Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Thời gian qua, người dân xã Mường Than (huyện Than Uyên) đã linh hoạt, chủ động thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, góp phần giảm nghèo bền vững, giữ vững xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Đàm Vũ Anh - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Than cho biết: Xác định sản xuất nông nghiệp là hướng phát triển kinh tế chính mang lại thu nhập, giảm nghèo cho người dân, xã Mường Than đã đẩy mạnh thực hiện chương trình sản xuất nông sản hàng hóa theo định hướng của tỉnh và huyện. Tuyên truyền, vận động người dân phát huy lợi thế, thế mạnh của địa phương để chăn nuôi, canh tác, xây dựng các mô hình kinh tế điển hình tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế và tổ chức liên kết “4 nhà” (Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp). Nhờ đó, thời gian qua, một số công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ người dân lựa chọn cây, con giống mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương để đưa vào trồng trọt, chăn nuôi. Qua đó, nâng cao hệ số sử dụng đất và tăng thu nhập cho người dân”.

Người dân bản Cẩm Trung 1, xã Mường Than (huyện Than Uyên) trồng rau theo hướng hàng hóa.

Người dân bản Cẩm Trung 1, xã Mường Than (huyện Than Uyên) trồng rau theo hướng hàng hóa.

Được biết, xã đã liên kết với Công ty TNHH thương mại rau củ Ngọc Linh (tỉnh Sơn La) triển khai mô hình trồng 3ha khoai tây. Công ty trọn gói ở các khâu: giống, phân bón, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm nông sản hàng hóa, người dân chỉ thực hiện trồng, chăm sóc mà không mất một khoản phí nào, khi đã có sản phẩm bán lại cho công ty và trừ chi phí đầu tư ban đầu. “Việc liên kết nhằm mục đích hướng tới chuyên môn hóa, người trồng chỉ sản xuất và đã có đơn vị cung ứng bao tiêu sản phẩm, người dân không phải lo lắng về đầu ra của sản phẩm. Từ đó, tạo niềm tin và thay đổi hình thức canh tác, chăn nuôi cho người dân, mở ra hướng phát triển kinh tế mới trên địa bàn” - ông Đàm Vũ Anh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm.

Cùng với đó, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm trong sản xuất nông nghiệp bằng việc mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và đưa các loại cây, con giống có năng suất chất lượng cao vào sản xuất, tăng hiệu quả sử dụng đất và phát triển cây trồng vụ đông để thâm canh tăng vụ. Xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ người dân vốn để đầu tư mới, mở rộng các mô hình kinh tế với quy mô hàng hóa vừa và nhỏ.

Hiện, người dân trên địa bàn xã đã ý thức hơn trong việc sử dụng một số cây, con giống mới; thâm canh tăng vụ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nếu như trước đây chỉ trồng sắn, khoai, ngô và lúa với các loại giống địa phương cho năng suất, sản lượng thấp và thì nay đã “ưu ái” lựa chọn và chuyển sang giống lúa thuần nội địa có năng suất, chất lượng cao. Điển hình như mô hình lúa Vass-16 tại bản Đông, Hua Than với tổng diện tích 34ha, năng suất trung bình đạt 58 tạ/ha. Cây trồng trước chủ yếu là trồng theo hình thức tự cung tự cấp và chỉ trồng 2 vụ thì nay đã thực hiện theo chương trình chuyển đổi vườn tạp, mạnh dạn “thử sức” với các loại cây ăn quả như: bưởi da xanh, bưởi diễn, chanh leo, hồng ngâm… theo quy mô vườn lớn và sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh đó, không để đất “nghỉ”, bà con thâm canh tăng vụ, phát triển cây vụ đông bằng việc trồng ngô vụ đông và trồng các loại rau như: bắp cải, cà chua, su hào… Đối với vật nuôi, bà con chăn nuôi theo hình thức nuôi nhốt gia súc, gia cầm tập trung, xây dựng trang trại và gắn với việc trồng cỏ chứ không còn chỉ nuôi lợn, gà truyền thống theo hình thức nhỏ lẻ, thả rông và tự sinh, tự lớn như trước đây. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn xã đã có nhiều hộ dân chăn nuôi quy mô lớn với mô hình lợn nái từ 200-250 con; trâu, bò sinh sản từ 50-100 con; gia cầm thực hiện chăn nuôi khép kín, có hộ nuôi từ 1 vạn con/năm. Đặc biệt, người dân đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong chăn nuôi, trồng trọt bằng việc mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị hỗ trợ trồng, chăm sóc và quảng bá sản phẩm. Đồng thời áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.

Chúng tôi “mục sở thị” mô hình trồng rau của ông Nguyễn Văn Sắc ở bản Cẩm Trung 1 - một trong những điển hình trong việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân nơi đây. Ông Sắc chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng rau bán nhỏ lẻ tại chợ ở bản, xã và phục vụ bữa ăn hàng ngày; nhưng vài năm gần đây gia đình tôi đã mở rộng diện tích, chuyển đổi sang trồng rau với nhiều loại rau như: cà chua, su hào, bắp cải... Đầu tư hệ thống tưới tự động; học cách ủ phân chuồng để làm phân bón; chú trọng lựa chọn và sử dụng các loại phân bón sinh học, hữu cơ. Một năm gia đình tôi trồng 3 vụ, không chỉ bán sản phẩm rau, củ tôi còn bán rau giống. Trung bình mỗi năm gia đình thu về khoảng 40-50 triệu đồng từ bán rau, củ”.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp đã giúp người dân trên địa bàn xã Mường Than có thêm thu nhập, giảm nghèo. Trung bình mỗi năm giảm 2,71% tỷ lệ hộ nghèo. Hiện, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 42 triệu đồng/người/năm. Qua đó, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn và thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/thay-%C4%91%E1%BB%95i-n%E1%BA%BFp-ngh%C4%A9-c%C3%A1ch-l%C3%A0m-trong-s%E1%BA%A3n-xu%E1%BA%A5t-n%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p