Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Mường Tè luôn đồng hành cùng thanh niên trên địa bàn huyện trong phong trào lập thân, lập nghiệp.

Thăm mô hình nuôi cá lồng kết hợp dịch vụ kinh doanh ăn uống tại bè của anh Pờ Chà Song ở bản Sì Thâu Chải (xã Kan Hồ), chúng tôi thấy đây là điểm đến lý tưởng của du khách khi tới Mường Tè thăm quan lòng hồ Thủy điện Lai Châu và thưởng thức những món đặc sản dân tộc. Với ý chí, sức trẻ và nhờ vốn vay ưu đãi từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, anh Song đã vươn lên trở thành thanh niên tiêu biểu trong lập nghiệp, phát triển kinh tế của địa phương.

Anh Song chia sẻ: Từ khi Thủy điện Lai Châu tích nước, ngắm biển nước mênh mông tôi đã nhận thấy tiềm năng của việc nuôi cá lồng và phát triển du lịch lòng hồ tại địa phương. Qua sách báo, các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, tôi thấy mô hình nuôi cá lồng kết hợp với nhà hàng rất phù hợp với điều kiện ở Kan Hồ. Phải phát huy vai trò tiên phong của tuổi trẻ, tôi nhận thấy mình cần phải đi trước, làm trước để bà con, các bạn ĐVTN trong xã nhìn thấy và làm theo.

Năm 2019, Chi đoàn bản và Đoàn xã tạo điều kiện tôi được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện, sau khi bàn với vợ dùng vốn tích lũy của gia đình và vay mượn thêm của anh em họ hàng, tôi đã làm 9 lồng để nuôi cá và hệ thống nhà nổi để làm nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đến nay, hệ thống lồng cá đã hoạt động ổn định, mỗi năm xuất ra thị trường gần 2 tấn cá, cùng với hoạt động kinh doanh của nhà hàng cho gia đình lợi nhuận trên 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, mô hình của gia đình còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 2 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn.

Mô hình nuôi cá lồng của anh Pờ Chà Song (xã Kan Hồ).

Mô hình nuôi cá lồng của anh Pờ Chà Song (xã Kan Hồ).

Phong trào lập thân, lập nghiệp của tuổi trẻ huyện Mường Tè luôn nhận được sự đồng hành, tạo nguồn lực từ nguồn vốn ưu đãi của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện. Ông Nguyễn Duy Sỹ – Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Mường Tè cho biết: Chúng tôi phối hợp với Huyện đoàn triển khai các nguồn vốn ưu đãi đến ĐVTN; tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ đoàn phụ trách hoạt động ủy thác, Ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) về kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý tín dụng, kiểm tra giám sát nhằm phát hiện và phòng ngừa rủi ro, hướng dẫn áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả, để bảo toàn nguồn vốn. Chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV, ngăn chặn kịp thời hiện tượng lợi dụng vốn tín dụng chính sách trong quá trình thực hiện.

Hiện Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện đang triển khai 13 chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi cho ĐVTN trên địa bàn huyện, trong đó có những nguồn vốn tạo nguồn lực tốt để ĐVTN thực hiện ước mơ lập thân, lập nghiệp như chương trình cho vay: hộ nghèo, học sinh sinh viên, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nước sạch vệ sinh môi trường, hộ nghèo về nhà ở, hộ thoát nghèo, sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, thương nhân vùng khó khăn, nhà ở xã hội... Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện luôn duy trì và chấp hành nghiêm túc lịch giao dịch cố định hàng tháng; các chính sách tín dụng; thông báo lãi suất cho vay theo từng chương trình được niêm yết tại các điểm giao dịch để ĐVTN tại các xã nghiên cứu, tiếp cận.

Tổ TK&VV tư vấn, hỗ trợ đoàn viên thanh niên tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Tổ TK&VV tư vấn, hỗ trợ đoàn viên thanh niên tiếp cận với nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Thông qua nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ ĐVTN thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện lập nghiệp, phát triển sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ để từng bước nâng cao thu nhập. Đến nay, các cơ sở Đoàn trên địa bàn toàn huyện đã nhận ủy thác của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện với tổng dư nợ trên 70 tỷ đồng, có 1.287 hộ vay vốn tại 35 tổ TK&VV. Nguồn vốn vay đã được các ĐVTN sử dụng hiệu quả, qua đó xuất hiện nhiều tấm gương thanh niên tiêu biểu với những mô hình phát triển kinh tế như: chăn nuôi đại gia súc của đồng chí Tống Văn Đông; nuôi dúi giống, dúi thương phẩm của đồng chí Phìn Thị Mỹ (xã Mường Tè); nuôi cá lồng kết hợp dịch vụ kinh doanh ăn uống tại bè của anh Pờ Chà Song (xã Kan Hồ); vườn – ao - chuồng của đồng chí Lù Văn Kiếm (xã Vàng San) và Vàng Thị Đường (xã Bum Nưa); trồng ớt trung đoàn của Đoàn xã Ka Lăng, Thu Lũm...

Đồng chí Đao Thanh Loan – Bí thư Huyện đoàn Mường Tè cho biết: ĐVTN trong quá trình lập thân, lập nghiệp cần một “người bạn” thực sự thấu hiểu, chia sẻ khó khăn bước đầu và đồng hành lâu dài. Ngân hàng CSXH là một “người bạn” như vậy. Qua chương trình phối hợp hành động giữa Đoàn Thanh niên và Ngân hàng CSXH, những chương trình cho vay ưu đãi trở thành điểm tựa giúp ĐVTN khởi nghiệp, vươn lên làm giàu. Trong quá trình thực hiện ủy thác vốn vay của Ngân hàng CSXH, cán bộ Đoàn nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của ĐVTN, phối hợp cùng cán bộ Ngân hàng CSXH tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ. Nhờ vậy, nhiều thanh niên nông thôn đã vươn lên trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế tại địa phương, góp phần thu hút ĐVTN ngày càng gắn kết với các cơ sở Đoàn, đưa công tác Đoàn và phong trào thanh niên ngày càng đi vào thực chất. Qua đó, khẳng định vai trò của tổ chức Đoàn, đồng thời phát huy được tinh thần xung kích, sáng tạo, nhiệt huyết của tuổi trẻ, đóng góp tích cực vào sự phát triển của quê hương, đất nước…

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/%C4%91%E1%BB%93ng-h%C3%A0nh-v%E1%BB%9Bi-thanh-ni%C3%AAn-l%E1%BA%ADp-th%C3%A2n-l%E1%BA%ADp-nghi%E1%BB%87p768