Kinh tế Trung Quốc hồi phục trở lại nhưng còn quá sớm để phủ nhận những thách thức

Sau giai đoạn khủng hoảng của đại dịch Covid-19, kinh tế Trung Quốc đã có sự phục hồi và trên đà tăng trưởng trở lại. Tuy nhiên, tình hình lũ lụt nghiêm trọng hay căng thẳng leo thang với Mỹ là những thách thức mà kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt trong thời gian tới.

Mặc dù đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại, kinh tế Trung Quốc vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. (Nguồn: SCMP)

Tín hiệu tốt lành?

Nền kinh tế nghìn tỷ USD của Trung Quốc đã bắt đầu “rục rịch” phát triển trở lại sau nhiều tháng “đóng băng”. Số liệu Cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 16/7 cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng 3,2% trong quý II/2020. Mức tăng trưởng này cao hơn so với mức dự báo 2,5% của các nhà phân tích trong một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters.

Theo CNN, mức tăng trưởng trên cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đà phục hồi và Trung Quốc đã phần nào ngăn chặn được suy thoái. Trong quý I/2020, nền kinh tế trị giá 14 nghìn tỷ USD đã giảm 6,8%, mức suy giảm mạnh nhất kể năm 1992.

Trung Quốc, tâm chấn đầu tiên của sự bùng phát virus SARS-CoV-2, nơi đầu tiên trên thế giới áp đặt các biện pháp hà khắc để dập tắt virus và cũng là quốc gia đầu tiên đối mặt với suy thoái kỷ lục trong quý I/2020. Sự phục hồi trong quý II/2020 và khả năng ngăn chặn suy thoái của Trung Quốc có thể báo trước tin tốt cho phần còn lại của thế giới.

Trong tháng 6, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã thay đổi dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu là 4,9% , thấp hơn so với con số được đưa ra vào tháng 4. Đồng thời, IMF cũng nhận định rằng, nếu các nền kinh tế trong khu vực sớm mở cửa trở lại thì mức độ suy thoái kinh tế sẽ ít nghiêm trọng hơn so với dự báo.

"Nhưng suy thoái có thể ít nghiêm trọng hơn dự báo nếu bình thường hóa kinh tế tiến hành nhanh hơn dự kiến ở các khu vực đã mở cửa trở lại", tổ chức này cho biết. IMF dự báo, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng 1% trong năm nay, trong khi Mỹ và châu Âu sẽ chứng kiến những cơn co thắt mạnh.

Phục hồi không đồng đều

Theo chuyên gia kinh tế của Tập đoàn Macquarie Larry Hu, mặc dù mức độ phục hồi kinh tế của Trung Quốc lớn hơn so với dự kiến của nhiều nhà phân tích, nhưng mức tăng trưởng này không đồng đều. Thực trạng của kinh tế Trung Quốc vẫn là vấn đề cung lớn hơn cầu.

Theo dữ liệu của Refinitiv, ngành công nghiệp là điểm sáng của kinh tế Trung Quốc, với mức tăng 4,8% trong tháng 6. Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao được đánh giá là vô cùng vững chắc, với tổng mức đầu tư cao hơn mong đợi.

Song, trong quý II/2020, doanh thu bán lẻ đang là một mắt xích yếu của chuỗi kinh tế, với con số sụt giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm nỗ lực kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy tăng trưởng ngành dịch vụ, du lịch như đưa ra các gói trợ cấp dành cho những người muốn mua ô tô, chi hàng tỷ USD cho các phiếu mua hàng giảm giá cho người dân. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng thừa nhận, việc kích cầu tiêu dùng đang là thách thức lớn trong bối cảnh nước này vẫn đang cố gắng kiểm soát dịch Covid-19.

Trong cuộc họp báo ngày 16/7, Liu Aihua, phát ngôn viên của Cục Thống kê Quốc gia cho rằng, Chính phủ Trung Quốc cần phải "cố gắng hơn nữa" trong nửa cuối năm để giúp tăng sức mạnh chi tiêu cá nhân.

Bất ổn vẫn hiện hữu

Sự phục hồi của Trung Quốc cho thấy, nền kinh tế của nước này vẫn đang trên đà tăng trưởng, bất chấp sự suy thoái trong quý đầu tiên. Trang Oxford Economics dự đoán, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 6% trong nửa cuối năm nay và tăng trung bình 2,5% cho cả năm 2020.

Kinh tế Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể sau khi nước này ngăn chặn thành công sự lây lan của dịch Covid-19 và nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ.

Tuy nhiên, những thách thức vẫn còn ở phía trước.

Chuyên gia Larry Hu nhận thấy, khoảnh khắc đen tối nhất đã ở lại phía sau, song những bất ổn lớn từ đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn đang hiện hữu. Còn quá sớm để khẳng định, Trung Quốc đã thoát khỏi những thách thức.

Các chuyên gia kinh tế tại Nomura cũng nhận định, Trung Quốc đang tiếp tục phải đối mặt với các thách thức khác, bao gồm tình hình lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ và căng thẳng leo thang trên nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, quốc gia này cũng không loại trừ nguy cơ sẽ bị tấn công bởi làn sóng Covid-19 thứ 2.

“Nếu làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng phát vào mùa Đông năm nay, nền kinh tế Trung Quốc cũng như nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề”, các chuyên gia tại Nomura nhấn mạnh.

(theo CNN)

Phương Thảo

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-trung-quoc-hoi-phuc-tro-lai-nhung-con-qua-som-de-phu-nhan-nhung-thach-thuc-119602.html