Kinh tế Trung Quốc trước sức ép suy giảm

Trước những diễn biến phức tạp của các điều kiện ở trong lẫn ngoài nước, kinh tế Trung Quốc trong quý III vừa qua ghi nhận tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong gần ba thập niên.

Cho dù các quan chức cho rằng nền kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì được sự ổn định, nhưng những bất ổn và áp lực ngày càng gia tăng đang đòi hỏi Chính phủ nước này phải tăng cường những nỗ lực ứng phó, ngăn chặn đà suy giảm.
*Tăng trưởng thấp nhất trong 27 năm
Theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), trong quý III/2019, kinh tế nước này tăng trưởng 6%, mức thấp nhất trong gần ba thập niên, trước sự sụt giảm nhu cầu trong nước và cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ.

Đây là mức tăng hàng quý thấp nhất kể từ năm 1992, dù vẫn nằm trong phạm vi mục tiêu 6-6,5% năm 2019 của Chính phủ Trung Quốc.

Hoạt động vận chuyển tại khu cảng container ở Thái Thương, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc ngày 30/10/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Hoạt động vận chuyển tại khu cảng container ở Thái Thương, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc ngày 30/10/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Người phát ngôn của NBS, Mao Shengyong, nhận định kinh tế Trung Quốc đã duy trì sự ổn định trong các quý I-III/2019, song lưu ý trước những diễn biến phức tạp của các điều kiện kinh tế ở trong lẫn ngoài nước, sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu và tình trạng gia tăng bất ổn bên ngoài, kinh tế Trung Quốc đang chịu sức ép đi xuống.
Còn Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương cho biết, Trung Quốc đã duy trì đà tăng trưởng ổn định trong năm 2019, với các chỉ số kinh tế quan trọng đều nằm trong vùng hợp lý, dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này vẫn đang phải đối mặt với những trở ngại lớn từ bên ngoài do xu hướng bảo hộ thương mại ở nhiều nền kinh tế lớn.
Ông Dịch Cương cho hay trong ba quý đầu năm 2019, GDP của Trung Quốc tăng 6,2%, qua đó đóng góp quan trọng cho tăng trưởng của toàn cầu.

Tiêu dùng và đầu tư tiếp tục tăng bất chấp nhiều áp lực, trong đó hoạt động tiêu dùng trong nước đóng vai trò lớn hơn trong việc thúc đẩy tăng trưởng, khi hoạt động này đóng góp đến hơn 60% cho tăng trưởng GDP. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong ba quý qua cũng tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kết quả khảo sát về hoạt động chế tạo Trung Quốc cho thấy lĩnh vực này đã có cải thiện trong tháng Chín nhờ nhu cầu nội địa gia tăng.

NBS cho biết Chỉ số nhà quản lý mua hàng trong tháng Chín đã tăng lên 49,8, cao hơn so với mức 49,5 trong tháng Tám, song vẫn ở dưới mốc 50 điểm, cho thấy lĩnh vực chế tạo vẫn giảm.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng đà tăng này chỉ kéo dài trong ngắn hạn, khi thị trường bất động sản hạ nhiệt và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung vẫn tiếp diễn.
Trong khi đó, cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ cũng tác động tiêu cực đến kinh tế Trung Quốc.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 9/2019 giảm 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 8,5%, nhất là mức dự báo lần lượt là giảm 2,8% và 6% do hãng tin Bloomberg đưa ra trước đó.
Mặc dù cuộc đàm phán thương mại Trung-Mỹ đã có bước đột phá, với việc đạt được một phần thỏa thuận, tuy nhiên các chuyên gia cho rằng bước này không có khả năng làm giảm bớt tác động từ những trở ngại mà các nhà xuất khẩu phải đối mặt và sẽ mất nhiều thời gian hơn trước khi hoạt động xuất khẩu phục hồi.
*Cần thêm những nỗ lực ứng phó
Theo ông Dịch Cương, đối mặt với những bất ổn và áp lực ngày càng gia tăng, Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực nhằm cải thiện cơ cấu kinh tế cũng như thúc đẩy cải cách và mở cửa.

Nhân viên vận hành dây chuyền sản xuất tại Công ty IMS Gear ở thị xã Thái Cương, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc ngày 30/10/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Nhân viên vận hành dây chuyền sản xuất tại Công ty IMS Gear ở thị xã Thái Cương, tỉnh Giang Tô, miền Đông Trung Quốc ngày 30/10/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Năm 2019, danh sách các hoạt động đầu tư nước ngoài tiêu cực đã được rút ngắn hơn nữa, đồng thời khả năng tiếp cận các ngành khai mỏ và nông nghiệp đã được nới lỏng; việc mở cửa lĩnh vực tài chính cũng có tiến triển đáng kể.
Thống đốc PBoC cho biết trong thời gian tới, Trung Quốc sẽ vẫn giữ vững cam kết mở cửa toàn diện.

Ông cho hay Bắc Kinh sẽ mở cửa lĩnh vực sản xuất, tài chính và các lĩnh vực dịch vụ hiện đại khác, thúc đẩy cải cách cơ chế tỷ giá và khả năng chuyển đổi của đồng NDT trong tài khoản vốn, giảm thuế quan, cải thiện hơn nữa luật pháp và quy định liên quan, tăng cưởng bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Ông Dịch Cương khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách tiền tệ thận trọng trước những diễn biến trong và ngoài nước. Kể từ đầu năm nay, PBoC đã hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc ba lần để giảm gánh nặng chi phí của các ngân hàng.

Bên cạnh đó, việc cải cách lãi suất dựa trên thị trường đã có nhiều tiến triển. Kết quả là tăng trưởng nguồn tiền và tín dụng đều ổn định và lãi suất trên thị trường vẫn được duy trì ở các mức thấp.
Trong biện pháp mới nhất để hỗ trợ tăng trưởng, PBoC ngày 16/10 cho biết đã bơm 200 tỷ NDT (28 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua cơ chế cho vay trung hạn đối với các ngân hàng, nhằm duy trì khả năng thanh khoản trên thị trường.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý những nỗ lực trên vẫn chưa đủ để bù đắp cho sự sụt giảm nhu cầu nội địa. Xung đột thương mại và nhu cầu trong nước suy yếu đã thúc đẩy Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Trung Quốc từ 6,2% xuống còn 6,1%.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 14/10 cho rằng nước này cần tăng cường các nỗ lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong nước, ứng phó những sức ép suy giảm và tăng cường tạo ra việc làm.

Theo nhận định của nhà kinh tế Xu Xiaochun của Moody's, PBoC có thể tiếp tục nới lỏng các điều kiện tín dụng, trong đó có việc hạ lãi suất.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong tháng Chín cảnh báo kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm tới do xuất khẩu giảm sút và căng thẳng thương mại với Mỹ.

ADB dự báo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ tăng trưởng 6,2% trong năm 2019 và 6% năm 2020, thấp hơn so với các mức dự báo được đưa ra hồi tháng Tư.
Nhà kinh tế trưởng của ADB, Yasuyuki Sawada, nhận định tiêu dùng trong nước sẽ là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, trong khi rủi ro suy giảm chủ chốt xuất phát từ xung đột thương mại với Mỹ.

Theo ADB, Bắc Kinh có khả năng sẽ tiến hành thêm các chính sách hỗ trợ về cả tiền tệ lẫn tài khóa trong những năm tới./.

Lê Minh (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/kinh-te-trung-quoc-truoc-suc-ep-suy-giam/138965.html