Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Sau nỗ lực vượt bậc năm 2020 về thực hiện chỉ tiêu trồng cây ăn quả, năm 2021, huyện Tân Uyên dường như đang chững lại nhiệm vụ này khi đến tháng 12 năm nay toàn huyện mới chỉ đạt hơn nửa kế hoạch năm

Tân Uyên có diện tích tự nhiên 89.732,85ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm gần một nửa với khoảng 44.000ha, đất trống quy hoạch cho sản xuất nông, lâm nghiệp khoảng 42.000ha. Nơi đây còn có các cánh đồng lớn tập trung như: Cánh đồng Mường Khoa, Phúc Khoa, Pắc Ta, thị trấn Tân Uyên. Huyện có quốc lộ 32 chạy qua kết nối giao thương với các huyện, tỉnh trong khu vực. Bên cạnh đó, Tân Uyên còn hội tụ nhiều yếu tố thổ nhưỡng, chế độ nước, khí hậu tiềm năng lớn để phát triển các loại cây ăn quả như: chuối, bơ, xoài, chanh leo, bưởi…

Chưa dừng lại ở đó, Tân Uyên còn có nguồn lao động dồi dào với số người trong độ tuổi lao động lớn, chiếm 61% tổng số dân. Số lao động qua đào tạo chiếm 37,4%, là nguồn lực quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Huyện còn có tổng số 109 công trình thủy lợi với trên 276km kênh mương tưới cho gần 5.680ha… Với những tiềm năng, lợi thế đó, huyện đã quy hoạch và mở rộng diện tích cây ăn quả và đưa vào chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ năm 2021.

Thanh long là một trong nhiều loại cây ăn quả có giá trị đang được người dân tổ dân phố 5 (thị trấn Tân Uyên) đưa vào trồng nhiều năm qua.

Thanh long là một trong nhiều loại cây ăn quả có giá trị đang được người dân tổ dân phố 5 (thị trấn Tân Uyên) đưa vào trồng nhiều năm qua.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 490,3ha cây ăn quả, trong đó khoảng 150ha cây ăn quả vườn tạp. Năm 2020, huyện thực hiện trồng mới 102,7/100ha; năm 2021 đề ra mục tiêu trồng 300ha cây ăn quả. Tuy nhiên, huyện mới trồng được 170ha. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sau khi rà soát, đo đạc, kiểm tra diện tích đăng ký trồng cây ăn quả của Nhân dân ở các xã, thị trấn cho thấy diện tích còn nhỏ lẻ, manh mún. Nhiều diện tích đăng ký có điều kiện về đất đai không phù hợp với trồng cây ăn quả hoặc trùng với diện tích lâm nghiệp và diện tích hỗ trợ các loại cây trồng khác từ các năm trước.

Thêm vào đó, việc liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với người sản xuất gặp một số khó khăn nhất định, nhiều hộ gia đình chưa tuân thủ nghiêm hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chuyên môn, sản phẩm đầu ra chưa đạt theo yêu cầu dẫn đến giá thu mua thấp, lợi nhuận không cao, phải đầu tư nhiều, trong khi tiềm lực kinh tế còn thấp, dẫn đến tâm lý không muốn mở rộng quy mô sản xuất.

Cùng chung khó khăn đó, xã Phúc Khoa năm nay cũng chỉ đạt 33,75% chỉ tiêu kế hoạch trồng cây ăn quả. Phân tích về những khó khăn này, anh Nguyễn Kim Tuyền - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Khoa cho hay, năm 2021, xã được giao trồng 20ha cây ăn quả, bà con trong xã chỉ thực hiện được 6,75ha. Nguyên nhân do một số doanh nghiệp chưa thật sự tâm huyết đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Doanh nghiệp cũng chưa làm tốt khâu liên kết, đồng hành cùng người nông dân. Ở những vị trí thiếu nước tưới tiêu, muốn hình thành vùng cây ăn quả bền vững phải đầu tư xây dựng bể và hệ thống nước tưới, do đó rất tốn kém. Đây là cản trở lớn khiến xã không hoàn thành kế hoạch về trồng cây ăn quả.

Qua nắm tình hình cơ sở, chúng tôi được biết, các đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã có nhu cầu trồng cây ăn quả với diện tích tập trung nhưng không thuê được đất, không thỏa thuận được giá thuê đất với người dân, nhất là đất ruộng chuyển sang trồng cây ăn quả. Do tâm lý sợ mất đất nên người dân không cho thuê đất, không liên kết sản xuất. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 nên giá nông sản trên thị trường nhiều biến động, thị trường xuất khẩu dường như “đóng băng” dẫn đến nhiều đơn vị lo ngại về đầu ra cho sản phẩm và những rủi ro trong quá trình thực hiện.

Đối với một bộ phận người dân, việc chuyển biến trong nhận thức về sản xuất hàng hóa vẫn còn chậm và chưa tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật trong sản xuất, ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Do công tác tuyên truyền chưa kịp thời, phương pháp tuyên truyền chưa khoa học, một bộ phận Nhân dân vẫn còn tư duy sản xuất theo hướng tự cung, tự cấp và còn tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước.

Đồng chí Ngọ Doãn Bình - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Huyện đang tiếp tục đôn đốc các đơn vị doanh nghiệp triển khai trồng cây ăn quả (chủ yếu là cây chuối) trên địa bàn xã Nậm Sỏ và Tà Mít. Ước đến hết năm nay huyện sẽ thực hiện đạt 100% kế hoạch.

Trong năm 2022, huyện tiếp tục phấn đấu trồng mới 290ha cây ăn quả. Để đạt được mục tiêu đó, huyện xác định một số giải pháp như: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về phát triển cây ăn quả đến Nhân dân trong huyện. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn phối hợp giúp đỡ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong quá trình vận động cho thuê đất để trồng cây ăn quả; huy động nguồn vốn các doanh nghiệp và nguồn lực trong Nhân dân để thực hiện chính sách phát triển sản xuất cây ăn quả. Tập trung chuyển đổi các diện tích đất chưa sử dụng, đất canh tác kém hiệu quả, đất ruộng một vụ sang các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế.

Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, khoa học công nghệ về sản xuất, thâm canh cây trồng. Thực hiện hỗ trợ người dân các loại giống cây trồng đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ít sâu bệnh và cho năng suất, chất lượng cao. Các loại cây trồng hỗ trợ phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân và điều kiện thực tế về đất đai, khí hậu, trình độ canh tác. Tiếp tục phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao; phát triển các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị từ cung cấp đầu vào - tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/t%C3%A2n-uy%C3%AAn-kh%C3%B3-%C4%91%E1%BA%A1t-ch%E1%BB%89-ti%C3%AAu-tr%E1%BB%93ng-c%C3%A2y-%C4%83n-qu%E1%BA%A3