Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Thực hiện chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh, vừa qua, huyện Tân Uyên đã được một số công ty, doanh nghiệp xin phép tiến hành khảo sát, đầu tư, mở rộng vùng trồng cây chanh leo và dứa. Đây là cơ hội để người dân các xã có tiềm năng mở rộng diện tích cây ăn quả.
Hiện nay, huyện Tân Uyên xác định có 6 xã (Phúc Khoa, Nậm Cần, Pắc Ta, Thân Thuộc, Trung Đồng, Tà Mít) và thị trấn Tân Uyên có khả năng trồng được 2 loại cây ăn quả này. Đối với cây chanh leo được đưa vào địa bàn huyện trồng mô hình thử nghiệm từ năm 2019 và được nhân rộng phát triển vào năm 2020-2021. Đến nay, toàn huyện có 33,1ha (năm 2019-2020 trồng 24,3 ha; 2021 triển khai trồng mới 9ha).
Qua theo dõi cây chanh leo trồng trên địa bàn huyện sinh trưởng, phát triển tốt bước đầu đánh giá phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại huyện. Hiệu quả kinh tế sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư cho thu nhập trung bình năm thứ nhất đạt 40 triệu đồng/ha; năm thứ 2 đạt 120-130 triệu đồng/ha (tùy vào điều kiện đầu tư, chăm sóc của người dân, hiện diện tích trồng năm 2021 phát triển tốt dự kiến tháng 6 cho thu hoạch quả). Nhiều người thưởng thức quả chanh leo ở đây đều khẳng định có vị đậm đà, mát ngọt, đặc biệt là ăn kèm với mật ong, đường đỏ.
Đối với cây dứa được người dân các xã trồng nhỏ lẻ (khoảng 5ha tại các xã Pắc ta, Nậm Cần và tập trung tại xã Tà Mít). Qua thời gian trồng cho thấy cây dứa ở một số xã trên địa bàn huyện Tân Uyên sinh trưởng và phát triển tốt, cho quả to, điều này khẳng định đây là cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu tại huyện.
Những tháng đầu năm nay, Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) đã đề xuất với huyện cho phép khảo sát tiến tới hợp tác đầu tư trồng 2 loại cây này trên địa bàn. Đến nay, tại 4 bản thuộc 2 xã Tà Mít, Pắc Ta đã đăng ký trồng 69ha dứa trong năm 2022, trong đó, Tà Mít đăng ký 50ha, xã Pắc Ta đăng ký 19ha. Riêng cây chanh leo xã Pắc Ta, Trung Đồng đăng ký trồng 2ha đợt I và hoàn thành trong tháng 5 năm nay.
Để chuẩn bị những khâu tiếp theo, tạo tiền đề vững chắc giúp người dân có thêm niềm tin để mở rộng diện tích, trên địa bàn huyện đã thành lập được 5 đầu mối thu mua, bao tiêu sản phẩm gồm 1 hợp tác xã tại xã Tà Mít và 4 tổ hợp tác tại các xã Pắc Ta, Thân Thuộc, Phúc Khoa. Mặc dù hiện tại Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao chưa thực hiện ký liên kết với các với các đầu mối trồng dứa và chanh leo năm 2022 trên địa bàn huyện do dịch Covid-19 bùng phát sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, song thiện chí và kỳ vọng của Công ty về hợp tác lâu dài để mở rộng vùng nguyên liệu là có căn cứ.
Điều này được thể hiện qua buổi làm việc của UBND huyện với Công ty những ngày đầu tháng 4 vừa qua. Theo đó, ngoài cam kết bao tiêu 100% sản phẩm đạt tiêu chuẩn theo quy định của Công ty, Công ty hỗ trợ về giống và phân bón, vật liệu trước cho các hộ dân khi tham gia trồng; cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc, cung cấp quy trình trồng cây ăn quả cho người dân.
Còn đối với UBND huyện Tân Uyên đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã thị trấn phối hợp với các đơn vị chủ trì triển khai cho Nhân dân đăng ký trồng chanh leo và cây dứa giai đoạn 2021-2025. Quy mô liên kết dự kiến trồng 300ha cây dứa và chanh leo (chủ yếu trên đất lúa 1 vụ và đất trồng cây hàng năm kém hiệu quả) tại 6 xã: Phúc Khoa, Nậm Cần, Pắc Ta, Thân Thuộc, Trung Đồng, Tà Mít và thị trấn Tân Uyên.
Là một trong những hộ trồng cây chanh leo từ những ngày đầu huyện triển khai, gia đình anh Giàng A Lứ (Trưởng bản Hua Cưởm, xã Trung Đồng) kiên trì, miệt mài và luôn đặt niềm tin chanh leo là cây trồng đem lại nguồn thu đảm bảo cho gia đình anh cũng như người dân trong bản. Năm 2020, giàn chanh leo khoảng 1.000m2 của gia đình anh lúc lắc quả, nhưng đó cũng là thời điểm diễn ra dịch bệnh Covid-19. Việc xuất bán gặp khó khăn do giãn cách xã hội; sau đó bệnh loang dầu xuất hiện trên giàn chanh leo… thế nhưng anh chưa từng bỏ cuộc. Vợ chồng anh cũng thu hoạch được ít nhiều, thu lại nguồn vốn đã đầu tư.
Năm nay, cũng trên diện tích đó, anh trồng thêm một phần cây bí xanh, diện tích chanh leo khoảng hơn 1 tuần nữa sẽ cho thu hoạch. Điều vợ chồng anh quan tâm nhất hiện nay chính là vấn đề bao tiêu sản phẩm để sản phẩm chanh leo có thị trường tiêu thụ ổn định. Sau khi được xã triển khai, anh đã tuyên truyền, vận động bà con dân bản đăng ký trồng được 1ha chanh leo.
Trước đây, đồng hành với người dân trong việc đưa cây chanh leo vào trồng trên đất Tân Uyên đã có Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc ký kết bao tiêu sản phẩm. Giờ đây có thêm một đơn vị đồng hành, chắc chắn người dân vùng quy hoạch trồng chanh leo sẽ thuận lợi hơn, ít nhất là trong quá trình tiêu thụ sản phẩm bởi theo quy luật của thị trường, chỉ khi xảy ra cạnh tranh lành mạnh mới thúc đẩy phát triển.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, việc đưa vào trồng 2 loại cây ăn quả này không phải không có những khó khăn. Đầu tiên là khó thực hiện yêu cầu về đất đai canh tác như: Vùng trồng tập trung cây chanh leo diện tích tối thiểu 2ha/khu và 50ha/xã do đây là cây cần nước tưới khi đảm bảo từ 5.000m2 – 1ha nên phải có diện tích tập trung mới thuận tiện cho việc tưới tiêu, thu hoạch. Thêm vào đó, chi phí đặt cọc tiền mua cây giống/chồi giống bằng 10% giá trị tiền khi bàn giao cây giống. Đó là về lâu dài, còn hiện tại người dân vẫn đang được hỗ trợ 100% cây giống. Diện tích cây chanh leo sẵn có trên địa bàn huyện đang thực hiện theo liên kết trồng và tiêu thụ với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, do đó, tỉnh cũng nghiên cứu có các chính sách hỗ trợ đồng nhất khi triển khai như giá cây giống, phân bón...
Việc liên kết, đầu tư trồng chanh leo và dứa thành công không chỉ góp phần giúp Tân Uyên nâng cao chỉ tiêu về trồng cây ăn quả mà còn là giải pháp quan trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.