Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Cách trung tâm huyện Phong Thổ 60km, Pa Vây Sử là xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã đã có nhiều cố gắng trong công tác xóa đói giảm nghèo. Một trong số những hướng đi được xã lựa chọn chính là khai thác tiềm năng, phát triển cây ôn đới.

Đến thăm bản Hang É (xã Pa Vây Sử) những ngày gần đây, khi cơn mưa mùa hạ nơi vùng biên vừa đi qua, chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những vườn lê, vườn đào đang trong giai đoạn thu hoạch quả. Trên mảnh vườn thoai thoải gần đường, cây nào cây nấy căng tràn sức sống, vươn mình khoe tán rộng và lớp “áo” xanh thẫm với rất nhiều quả mọng, đang chờ người thu hái. Ông Mùa A Sình - chủ vườn, chân bị đau vài ngày, đi lại khó khăn nhưng vẫn tình nguyện dẫn chúng tôi đi thăm vườn.

Ông Sình kể: “Trước đây, mảnh vườn 0,5ha của gia đình tôi chỉ trồng cỏ voi nuôi trâu. Từ năm 2017, gia đình tôi bắt đầu trồng lê ăn quả và đến năm 2019 trồng thêm một số cây đào lấy cành. Được hỗ trợ về cây giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc đúng quy trình, cả vườn cây hợp điều kiên tự nhiên, khí hậu địa phương nên sinh trưởng phát triển tốt. Tỷ lệ sống cao, ít bị sâu bệnh”. Hiện nay, cả gia đình ông có gần 200 cây đào, lê trong đó gần 100 cây lê đã cho thu hoạch vụ thứ 2, thu được hơn 2 triệu đồng/vụ. Cành đào khách đến tại vườn, mua với giá từ 700 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/cành. Đến thời điểm này, gia đình ông đã thu được 20 triệu đồng từ đào (riêng năm 2020 thu được 7 triệu đồng). Hiệu quả kinh tế do đào, lê mang lại gấp nhiều lần so với trồng cỏ trước đây.

Cán bộ xã Pa Vây Sử thăm vườn lê của gia đình ông Mùa A Sình ở bản Hang É.

Cán bộ xã Pa Vây Sử thăm vườn lê của gia đình ông Mùa A Sình ở bản Hang É.

Được biết, ngoài trồng đào, lê, gia đình ông Sình còn duy trì trồng, chăm sóc 3ha thảo quả (thu trung bình 50 triệu đồng/năm), 1ha lúa, hơn 1ha ngô, 1 năm thu hơn 3 tấn thóc, 1 tấn ngô hạt. Chăn nuôi thêm 5 con trâu, hơn 10 con lợn (mỗi năm thu được khoảng 20 triệu tiền lãi từ lợn), vài chục con gia cầm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt gia đình. Từ đó, nâng tổng thu nhập 1 năm của gia đình ông Sình lên 70-80 triệu đồng. Gia đình ông có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống, tái đầu tư phát triển kinh tế.

Cách nhà ông Sình không xa, vườn lê (20 gốc) 3 năm tuổi của gia đình anh Sùng A Chảo cùng bản Hang É sau bao ngày vất vả chăm sóc cũng đến ngày cho thu hoạch lứa đầu, mang lại niềm vui lớn cho gia đình. Số tiền bán lê gia đình anh mới chỉ dừng lại vài triệu đồng, song cây lê cho quả ngon, ngọt, chất lượng tốt, đang mang đến niềm hy vọng tăng thu nhập, giúp thoát nghèo cho gia đình anh.

