Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Cùng với việc củng cố, xây dựng tổ chức hội vững mạnh, các cấp hội phụ nữ trong tỉnh luôn là điểm tựa giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, phong trào 'Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế', 'Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ' được thực hiện linh hoạt, sáng tạo phù hợp với thực tiễn, giúp gia đình hội viên, phụ nữ từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh vận dụng và thực hiện sáng tạo, linh hoạt đến tận cơ sở. Giai đoạn 2015-2020, các cấp hội chủ động tín chấp với các ngân hàng trên 500 tỷ đồng giúp 12.608 phụ nữ vay phát triển kinh tế; thành lập 387 tổ, tiết kiệm được trên 11 tỷ đồng với 13.147 thành viên. Phối hợp với các ngành chức năng, đoàn thể, chính quyền địa phương và các cơ sở đào tạo nghề tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho phụ nữ; tư vấn hướng nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, thúc đẩy phong trào phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh.

Hội viên, phụ nữ huyện Phong Thổ trồng cây lê mang lại thu nhập ổn định.

Hội viên, phụ nữ huyện Phong Thổ trồng cây lê mang lại thu nhập ổn định.

Đến thăm mô hình chăn nuôi gia súc của gia đình chị Đỗ Thị Nhâm (hội viên phụ nữ bản Nà Phái, xã Phúc Than, huyện Than Uyên) khi chị đang cắt cỏ voi về cho trâu, bò ăn. Theo chia sẻ của chị Nhâm, được cán bộ phụ nữ xã hướng dẫn cách làm ăn, giúp chị tiếp cận vay 100 triệu đồng từ quỹ hỗ trợ Hội Nông dân tỉnh. Chị mua 8 con bò và sửa lại chuồng trại. Tận dụng đất rộng, chị trồng 5.000m2 cỏ voi làm thức ăn cho gia súc, cho ăn thêm thức ăn tinh (cám ngô, cám gạo); làm tốt công tác tiêm phòng dịch nên đàn gia súc sinh trưởng, phát triển. Hiện, gia đình chị có 7 con trâu, 15 con bò, 5 con bê.

Thăm mô hình trồng rau muống theo hướng canh tác an toàn hơn 700m2 của 4 hộ hội viên ở bản Cang Mường (xã Mường Cang, huyện Than Uyên), chúng tôi thấy các công đoạn chăm sóc đều không có thuốc và phân bón hóa học. Nhờ đó, sản phẩm rau của các chị em được người dân ưa chuộng và đặt hàng nhiều. Chị Lò Thị Thực (hội viên Chi hội Phụ nữ bản Cang Mường) tâm sự: “Tôi tham gia trồng rau được vài năm nay. Trung bình 20 ngày tôi và các hộ thu hoạch một lần. Sắp tới tôi cùng các hộ tiếp tục trồng thêm những giống rau khác để đưa sản phẩm sạch đến với khách hàng”.

Từ đầu năm đến nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mường Cang đã tuyên truyền, vận động phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế với gần 1.000 ngày công cấy lúa. Khuyến khích hội viên, phụ nữ xây dựng các mô hình kinh tế như: chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng rau sạch, cấy lúa chất lượng cao. Các hội viên, phụ nữ giúp đỡ 29 hộ nghèo và 16 hộ cận nghèo do phụ nữ làm chủ hộ về cây, con giống, ngày công; từng bước giúp các chị em vươn lên.

Theo chia sẻ của chị Lương Thị Tý - Chủ tịch Hội LHPN huyện Than Uyên, toàn huyện có gần 14.000 hội viên, phụ nữ; trên 50% lực lượng lao động, phụ nữ giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi. Nhằm đẩy mạnh phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, hội chỉ đạo các cấp hội rà soát hội viên nghèo để xây dựng kế hoạch giúp đỡ bằng việc định hướng cách làm, giúp ngày công, con giống, vốn để phát triển kinh tế. Giai đoạn 2016-2021, các cấp hội đã giúp đỡ gần 3.500 phụ nữ nghèo, hơn 80 phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp. Hội đã giúp trên 2.105 tổ viên được vay vốn, với số tiền hơn 103 tỷ đồng; giúp 940 lao động nữ nghèo được tập huấn, hướng nghiệp, học nghề và gần 600 lao động nữ được giới thiệu việc làm phù hợp.

Ngược vùng biên giới Bắc Dào San của huyện Phong Thổ, chúng tôi ghé thăm Vàng Ma Chải - xã còn nhiều khó khăn của huyện. Hội LHPN xã có 7 chi hội với hơn 400 hội viên. Để giúp hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức, phát triển kinh tế gia đình, hội thường xuyên đến các hộ tuyên truyền, vận động các chị em tích cực sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ.

Chị Chẻo U Mẩy (bản Sì Choang, xã Vàng Ma Chải) chia sẻ: “Tôi thường xuyên được cán bộ hội xuống tuyên truyền, định hướng phát triển kinh tế; tận dụng lợi thế nhà ở trung tâm xã, tôi mở cửa hàng buôn bán hàng hóa và chăn nuôi thêm lợn thương phẩm. Mỗi năm thu nhập khoảng 100-150 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn vay vốn đầu tư làm ăn”.

Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế” được Hội LHPN huyện Phong Thổ phát động rộng rãi, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia. Chỉ tính riêng năm 2020, các hội viên đã giúp nhau hơn 4.510 ngày công lao động trong phát triển kinh tế; hỗ trợ hơn 12 tấn gạo, thóc, đậu tương, gần 4.000 gùi củi và 150 triệu đồng tiền mặt cho các gia đình gặp hoạn nạn, có hoàn cảnh khó khăn. Duy trì 29 nhóm tiết kiệm tại các chi hội với 1.357 cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 4,3%/năm.

Đồng chí Khoàng Thị Thanh Nga - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Hội chỉ đạo các cấp hội tổ tuyên truyền, diễn đàn, hội thảo, hội nghị tư vấn, hỗ trợ, kết nối, đối thoại về các chế độ, chính sách, quy trình thủ tục hỗ trợ khởi nghiệp, thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, đăng ký thương hiệu sản phẩm thu hút 15 nghìn lượt phụ nữ tham dự. Hỗ trợ 35 phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh, thành lập 7 hợp tác xã do phụ nữ quản lý trên lĩnh vực vật tư nông nghiệp, sản xuất nông sản, du lịch, dịch vụ. Thời gian tới, hội tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào phát triển kinh tế. Khuyến khích, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ tích cực lao động sản xuất kinh doanh; hội viên khá, giàu giúp hội viên nghèo về ngày công, con giống, vốn làm kinh tế”.

Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế được các cấp hội phụ nữ trong tỉnh chú trọng triển khai đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tương trợ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/gi%C3%BAp-ph%E1%BB%A5-n%E1%BB%AF-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-kinh-t%E1%BA%BF2021