Kinh tế Trung Quốc sụt giảm sâu, đối mặt thử thách cực lớn

Ngày 17/4, chính quyền Bắc Kinh sẽ công bố tăng trưởng GDP quý I. Giới chuyên gia nhận định Trung Quốc đối mặt với những thử thách kinh tế khổng lồ sau đại dịch Covid-19.

Các nhà kinh tế thuộc Bloomberg dự báo GDP quý I của Trung Quốc sụt giảm 6% do hoạt động sản xuất - kinh doanh nước này đình trệ vì dịch virus bùng lên từ Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc). Thậm chí Bloomberg Economics cho rằng mức giảm có thể sâu tới 11%.

Cũng trong ngày 17/4, chính quyền Trung Quốc sẽ công bố các dữ liệu kinh tế tháng 3 như doanh số bán lẻ, đầu tư tài sản cố định, sản lượng công nghiệp... Đây sẽ là bức tranh đầy đủ phản ánh cuộc khủng hoảng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong dịch Covid-19.

Theo Tân Hoa Xã, tuần trước các nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết mở rộng nhu cầu nội địa để thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư, đồng thời rút ngắn tiến độ xây dựng các dự án đầu tư.

“Nền kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ có thể hồi phục từ từ”, Bloomberg dẫn lời chuyên gia Scott Kennedy, cố vấn cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, nhận định.

Thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) - tâm chấn của dịch virus corona chủng mới - gỡ bỏ lệnh phong tỏa từ ngày 8/4. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) - tâm chấn của dịch virus corona chủng mới - gỡ bỏ lệnh phong tỏa từ ngày 8/4. Ảnh: Tân Hoa Xã.

“Chính phủ kích thích quá mức sẽ dẫn đến tình trạng chi tiêu lãng phí và nợ phình to, trong khi không giải quyết được vấn đề cơ bản của nền kinh tế Trung Quốc. Đó là năng suất thấp”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Trước đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo các thị trường toàn cầu đang tê liệt vì dịch bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng tới xuất khẩu của Trung Quốc. IMF ước tính tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm nay chỉ đạt vỏn vẹn 1,2%.

Trung Quốc hoãn họp quốc hội hồi đầu tháng 3, do đó chưa thể công bố chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2020. Mức 6% sẽ là đủ để Bắc Kinh đạt mục tiêu tăng gấp đôi GDP và thu nhập trung bình so với năm 2010. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ buộc phải vay nợ và chi tiêu cực lớn để hoàn tất tham vọng này.

Chuyên gia Shang-Jin Wei thuộc Trường Kinh doanh Columbia (New York, Mỹ) cho rằng Trung Quốc nên từ bỏ mục tiêu tăng trưởng 6% năm nay. Nếu quyết liệt hiện thực hóa tham vọng này, Bắc Kinh sẽ đối mặt với nguy cơ các địa phương vội vàng gỡ bỏ những biện pháp kiểm dịch cần thiết để khôi phục kinh tế.

“Việc ngăn chặn làn sóng virus thứ hai là điều cần thiết với Trung Quốc lúc này hơn là hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cao”, chuyên gia này khẳng định.

Phần lớn các biện pháp kích thích của Bắc Kinh thời gian qua chỉ tập trung vào giảm thuế, điều chỉnh nhẹ lãi suất, hỗ trợ thị trường tài chính và tăng nhẹ chi tiêu công.

Năm 2008, để đối phó với khủng hoảng tài chính, Trung Quốc đổ hàng nghìn tỷ NDT vào các dự án hạ tầng. GDP Trung Quốc sau đó tăng lại, nhưng với cái giá phải trả là tổng nợ phình to lên mức tương đương 300% GDP hồi năm 2019.

Hương Giang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/kinh-te-trung-quoc-sut-giam-sau-doi-mat-thu-thach-cuc-lon-post1073657.html