Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Nhằm hướng tới chăn nuôi, trồng trọt với quy mô lớn, tạo ra giá trị sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ nông dân trên địa bàn xã Phúc Than (huyện Than Uyên) đã mạnh dạn đầu tư, xây dựng các mô hình kinh tế tổng hợp. Từ các mô hình đã đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho các hộ, góp phần giảm nghèo, giải quyết việc làm và tô điểm thêm cho bức tranh kinh tế nông thôn trên địa bàn ngày càng khởi sắc.
Chúng tôi có dịp đến thăm trang trại của gia đình chị Đỗ Thị Nhâm - bản Nà Phái vào một ngày cuối tháng 8. Đón chúng tôi bằng nụ cười tươi, kèm những giọt mồ hôi lăn trên gò má đen sạm chị Nhâm khiến chúng tôi thêm cảm phục sự tảo tần, nghị lực của người phụ nữ ấy khi “mục sở thị” trang trại tổng hợp chăn nuôi hàng chục con bò, 1,4ha mía và gần 1ha cây nhãn được bố trí một cách hợp lý.
Vui vẻ trải lòng với chúng tôi về quá trình xây dựng, phát triển khu trang trại của gia đình minh, chị Nhâm nói: “Từ năm 2012 gia đình tôi đã chăn nuôi lợn và trâu, nhưng năm vừa qua lợn chết do dịch tả lợn Châu Phi nên tôi chuyển sang nuôi bò. Tôi lựa chọn chăn nuôi theo mô hình kinh tế tổng hợp vì như vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu của thị trường và có thể tạo ra nhiều nguồn thu. Gia đình tôi đầu tư chuồng trại chăn nuôi bò và bố trí khu trồng mía, cây ăn quả riêng biệt. Đặc biệt, hướng tới sản xuất an toàn sinh học, gia đình tôi tự đề ra tiêu chí “3 không” trong chăn nuôi, trồng trọt, đó là: “không” thuốc bảo vệ thực vật, “không” thuốc kích thích tăng trưởng và “không” thả rông gia súc. Áp dụng nuôi bò theo hình thức nuôi nhốt, phân bò được ủ hoai mục bón thúc cho cây mía, nhãn; lá mía, vỏ mía gia đình làm thức ăn cho bò theo vòng tròn khép kín, như vậy vừa đảm bảo thức ăn cho bò, vừa tiết kiệm được chi phí mua phân bón cho cây trồng. Ngoài ra, tôi còn trồng cỏ voi để đảm bảo nguồn thức ăn. Từ mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình, trung bình mỗi năm thu về hơn 300 triệu đồng”.
Cũng theo chị Nhâm chia sẻ, để mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình phát triển chị tích cực tìm tòi, học hỏi các thông tin về chăn nuôi, trồng trọt khoa học kỹ thuật qua báo chí. Ngoài ra, còn được cán bộ xã hỗ trợ đăng ký theo học các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi do một số phòng chuyên môn của huyện tổ chức. Chị Nhâm chú trọng xây dựng chuồng trại thông thoáng, giữ gìn vệ sinh; chủ động chăm sóc, đảm bảo nguồn thức ăn và phòng trừ sâu, dịch bệnh cho cây trồng và vật nuôi. Xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp vừa chăn nuôi, vừa trồng trọt giúp gia đình chị chủ động trong việc chăm sóc, bảo vệ gia súc, cây trồng và việc thu hoạch nông sản cũng thuận lợi hơn.
Còn anh Lò Văn Cường ở bản Nậm Ngùa lại lựa chọn chăn nuôi tổng hợp trâu và lợn, vịt, ngan. Anh Cường chia sẻ: “Tôi lựa chọn chăn nuôi tổng hợp trâu và lợn, vịt, ngan theo phương châm “lấy ngăn nuôi dài”. Vì nuôi trâu cần vốn đầu tư cao mà thời gian nuôi và thu hồi vốn dài, do đó tôi nuôi thêm lợn, vịt, ngan. Vịt, ngan sau 4-5 tháng nuôi có thể bán tạo thu nhập hằng ngày; lợn thì tôi chọn giống lai lợn rừng, nuôi cả lợn nái để sinh sản và lợn đực để nhân giống nên được thương lái ưa chuộng thu mua. Không chỉ bán lợn thương phẩm tôi còn bán cả lợn giống khi khách hàng có nhu cầu. Nhờ đó, tôi có đồng ra đồng vào hàng ngày, vừa đảm bảo cuộc sống gia đình mà vẫn có tiền để tái đầu tư, mua sắm trang thiết bị trong nhà, khi bán trâu, lợn với số lượng lớn. Tôi thấy việc chăn nuôi tổng hợp như hiện nay hiệu quả hơn là đầu tư riêng và nhỏ lẻ trước đây”.
Được biết, Phúc Than là xã nông nghiệp, do đó những năm gần đây xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người dân, tận dụng lợi thế, thế mạnh và khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để lựa chọn cây, con giống phù hợp đầu tư phát triển kinh tế. Kết hợp vận động bà con phát triển gia trại, trang trại theo hướng hàng hóa tập trung tạo ra giá trị sản phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao tránh đầu tư dàn trải; mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng dứa, dần thay thế các loại cây trồng năng suất thấp.
Đồng thời, thông qua các chương trình giảm nghèo, hỗ trợ của tỉnh, huyện hỗ trợ vốn vay và cây, con giống đầu tư phát triển mô hình kinh tế. Tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn huyện hướng dẫn, tập huấn các kỹ thuật, quy trình từ khâu làm đất đến việc trồng và chăm sóc cây trồng; các kiến thức chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Đặc biệt, phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện triển khai thực hiện các mô hình kinh tế điểm để Nhân dân tham quan, học hỏi và áp dụng vào thực tiễn.
Ông Lê Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện xã đang tích cực triển khai các mô hình kinh tế tổng hợp như: bò sinh sản ở Nậm Sáng, bò vỗ béo ở 2 bản: Nậm Ngùa, Nà Phái; lợn của Hợp tác xã Hồng Nhung, Minh Thuận; nhãn chín muộn ở bản Nà Xa; mô hình vườn tạp; dứa ở 2 bản: Che Bó, Sam Sẩu. Việc triển khai các mô hình kinh tế tổng hợp đã giúp người dân trên địa bàn thay đổi thói quen canh tác, từ tự cung tự cấp sang tạo ra hàng hóa có giá trị kinh tế và kích cầu giao thương, buôn bán trên địa bàn. Nhất là, từ các mô hình kinh tế tổng hợp, tổng sản lượng lương thực tăng đều theo hàng năm; góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập bình quân đầu người từ 29 triệu đồng/ năm (năm 2019) lên 33 triệu đồng/năm (năm 2020) và phấn đấu cuối năm 2021 đạt 36 triệu đồng/năm. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, đóng góp tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững trên địa bàn”.