Kinh tế Trung Quốc mất bao lâu để gượng dậy sau dịch virus corona?

Bất chấp việc dịch virus corona vẫn đang diễn biến phức tạp, chính quyền Trung Quốc kêu gọi các doanh nghiệp nối lại hoạt động để giải cứu nền kinh tế đang tê liệt.

Theo South China Morning Post, kiềm chế dịch virus corona (Covid-19) vẫn là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trung Quốc ở thời điểm này. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đã gửi thông điệp rõ ràng đến chính quyền các địa phương. Đó là "phản ứng thái quá" với dịch bệnh sẽ giết chết triển vọng kinh tế.

Nhưng các nhà máy, công trường xây dựng hay tòa nhà văn phòng không thể nối lại hoạt động sau một đêm. Bởi các trung tâm kinh tế của Trung Quốc - bao gồm đồng bằng sông Dương Tử, châu thổ sông Châu Giang và thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải - sẽ đối mặt với nguy cơ dịch bệnh lây lan khi dòng người lao động nông thôn ồ ạt trở lại.

Các công ty sản xuất thiết bị y tế (bao gồm khẩu trang) và dịch vụ giao hàng là nhóm doanh nghiệp đầu tiên hoạt động trở lại theo lệnh của chính quyền các địa phương. Các nhà máy và hãng sản xuất chỉ sử dụng lao động địa phương và tuân thủ các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt là nhóm kế tiếp.

Chính quyền Trung Quốc yêu cầu nhiều doanh nghiệp nối lại sản xuất để giải cứu nền kinh tế. Ảnh: Xinhua.

Chính quyền Trung Quốc yêu cầu nhiều doanh nghiệp nối lại sản xuất để giải cứu nền kinh tế. Ảnh: Xinhua.

Các nhà máy bắt đầu nối lại sản xuất

Ví dụ như ở Hàng Châu, người lao động chỉ được trở lại làm việc với điều kiện đã ở thành phố trong 14 ngày trước đó, có sức khỏe tốt, chưa từng tới khu vực có dịch từ đầu năm, không có tiếp xúc với bệnh nhân hoặc người bị nghi nhiễm virus corona.

Các công ty phải cung cấp đầy đủ khẩu trang y tế cho nhân viên, trung bình mỗi công nhân 2 chiếc/ngày dù cả thị trường Trung Quốc đang rơi vào tình trạng thiếu nguồn cung khẩu trang.

SCMP dẫn lời cô Linda Chen, nhân viên một công ty ở Ninh Ba (tỉnh Chiết Giang), cho biết: “Chỉ khoảng 5% trong số các doanh nghiệp có doanh thu hơn 20 triệu NDT (2,8 triệu USD)/năm ở Ninh Ba này đã nối lại hoạt động. Công ty chúng tôi đã mở cửa trở lại, nhưng chỉ 20% công nhân đi làm và phần lớn là lao động địa phương”.

Lisa Li - giám đốc một doanh nghiệp sản xuất áo khoác - kể công ty của bà không cung cấp đủ cung khẩu trang cho nhân viên. “Chúng tôi chỉ có thể sắp xếp cho 200 công dân làm việc trên dây chuyền sản xuất của nhà máy tại Quảng Đông", bà Li than thở.

"Chính quyền yêu cầu mỗi doanh nghiệp phải cung cấp cho nhân viên 2 khẩu trang/ngày và có đủ hàng dự trữ cho 10 ngày liên tục. Như vậy, công ty phải có ít nhất 4.000 khẩu trang trong kho mỗi ngày. Chúng tôi cần thêm khẩu trang nếu muốn nhiều công nhân trở lại làm việc".

 Một phần mạng lưới sản xuất của Foxconn ở Trung Quốc đã hoạt động trở lại. Ảnh: Getty Images.

Một phần mạng lưới sản xuất của Foxconn ở Trung Quốc đã hoạt động trở lại. Ảnh: Getty Images.

Với các nhà sản xuất lớn của Trung Quốc - thành phần cốt lõi trong chuỗi cung ứng - việc xin phép hoạt hoạt động trở lại dễ dàng hơn. Nhà máy của Tesla tại Thượng Hải nối lại sản xuấthôm 11/2.

Trong khi đó, Foxconn đã có giấy phép tái khởi động một phần hệ thống lắp ráp dù nhiều công nhân nông thôn vẫn chưa có mặt. Volkswagen cũng đã mở cửa trở lại 6 nhà máy ở Trung Quốc và và 8 nhà máy khác sẽ đi vào hoạt động trong tuần tới.

Vẫn phải chờ đợi

Trong khi đó, các nhà máy quy mô nhỏ, sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là người nhập cư từ nông thôn, sẽ phải chờ đợi lâu hơn. "Rất ít công ty sản xuất giày dép với quy mô vài trăm công nhân ở Đông Hoản được phép hoạt động trở lại", SCMP dẫn lời ông Wang Jie, chủ một công ty ở Đông Hoản, tiết lộ.

Những nhà sản xuất khác không đủ nguồn lực tài chính để mua đủ khẩu trang cho công nhân hay sắp xếp được không gian cách ly theo quy định của chính phủ.

"Việc chính quyền địa phương buộc các cơ sở sản xuất nhỏ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với những công nhân bị nhiễm bệnh là điều không công bằng", ông Wang Jie bức xúc. Ông nhận định chỉ cần một ca nhiễm bệnh sẽ là thảm họa với toàn bộ cơ sở sản xuất.

Ông Cheng Chi-hung, chủ một công ty sản xuất mũ bảo hiểm ở Đông Hoản, cho biết nhiều doanh nghiệp cần các nhà sản xuất đầu cuối hoạt động trở lại mới có thể khôi phục sản xuất.

“Chúng tôi chỉ còn đủ nguyên liệu thô cho 15-30 ngày hoạt động trong khi 50% công nhân đã sẵn sàng làm việc. Nếu các nhà cung cấp không nối lại hoạt động trước ngày 1/3, chúng tôi không thể khôi phục sản xuất”, doanh nhân Cheng lo lắng.

 Các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ ở Trung Quốc chưa thể nối lại hoạt động vì thiếu nguồn lực. Ảnh: Reuters.

Các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ ở Trung Quốc chưa thể nối lại hoạt động vì thiếu nguồn lực. Ảnh: Reuters.

Kể cả các nhà máy đã đón chào sự trở của công nhân sau kỳ nghỉ Tết kéo dài cũng sẽ mất rất nhiều thời gian để hoạt động trở lại như bình thường.

"Công ty đã nối lại sản xuất, nhưng công nhân của tôi giờ chỉ đi khử trùng nhà máy vì phần lớn nhà cung cấp vẫn đang trong tình trạng tê liệt", ông Xie Jun, chủ một công ty xuất khẩu hàng nội thất ở đồng bằng sông Dương Tử, buồn rầu.

Bà Channey Zhen, giám đốc một hãng sản xuất đồ gốm sứ công nghệ cao ở Triều Châu (Quảng Đông) cũng cho biết công ty đã hoạt động trở lại từ ngày 10/2, nhưng còn rất trầy trật.

"Toàn bộ ngành công nghiệp sản xuất ở Trung Quốc được kết nối rất chặt chẽ. Chỉ cần một nhà cung cấp tê liệt thì toàn bộ chuỗi sản xuất sẽ lao đao", bà Zhen phân tích.

An Chi

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/kinh-te-trung-quoc-mat-bao-lau-de-guong-day-sau-dich-virus-corona-post1046480.html