Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Phát triển thương mại, dịch vụ chính là thước đo sự phát triển kinh tế, xã hội, đời sống người dân. Nhìn lại năm 2021, huyện Tân Uyên có nhiều điểm nhấn quan trọng trong bức tranh thương mại dịch vụ, khẳng định sự phát triển vượt bậc ở lĩnh vực này, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

Những ngày giáp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, người dân trên địa bàn các xã, thị trấn đổ về trung tâm huyện mua sắm. Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã và đang được kiểm soát, thích ứng an toàn, người dân thực hiện đúng quy định “5K”. Nếu những năm trước, người dân mua sắm các mặt hàng phục vụ tết ở các điểm bán lẻ, tại khu chợ trung tâm huyện, thì nay, người dân còn có thêm địa điểm mua sắm mới với đầy đủ các mặt hàng- đó là Siêu thị Hoàng Liên Plaza. Không chỉ cung cấp dịch vụ mua sắm các mặt hàng tạp hóa, tiêu dùng, Siêu thị còn có các dịch vụ nước uống, giải khát; hồ bơi; phòng nghỉ, tổ chức sự kiện… giúp thỏa mãn mọi nhu cầu dịch vụ của Nhân dân trên địa bàn. Đây được xem là cơ sở duy nhất trên địa bàn huyện cho đến thời điểm hiện tại đáp ứng đầy đủ các dịch vụ liên hoàn, trọn gói.

Siêu thị Hoàng Liên Plaza đi vào hoạt động cuối năm 2021 đáp ứng nhu cầu mua sắm của Nhân dân trên địa bàn.

Siêu thị Hoàng Liên Plaza đi vào hoạt động cuối năm 2021 đáp ứng nhu cầu mua sắm của Nhân dân trên địa bàn.

Từ năm 2020 đến nay, sau khi được tỉnh chấp thuận, Hợp tác xã (HTX) Đầu tư và Phát triển chợ Tân Uyên chính thức khai trương thi công chợ Tân Uyên trên diện tích 14.472m2. Với thời hạn sử dụng đất là 50 năm, chợ được xây dựng trên quy mô 68 căn nhà phố thương mại, 3 chợ vòm truyền thống. Vị trí đắc địa, nằm trên nền cũ của chợ Tân Uyên, là nơi buôn bán tập trung và thu hút các tiểu thương, người dân đến giao thương từ lâu đời. Các căn nhà phố thương mại xây dựng hiện đại, có tính ứng dụng cao, tạo nên khu kinh doanh quy mô lớn, lợi ích đa dạng vừa để kinh doanh, vừa để sử dụng vào mục đích ở. Hạ tầng đồng bộ, hệ thống giao thông điện chiếu sáng, nước sinh hoạt đảm bảo; khuôn viên kinh doanh vỉa hè an toàn văn minh.

Đến nay, sau hơn 1 năm thi công, khối lượng công trình hoàn thành khoảng 75%. Trong đó, 68 căn shophouse (nhà phố thương mại) đạt 80%, hiện HTX đã bán được trên 50% số lượng căn nhà. Đối với 3 chợ vòm truyền thống được phân thành 200 kiot tại 3 khu kinh doanh riêng biệt. Hiện nay, tiểu thương đã đăng ký trên 50% số kiot tại chợ để kinh doanh. Mặc dù được xây dựng trên nền chợ cũ song đơn vị chủ đầu tư luôn chủ động mặt bằng để các hộ tiểu thương kinh doanh liên tục, không đứt quãng.

Chị Vàng Thị Quyên – Nhân viên Phòng Giao dịch HTX cho biết: Để kích cầu khách đến tham quan, tìm hiểu, và phát sinh giao dịch, HTX đã tổ chức chương trình rút thăm trúng thưởng mang tên “Tết sẻ chia – rinh lộc phát tài”. Được biết, tổng giá trị giải thưởng lên tới 300 triệu đồng.

Công trình Chợ Tân Uyên đang được đầu tư xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2022.

Công trình Chợ Tân Uyên đang được đầu tư xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 3/2022.

Ngoài những điểm nhấn nêu trên, giờ đây các dịch vụ phục vụ tận nhà của các mặt hàng ăn uống, tiêu dùng trên địa bàn huyện phát triển ngày càng mạnh. Để phục vụ các “thượng đế” một cách hoàn hảo, các cơ sở kinh doanh đều lập địa chỉ trên các trang mạng xã hội, để lại số điện thoại liên hệ. Khách hàng chỉ cần nhấc máy là các dịch vụ có thể được giao đến tận nhà.

Theo đánh giá của đồng chí Nguyễn Trọng Hài - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tân Uyên, thời gian qua, thị trường hàng hóa trên địa bàn huyện cơ bản ổn định, hàng hóa phong phú về chủng loại, đa dạng về mẫu mã, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng. Đặc biệt là giá cả hợp lý, được phân phối đến các xã, bản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Không có hiện tượng khan hiếm hàng hóa, tăng giá bất hợp lý. Các mặt hàng thiết yếu, nhất là mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn, dung dịch vệ sinh sát khuẩn tay đảm bảo phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch bệnh của Nhân dân. Hàng hóa trên địa bàn huyện được lưu thông thông suốt. Doanh thu từ hoạt động thương mại năm 2021 của huyện đạt 345,5 tỷ đồng (đạt 100,1%)

Được biết, để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, các cơ quan chức năng của huyện đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm. Kiểm tra, giám sát các cơ sở dịch vụ ăn uống, các trường học phục vụ ăn bán trú cho học sinh trên địa bàn. Đã có 68 cơ sở được kiểm tra, trong đó lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 32 cơ sở với tổng số tiền xử phạt gần 55 triệu đồng cùng các loại hàng hóa, tang vật bị tịch thu.

Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, đặc biệt những tháng cuối năm 2021, đầu năm 2022, trên địa bàn huyện Tân Uyên xảy ra 2 ổ dịch tại thị trấn huyện và xã Mường Khoa, để đảm bảo cân đối cung, cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung phục vụ nhu cầu của Nhân dân trên địa bàn, các cơ quan chuyên môn đã thực hiện các biện pháp cung ứng hàng hóa thiết yếu, giúp Nhân dân ứng phó với dịch Covid-19.

Các xã, thị trấn cũng tăng cường theo dõi, đánh giá nguồn cung, cầu các mặt hàng thiết yếu để đề xuất cấp có thẩm quyền đảm bảo cân đối, bình ổn thị trường, chống các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm trong hoạt động kinh doanh thương mại thời điểm dịch diễn biến phức tạp.

Một năm đầy khó khăn, biến động đã qua đi, mong rằng trong năm tới, dịch bệnh Covid-19 sẽ lắng xuống để bức tranh về thương mại – dịch vụ trên địa bàn Tân Uyên được điểm tô bằng những gam màu tươi sáng hơn.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/nh%E1%BB%AFng-gam-m%C3%A0u-s%C3%A1ng-trong-b%E1%BB%A9c-tranh-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-d%E1%BB%8Bch-v%E1%BB%A5-%E1%BB%9F-t%C3%A2n-uy%C3%AAn