Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm, tại sao đồng nhân dân tệ vẫn mạnh hơn USD?

Trung Quốc đang trải qua thời kỳ kinh tế tăng trưởng chậm, nhưng đồng nhân dân tệ lại hiếm khi nào mạnh như bây giờ. Đồng nhân dân tệ cũng có một năm tốt hơn cả đồng USD ngay cả khi FED tăng lãi suất.

Nhân dân tệ tăng giá nhiều nhất thế giới năm nay

Đồng tiền giấy mệnh giá 100 nhân dân tệ của Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng tiền giấy mệnh giá 100 nhân dân tệ của Trung Quốc tại Bắc Kinh. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo kênh CNN, đồng nhân dân tệ đã tăng hơn 8% giá trị trong năm 2021. Theo chỉ số theo dõi đồng nhân dân tệ so với 24 đồng tiền khác, thì giá trị của nhân dân tệ năm nay chỉ kém kỷ lục hồi tháng 11/2015 có 0,26%.

Nhân dân tệ cũng tăng giá so với USD. Trong năm nay, nhân dân tệ tăng từ 2,4% đến 2,8% so với đồng đô la Mỹ, tùy thuộc vào giao dịch ở Trung Quốc hay ở nước ngoài. Nhưng dù được giao dịch ở đâu thì nhân dân tệ cũng đang ở mức cao nhất so với đồng USD trong khoảng 3 năm nay. Tỷ giá ở nước ngoài hiện ở mức 6,34 nhân dân tệ ăn 1 USD, mức cao nhất từ tháng 5/2018.

Ông Marc Chandler, Giám đốc điều hành công ty giao dịch thị trường vốn Bannockburn Global Forex, nhận định rằng tính tới đầu tháng 12 này, đồng nhân dân tệ tăng giá mạnh nhất thế giới trong năm nay.

Theo Becky Liu, Giám đốc về chiến lược vĩ mô Trung Quốc tại ngân hàng Standard Chartered, xuất khẩu bùng nổ và lãi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc tương đối cao là nguyên nhân khiến nhân dân tệ tăng giá dù tăng trưởng kinh tế yếu hơn.

Đồng nhân dân tệ có thể tiếp tục đà tăng giá tới năm 2022, cho dù kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn với tình trạng lạm phát, thị trường bất động sản suy giảm, đợt chấn chỉnh hiện nay với lĩnh vực tư nhân. Chuyên gia Becky Liu dự báo nhân dân tệ sẽ tăng lên mức 6,3 nhân dân tệ đổi 1 USD trong vài tháng đầu năm 2022. Các nhà phân tích tại Goldman Sachs cũng cho rằng xu hướng tương tự có thể diễn ra trong nửa đầu năm 2022.

Điểm lợi với Trung Quốc là: Nhân dân tệ càng mạnh thì có khả năng các ngân hàng trung ương thế giới sẽ dự trữ nhiều đồng tiền này hơn, thúc đẩy sử dụng nó trên toàn cầu. Xu hướng tăng giá cũng có thể khiến hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn, kiềm chế lạm phát đang tăng cao. Trung Quốc mua nhiều hàng hóa được định giá bằng USD.

Tuy nhiên, đồng nhân dân tệ tăng giá cũng gây bất lợi cho Trung Quốc nếu tăng giá trị quá nhanh. Xét bối cảnh Trung Quốc đang xuất khẩu hàng mạnh như hiện nay, nhân dân tệ càng đắt thì càng khiến hàng xuất khẩu kém cạnh tranh hơn ở nước ngoài. Điều này có thể đe dọa tới quá trình phục hồi kinh tế vốn đã mong manh.

Sau đây là hai nguyên nhân chính khiến nhân dân tệ tăng giá.

Xuất khẩu mạnh

Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại Cảng Container Quốc tế Yantian ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Hoạt động vận chuyển hàng hóa tại Cảng Container Quốc tế Yantian ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong những tháng gần đây, tình trạng gián đoạn vận tải biển và khủng hoảng bất động sản đã tác động mạnh tới kinh tế Trung Quốc. Khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng cũng góp phần khiến kinh tế quý ba tăng trưởng yếu nhất trong trong một năm.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn xuất khẩu mạnh. Giá trị hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đạt 325,5 tỷ USD trong tháng 11, tăng 22% so với năm trước. Giá trị xuất khẩu trong 11 tháng đầu năm 2021 cũng tăng 31% lên hơn 3.000 tỷ USD, nhiều hơn cả năm 2020.

Các nhà phân tích cho rằng thành tích trên chủ yếu nhờ nhu cầu hàng hóa Trung Quốc tăng khi thế giới phục hồi kinh tế.

Theo ông Larry Hu, trưởng nhóm kinh tế Trung Quốc tại công ty Macquarie Group, lý do chính đồng nhân dân tệ tăng giá là lượng tiền chảy vào Trung Quốc, phần lớn nhờ xuất khẩu. Có thể xuất khẩu sẽ vẫn mạnh cho dù thế giới phải đối phó với biến thể mới Omicron.

Trái phiếu chính phủ

Một lý do nữa khiến nhân dân tệ tăng giá là quốc tế hào hứng với trái phiếu Trung Quốc.
Trong tháng 11, giá trị trái phiếu định giá bằng nhân dân tệ do các nhà đầu tư quốc tế nắm giữ tăng 8 tháng liền, đạt 3.900 tỷ USD.

Đồng tiền giấy mệnh giá 100 Nhân dân tệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng tiền giấy mệnh giá 100 Nhân dân tệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Đầu tư toàn cầu vào trái phiếu Trung Quốc tăng sau khi nhà cung cấp chỉ số toàn cầu FTSE Russell đã thêm trái phiếu chính phủ Trung Quốc vào Chỉ số Trái phiếu Chính phủ Thế giới hồi tháng 10. Đây là một chỉ số trái phiếu toàn cầu được sử dụng nhiều nhất thế giới.

Các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ dự báo việc đưa Trung Quốc vào chỉ số này sẽ mang lại khoản đầu tư trái phiếu chính phủ Trung Quốc trị giá 130 tỷ USD trong 3 năm tới. Nhà đầu tư toàn cầu đang thấy lãi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc rất hấp dẫn. Lãi suất 10 năm đang ở mức 2,9%, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ là 1,44%.

ANZ cũng dự báo trái phiếu chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nhờ đồng nhân dân tệ ít biến động.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/kinh-te-trung-quoc-tang-truong-cham-tai-sao-dong-nhan-dan-te-van-manh-hon-usd-20211210154609671.htm