Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Những năm gần đây, nông dân huyện Tam Đường đã chuyển sang nuôi nhốt, vỗ béo trâu thịt theo hướng hàng hóa, qua đó giúp người dân nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Dạo thăm các bản: Tả Lèng 1, Tả Lèng 2, Pho Lao Chải, Thèn Pả và San Tra Mán (xã Tả Lèng) một chiều đầu tháng 7, chúng tôi thấy một màu xanh non của cỏ voi cạnh những khu nuôi nhốt, vỗ béo trâu thịt hợp vệ sinh. Nhìn cảnh trên, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay nhận thức của người dân nơi đây về nuôi trâu thương phẩm. Sở dĩ, việc bà con đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp khiến sức trâu dùng trong cày, bừa nương, ruộng cũng giảm dần. Trong khi nhu cầu trâu thịt cung cấp cho thị trường thực phẩm ngày càng tăng cao. Tư thương đến tận bản đặt mua trâu với giá ổn định. Vì vậy, người dân chuyển sang nuôi trâu thịt theo hướng hàng hóa, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Lúc nào, người dân nơi đây cũng nuôi ít nhất từ 1 - 2 con, gia đình nuôi nhiều từ 7 - 10 con trâu. Để chủ động thức ăn thô xanh cho trâu, bà con tận dụng quỹ đất vườn cạnh nhà, bờ mương, khe suối trồng cỏ voi. Đến nay, toàn xã có hơn 20ha cỏ voi phục vụ cho việc nuôi nhốt, vỗ béo trâu. Ngoài ra, bà con còn bổ sung thêm thức ăn tinh bột (ngô, gạo) cho trâu to, béo; xây dựng chuồng nuôi kiên cố, có hố chứa chất thải chăn nuôi hợp vệ sinh. Đây là sự đổi thay mạnh mẽ về nhận thức của bà con trong chăn nuôi. Bà con đến các bản vùng cao trong tỉnh tìm mua trâu gầy về nuôi nhốt, vỗ béo và bán kiếm lời. Thời gian vỗ béo trâu từ 3 - 5 tháng; mỗi con, người dân thu lãi từ 5 - 10 triệu đồng.

Nông dân bản Nà Phát (xã Bình Lư) chăm sóc trâu thịt thương phẩm.

Nông dân bản Nà Phát (xã Bình Lư) chăm sóc trâu thịt thương phẩm.

Gia đình chị Hảng Thị Chang (ở bản Tả Lèng 2, xã Tả Lèng) 3 năm gần đây luân phiên nuôi trâu thịt thương phẩm. Mỗi lứa, chị mua 3 con trâu gầy về nuôi nhốt, vỗ béo. Chị đầu tư xây dựng chuồng nuôi rộng, khô, thoáng về mùa hè và ấm áp mùa đông. Hàng ngày cho trâu ăn đủ thức ăn thô xanh, tinh bột và uống nước muối.

Chị Chang tâm sự: “Ngay sau khi mua trâu gầy về nuôi vỗ béo, tôi chủ động tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh (tụ huyết trùng, lở mồm long móng) và cho ăn đúng bữa, đủ chất dinh dưỡng. Tư thương đến nhà tôi đặt mua trâu với giá từ 25 - 35 triệu đồng/con. Trâu thịt được giá, dễ bán, tôi không lo đầu ra cho sản phẩm. Tôi thấy việc nuôi nhốt, vỗ béo trâu tiết kiệm sức lao động, thu nhập cao, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình”.

Trước đây, gia đình chị Thào Thị Mỷ (ở bản Thèn Pả) là hộ nghèo của xã Tả Lèng do sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, thu nhập thấp. Năm 2017, chị mạnh dạn chuyển từ thả rông sang nuôi nhốt, vỗ béo 2 con trâu của gia đình. Sau khi bán có vốn, chị cùng chồng đi nhiều nơi tìm mua trâu gầy về nuôi nhốt, vỗ béo, đem lại nguồn thu lớn cho gia đình. Mỗi năm, chị thu lãi hơn 20 triệu đồng từ tiền bán trâu thịt thương phẩm. Theo chị Mỷ thì nuôi nhốt, vỗ béo trâu vốn đầu tư lớn nhưng gia đình tận dụng được toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, như: cây ngô, rơm khô, lá mía và cám gạo. Chị chủ động được khâu chăm sóc, trâu ít dịch bệnh, lãi cao. Không chỉ chủ động được thời gian chuẩn bị thức ăn cho trâu, chị còn làm được nhiều việc khác thay cho chăn dắt trâu tốn thời gian, công sức trước đây.

Cạnh đó, nông dân xã Giang Ma cũng đang phát triển việc vỗ béo trâu thịt thương phẩm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021, xã có tốc độ tăng trưởng đàn gia súc đạt 5,05%, trong đó có 873 con trâu. Cấp ủy, chính quyền xã tập trung tuyên truyền, vận động bà con ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nuôi nhốt trâu an toàn sinh học và giám sát tốt tình hình dịch bệnh. Bà con chủ động phun hóa chất tiêu độc, khử trùng chuồng trại, vệ sinh môi trường và tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh đầy đủ. Nhiều hộ thành công với mô hình nuôi nhốt, vỗ béo trâu cho thu lãi từ 20 - 60 triệu đồng/năm.

Anh Giàng A Chư - Phó Chủ tịch UBND xã Giang Ma cho biết: “Những năm gần đây, người dân trong xã tập trung nuôi trâu thịt thương phẩm. Khi trâu béo, được giá, bà con bán kiếm lời. Nhờ đổi thay hình thức chăn nuôi trâu theo hướng hàng hóa, đến nay xã có thu nhập bình quân đạt 30 triệu đồng/người/năm".

Trước đây, nông dân huyện Tam Đường nuôi trâu theo hình thức thả rông trên rừng, ít chăm sóc. Mỗi khi cần cày, bừa nương, ruộng, bà con mới đưa trâu về bản. Trâu dịch bệnh chết trên rừng, người dân không biết, gây thiệt hại kinh tế gia đình. Những năm gần đây, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn vận động bà con trồng, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng. Các địa phương trong huyện nghiêm cấm người dân thả rông trâu trên rừng. Một số bản quy định bãi chăn thả gia súc, bà con chuyển sang chăn dắt trâu. Sáng người dân chăn thả trâu lên bãi cho ăn cỏ, tối lùa về chuồng cho uống nước muối, ăn thêm thức ăn tinh bột. Đối với bản không có bãi chăn thả, người dân mua trâu gầy về nuôi nhốt 24/24 giờ tại chuồng, vỗ béo để phát triển kinh tế gia đình. Một con trâu thịt thương phẩm có giá từ 30 - 40 triệu đồng. Mỗi năm, bà con vỗ béo 10 con trâu, thu lãi gần 30 triệu đồng. Trâu thịt thương phẩm dễ bán, được giá, tư thương đặt mua tại bản. Bà con tận dụng phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu. Các xã tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho bà con vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua trâu. Trưởng, phó bản, đảng viên tiên phong đi đầu trong chuyển đổi từ thả rông trâu sang nuôi nhốt theo hướng hàng hóa. Đến nay, nhiều hộ không chỉ thoát nghèo mà còn làm giàu từ nuôi trâu thịt thương phẩm. Điển hình tại một số xã, như: Bản Bo, Bình Lư, Khun Há…

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/nu%C3%B4i-tr%C3%A2u-th%C6%B0%C6%A1ng-ph%E1%BA%A9m-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-%C4%91i-hi%E1%BB%87u-qu%E1%BA%A3