Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Những năm gần đây, chăn nuôi đại gia súc đang là hướng phát triển kinh tế mang lại thu nhập cao. Cùng với vận động Nhân dân phát triển các loại cây trồng, cấp ủy, chính quyền xã Pha Mu (huyện Than Uyên) đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa.

Theo tìm hiểu thực tế tại những bản trên địa bàn xã Pha Mu, chúng tôi được biết những năm trước đây người dân chăn nuôi đại gia súc theo hình thức chăn thả tự nhiên và để lấy sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Vì vậy, nuôi nhỏ lẻ và không mang lại giá trị kinh tế. Chưa kể các hộ dân nuôi nhỏ lẻ nên không làm chuồng trại dẫn đến việc nuôi trâu, bò dưới gầm sàn hoặc cạnh nhà ở gây mất vệ sinh môi trường.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Vũ Văn Nội - Chủ tịch UBND xã nói: Xác định chăn nuôi đại gia súc là một trong những hướng phát triển, đem lại thu nhập và từng bước giảm nghèo, xã đẩy mạnh tuyên truyền về những rủi ro, hậu quả kinh tế và môi trường trong việc chăn thả gia súc và lợi ích của việc chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa. Từ đó, thay đổi và nâng cao nhận thức cho người dân về việc chăn nuôi theo hướng hàng hóa, dần bỏ thói quen chăn nuôi thả rông và xây dựng chuồng trại chăn nuôi tập trung, hợp vệ sinh. Chỉ đạo các tổ chức hội ký ủy thác với các ngân hàng và tận dụng nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân vốn đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống. Nhờ đó, nhiều gia đình mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tăng thu nhập.

Người dân bản Pá Khoang, xã Pha Mu (huyện Than Uyên) chăm sóc đàn gia súc.

Người dân bản Pá Khoang, xã Pha Mu (huyện Than Uyên) chăm sóc đàn gia súc.

Xã tăng cường tuyên truyền các hộ chăn nuôi chủ động chăm sóc, bảo vệ đàn gia súc bằng cách tiêm phòng, nhất là thời điểm giao mùa dịch bệnh dễ phát sinh. Chủ động phòng, chống rét, giữ gìn vệ sinh chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè và ấm vào mùa đông. Vận động, khuyến khích bà con tận dụng những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả trồng cỏ voi nhằm đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc. Cùng với đó, định kỳ 2 lần/năm, cán bộ nông nghiệp, thú y phối hợp với các trưởng bản tổ chức tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh cho đàn gia súc.

Hiện, toàn xã có tổng 2.018 con gia súc (trong đó: 496 con trâu; 369 con bò; 1.150 con lợn). Các hộ dân trên địa bàn xã chủ yếu là chăn nuôi theo 2 hình thức: nuôi vỗ béo và nuôi sinh sản. Nhiều gia đình đầu tư vốn xây dựng chuồng trại riêng biệt cách khu nhà ở và thường xuyên được quét dọn, hợp vệ sinh để chăn nuôi tập trung, không còn chăn thả tự do. Từ đầu năm tới nay, xã đã phun 50 lít hóa chất khử khuẩn; tiêm phòng 725 liều vắc-xin viêm da nổi cục cho đàn gia súc. Đàn gia súc trên địa bàn hiện nay phát triển tốt, khỏe mạnh, không bị dịch bệnh.

Đi theo con đường mòn, men qua những cánh rừng ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, chúng tôi tới bản Pá Khoang - nơi có một số hộ dân đầu tư nuôi gia súc tập trung, bước đầu đem lại thu nhập. Dạo quanh bản, chúng tôi thấy sự thay đổi trong nhận thức của người dân khi đã biết làm chuồng trại chăn nuôi riêng. “Mục sở thị” mô hình chăn nuôi trâu, bò của gia đình chị Lý Thị Nga chúng tôi thấy khu vực chuồng trại được láng nền xi măng, dựng bằng cột inox và quây xung quanh bằng bạt. Chuồng trại dù chỉ hơn 100m2 nhưng được xây dựng, sắp xếp bài bản, gọn gàng. Đặc biệt, để có thể theo dõi sự phát triển và bảo vệ đàn gia súc, chị Nga đầu tư lắp camera tại khu vực chuồng nuôi và kết nối với điện thoại nên dù ở đâu chị cũng quan sát được. Đây là một trong những bước đi tiên phong mà chưa hộ gia đình chăn nuôi nào trên địa bàn áp dụng. Đồng thời, chị còn đầu tư mua máy cắt cỏ cho gia súc nhằm giảm sức người trong chăn nuôi.

Chị Nga chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi chủ yếu là nhỏ lẻ và nuôi theo hình thức sinh sản, chăn thả chủ yếu trên nương. Khi trâu, bò đẻ ra thì nuôi đến khi lớn mới bán nên thời gian nuôi lâu, mất nhiều công chăm sóc, tính ra không lãi bao nhiêu. Cuối năm 2020, gia đình tôi quyết định đầu tư vốn nuôi tập trung và lựa chọn nuôi theo hình thức vỗ béo. Xây chuồng nuôi và thu mua trâu, bò bé, còi về nuôi; trồng ngô, cỏ voi để lấy thức ăn cho gia súc. Để gia súc phát triển, tôi chú trọng phòng dịch, khi mua gia súc về tiêm phòng định kỳ, thi thoảng hòa muối với nước cho uống. Nhất là ở đây khu vực núi đá, rừng nên đêm về và mùa đông lạnh nên tôi chủ động mua bạt quây chuồng phòng, chống rét. Nhờ đó, đến nay 8 con trâu, bò của gia đình phát triển khỏe mạnh. Từ chăn nuôi trâu, bò tập trung năm nay tôi xuất bán 3 con trâu, bò mang lại thu nhập khoảng 70 triệu đồng. Tới đây gia đình tôi sẽ xuất bán lứa gia súc đang nuôi và sẽ tiếp tục mở rộng mô hình”.

Đến nay, toàn xã có 5 mô hình chăn nuôi gia súc tập trung với quy mô vừa và nhỏ; số hộ chăn nuôi có chuồng trại trên 60%. Từ chăn nuôi đại gia súc tập trung theo hướng hàng hóa đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo. Hiện nay, tổng số hộ nghèo của xã còn 18,82%, phấn đấu hết năm 2021 giảm còn 13,54%; tỷ lệ tăng trưởng đàn gia súc trung bình 3-5%/năm.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/ch%C4%83n-nu%C3%B4i-%C4%91%E1%BA%A1i-gia-s%C3%BAc-theo-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-h%C3%A0ng-h%C3%B3a