, Bắc Kinh sẽ công bố mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 5% - giống như mục tiêu đặt ra cho năm 2023 - với điều kiện có nhiều chính sách mở rộng hơn.

Điều mà hầu hết các nhà phân tích kinh tế đều nhận thấy là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể cải cách đáng kể để bù đắp cho tăng trưởng.

Ông Ding Shuang, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Ngân hàng Standard Chartered cho rằng, Bắc Kinh không thể chỉ dựa vào các chính sách kích thích mạnh mẽ để thúc đẩy kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp.

"Trung Quốc cần tạo ra động lực nội tại cho nền kinh tế thông qua những cải cách và mở cửa rộng hơn", vị chuyên gia này nêu quan điểm.

(theo Reuters, Al Jazeera, Asia Times)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-trung-quoc-da-lay-lai-da-phuc-hoi-255148.html