Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Nhiều năm trước đây, cây thảo quả được người dân huyện biên giới Phong Thổ quý như vàng và được gọi với cái tên 'vàng đỏ'. Bởi lẽ, đây là cây trồng mang lại hiệu quả giá trị kinh tế rất cao, giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Hộ nào ít trung bình 1 năm cũng thu được trên 20 triệu đồng, hộ nào nhiều thu 100-200 triệu đồng. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, 'vàng đỏ' mất mùa, mất giá, khiến cuộc sống của Nhân dân trở nên khó khăn hơn.

Trong chuyến thăm rừng chè cổ thụ ở xã Tung Qua Lìn, chúng tôi đi qua những nương thảo quả xanh bạt ngàn của người dân. Nghỉ chân ở một lán nhỏ, anh Giàng A Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Tung Qua Lìn thở dài: Trước đây, vùng thảo quả này sai trĩu, đến mùa, bà con mang gùi lên nương thu hoạch; dưới mỗi gốc cây, từng chùm quả to, chín đỏ mọng, thích lắm. Thế nhưng năm 2015, do ảnh hưởng của mưa tuyết, nhiều diện tích thảo quả bị ảnh hưởng, vừa phục hồi cho thu sản phẩm được 2 năm thì đến năm 2020 lại bị ảnh hưởng mưa đá, rét đậm dẫn đến năng suất thấp; có khoảng hơn 10ha không thể khôi phục được. Cả xã có 85ha thảo quả, bình quân năm nay, năng suất thảo quả đạt 1 tạ quả khô/ha.

Người dân huyện Phong Thổ không bán được thảo quả vì giá thấp.

Người dân huyện Phong Thổ không bán được thảo quả vì giá thấp.

Nói rồi, anh Trung vạch dưới tán lá cây thảo quả, chỉ cho chúng tôi biết dấu hiệu cây nào cho quả, cây nào không. Tìm mãi cả một khoảnh đất nương cũng không có lấy quả nào.

Ông Vàng A Sử (ở bản Căng Ký) chia sẻ: Gia đình tôi trồng 3ha thảo quả cách đây hơn chục năm rồi. Trước đây, mỗi vụ, gia đình tôi thu được 60-70 bao quả khô, bán thu về gần 100 triệu đồng. Đây là cây trồng giúp gia đình tôi có nguồn thu nhập cao để trang trải cuộc sống gia đình; có vốn để mua trâu, lợn về nuôi, mở cửa hàng tạp hóa. Năm nay gia đình chỉ thu được hơn 8 bao, khoảng 3,5 tạ quả khô; năng suất kém mấy lần so với những năm trước.

Được biết, hiện nay, toàn huyện Phong Thổ có 1.038ha thảo quả, trồng tập trung tại các xã: Sin Suối Hồ, Sì Lở Lầu, Dào San, Bản Lang, Tung Qua Lìn, Lản Nhì Thàng, Mồ Sì San, Pa Vây Sử. Từ năm 2020 do mưa đá, băng tuyết đã làm ảnh hưởng đến 147ha diện tích trồng cây thảo quả trên địa bàn huyện. Mặc dù người dân tích cực chăm sóc, phục hồi nhưng năm nay chỉ có hơn 1.000ha cây thảo quả cho thu hoạch với năng suất 1,63 tạ/ha, tổng sản lượng đạt trên 168 tấn.

Theo thông tin chúng tôi tìm hiểu thêm, thảo quả là cây thân ngầm, thích hợp với các loại đất tốt, nhiều mùn, giàu đạm, xốp, gần khe suối ẩm mốc quanh năm; ưa ẩm (nhiệt độ trung bình năm từ 15-20 độ C; trồng ở độ cao 1.000-2.000m so với mực nước biển. Năm nào mưa nhiều, năm đó thảo quả được mùa và ngược lại, năm nào khí hậu khô hạn kéo dài, năm đó sẽ bị mất mùa quả. Mấy năm nay, lượng mưa trên địa bàn huyện Phong Thổ ít, thêm vào đó, cũng giống như các loại cây khác, thảo quả trồng lâu năm, không được chăm sóc bằng phân bón đất trở nên khô cằn, thiếu chất dinh dưỡng. Vì thế, quả chỉ sai ở những năm đầu trồng; năng suất giảm ở những năm sau.

Không chỉ mất mùa, thảo quả còn mất giá. Một trong những nguyên nhân chính là lượng thảo quả không xuất được qua Cửa khẩu Ma Lù Thàng do từ năm 2020 phía nước bạn không có nhu cầu nhập. Mặt khác, các thương lái hạ giá để có thể xuất đi sang nước bạn qua cửa khẩu ở các tỉnh khác vì phí vận chuyển khá cao. Thêm nữa, thảo quả mấy năm trước được trồng, nhân rộng ở các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Hà Giang… dẫn đến tình trạng cạnh tranh tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài nước.

Anh Chẻo Phủ Căng (ở bản Gia Khâu, xã Sì Lở Lầu) tâm sự: Gia đình tôi trồng được mấy nghìn mét vuông thảo quả. Thời điểm năm 2018, giá thảo quả 400-500 nghìn đồng/kg quả khô; năm đó gia đình tôi bán được hơn 50 triệu đồng. Thế nhưng năm nay, vừa mất mùa, giá thảo quả còn chưa đến 100 nghìn đồng/kg khô, vì vậy tôi để dành, lúc nào giá lên tôi mới bán. Bây giờ có bán cũng chẳng được bao nhiêu so với công sức bỏ ra từ thu hoạch, sấy khô cho đến vận chuyển từ trên rừng về dưới nhà qua nhiều đoạn đường vất vả, ngược dốc cao.

Theo lời chia sẻ của đồng chí Chẻo Quẩy Hòa - Chủ tịch UBND xã Sin Suối Hồ: Xã có diện tích thảo quả lớn nhất huyện với 232ha. Năng suất bình quân đạt 2 tạ quả khô/ha. Thảo quả là cây trồng giúp người dân xóa đói giảm nghèo khi mang lại nguồn thu nhập cao. Nhiều hộ gia đình trông chờ vào nguồn thu từ thảo quả vì diện tích đất cấy lúa, trồng ngô chỉ đủ đảm bảo lương thực cho gia đình; trong khi đó, có nhiều khoản phải chi tiêu, nhất là từ năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bà con không thể đi làm thuê, nên không có thu nhập. Năm nay, thảo quả mất mùa, mất giá, thời điểm cao nhất thảo quả chỉ bán được với giá 120 nghìn đồng/kg quả khô; giảm 4 lần so với trước.

Nhìn những bao thảo quả của người dân được chất trên sàn nhà, gác bếp vì không bán do giá thấp mà lòng chúng tôi quặn lại. Cuộc sống của bà con huyện biên giới nghèo lại càng nghèo thêm.

Điều mong mỏi của người dân lúc này là cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, các cấp trong tỉnh sớm tìm ra giải pháp giúp bà con tiêu thụ thảo quả với mức giá phù hợp để ổn định cuộc sống trong thời điểm cả nước đang sống chung với đại dịch Covid-19. Đồng thời, hỗ trợ Nhân dân tìm hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/v%C3%A0ng-%C4%91%E1%BB%8F-m%E1%BA%A5t-m%C3%B9a-m%E1%BA%A5t-gi%C3%A1