Anh Chảo chia sẻ: “Gia đình tôi chỉ có 1 ít ruộng, sản xuất 1 vụ lúa, năm thiếu ăn mấy tháng. Chăn nuôi không có vốn đầu tư chỉ dừng lại 2 con trâu, 1-2 con lợn để tết thịt. Thỉnh thoảng đến mùa thảo quả, tôi đi vào bản mua về bán lại lấy lời để chi tiêu sinh hoạt. Giờ có số cây lê này gia đình sẽ chăm sóc thật tốt để lê cho năng suất cao trong những vụ tới, giúp nguồn thu ổn định hơn”.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, xã Pa Vây Sử có tổng diện tích tự nhiên là 4.200,08ha, 6/6 bản của xã thuộc khu vực 3, với 425 hộ, trên 2.000 nhân khẩu sinh sống, trong đó trên 90% là đồng bào dân tộc Mông. Năm 2016 trở về trước, nguồn thu nhập của Nhân dân trong xã chỉ từ trồng lúa, ngô, thảo quả, chăn nuôi lợn, trâu, gia cầm… Tỷ lệ hộ nghèo cao. Nguyên nhân do địa hình xã phức tạp, chủ yếu là núi cao xen kẽ các thung lũng hẹp, nhiều khe núi nhỏ, mặt bằng sản xuất nông nghiệp ít. Khí hậu mùa đông nơi đây khắc nghiệt, nhiệt độ giảm sâu, sương muối, giá rét kéo dài, cây trồng khó phát triển. Trình độ nhận thức, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của bà con còn hạn chế.

Mong muốn tìm hướng đi phù hợp, giúp Nhân dân phát triển kinh tế, cấp ủy, chính quyền xã Pa Vây Sử một mặt sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ cấp trên; mặt khác, tuyên truyền, vận động để Nhân dân nâng cao nhận thức, chủ động và cố gắng vươn lên phát triển kinh tế. Nhận thấy, xã có khí hậu mát mẻ, phù hợp với các cây ôn đới như: đào, lê, mận xã phối hợp với các bên liên quan để triển khai mô hình phát triển kinh tế từ trồng lê ăn quả, tạo cơ sở để chuyển giao khoa học kỹ thuật, cầm tay chỉ việc để Nhân dân học hỏi làm theo.

Theo số liệu thống kê, nếu như năm 2020 toàn xã mới có 18,3ha cây ôn đới thì đến nay diện tích đã tăng lên 35,9ha. Trong đó, diện tích cây mận tam hoa và đào pháp duy trì ổn định lần lượt là 6,5ha và 5ha. Cây ăn quả khác 3ha. Riêng diện tích cây lê tăng từ 3,8ha lên 21,4ha (8ha đã cho thu hoạch). Hiện Nhân dân đang tập trung chăm sóc, làm cỏ, bón phân. Với diện tích lê đã cho thu hoạch năng suất đạt 20 tạ/ha, sản lượng 1,5 tấn (đạt 100% so với kế hoạch).

Anh Sùng A Sử – Phó Chủ tịch UBND xã Pa Vây Sử cho biết: “Thời gian qua được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Nhân dân đồng thuận trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hệ số sử dụng đất, diện mạo và đời sống Nhân dân trong xã dần được cải thiện. Thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục qua các năm (trung bình 7%/năm). Hiện, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn trên 52%, tương đương 225 hộ”.

Thời gian tới, để giảm tỷ lệ hộ nghèo, xã Pa Vây Sử tiếp tục khích lệ, hướng dẫn Nhân dân phát triển cây ôn đới, tập trung chủ yếu là cây đào địa phương để cuối mỗi năm bán cành. Với hướng đi này, cây đào sẽ được bà con tự nhân giống bằng cách lấy hạt, ươm cây, trồng vào những chỗ khó canh tác như ven đường, đồi nương, quanh sân vườn hoặc đất để hoang. Việc canh tác này không ảnh hưởng diện tích đất sản xuất nông nghiệp mà vẫn mang lại giá trị kinh tế. Dự kiến trong tháng 10 và 11 (âm lịch) năm nay, xã sẽ phát động trồng đào, số lượng khoảng 15.000 cây, năm 2022 nâng lên 40.000 cây.

Trồng cây ôn đới nói chung, đào lê nói riêng đang mang lại “lợi ích kép” cho xã Pa Vây Sử từ việc phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tạo môi trường xanh sạch đẹp, sức hút du lịch trong tương lai mà còn mang lại hiệu quả kinh tế. Hy vọng, sau 5-7 năm nữa, xã sẽ trở thành điểm bán cành đào lớn nhất Việt Nam với thông điệp “Pa Vây Sử - rừng hoa đào, mùa xuân về, tiền bỏ túi” theo đúng kỳ vọng của cán bộ và Nhân dân xã mong đợi.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/pa-v%C3%A2y-s%E1%BB%AD-khai-th%C3%A1c-ti%E1%BB%81m-n%C4%83ng-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-c%C3%A2y-%C3%B4n-%C4%91%E1%BB%9Bi