Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Theo Đề án phát triển một số cây dược liệu giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030, huyện Tam Đường đặc biệt ưu tiên phát triển bền vững dược liệu quý trên cơ sở bảo tồn và phát triển nguồn gen quý hiếm.

Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, đến nay, Tam Đường có trên 1.600ha cây dược liệu (thất diệp nhất chi hoa, sâm Lai Châu, tam thất, sa nhân, đương quy, thảo quả). Những năm qua, từ nguồn dược liệu đã mang lại nguồn thu khá lớn cho Nhân dân trên địa bàn. Khai thác, phát huy lợi thế, từ chủ trương, định hướng của huyện, nhiều người dân ở các xã có điều kiện phù hợp đã đổi mới tư duy sản xuất.

Đó là, chuyển từ khai thác tự do để bán sang thu gom hạt giống, trồng thành từng điểm, từng vùng tập trung một số loại dược liệu quý như: sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, tam thất. Tuy vậy, diện tích dược liệu quý còn rất khiêm tốn (khoảng 1ha) và tập trung chủ yếu ở xã: Khun Há, Giang Ma, Hồ Thầu và Sơn Bình.

Lãnh đạo tỉnh thăm mô hình trồng cây dược liệu Giang Ma, huyện Tam Đường.

Lãnh đạo tỉnh thăm mô hình trồng cây dược liệu Giang Ma, huyện Tam Đường.

Phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao thu nhập và đảm bảo bền vững, Tam Đường đã và đang chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân phát triển cây dược liệu quý có chọn lọc, tránh ồ ạt và theo phong trào. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc; lồng ghép triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh theo quy định. Phấn đấu đến năm 2030, phát triển thêm 1,5ha dược liệu quý và 150ha dược liệu các loại, tập trung ở các xã: Giang Ma, Hồ Thầu, Khun Há.

Có những cánh rừng già được bảo vệ tốt nên trên địa bàn xã Khun Há xuất hiện nhiều loại dược liệu quý và Nhân dân cũng đã có thu nhập từ khai thác tự nhiên. Hạn chế tối đa tình trạng tận thu dẫn tới cạn kiệt một số loại dược liệu quý trong tự nhiên; từ năm 2016, xã Khun Há đã vận động, hướng dẫn bà con sưu tầm, chọn lựa trồng, nhân giống một số loại như: sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa tại vườn nhà. Hiện, một số diện tích bắt đầu cho thu hoạch với giá trị kinh tế rất cao. Riêng thất diệp nhất chi hoa có giá 700 nghìn đồng/kg tươi và 1,5 triệu đồng/kg khô.

Người dân xã Giang Ma, huyện Tam Đường phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.

Người dân xã Giang Ma, huyện Tam Đường phát triển cây dược liệu dưới tán rừng.

Điển hình như bản Lao Chải 2, 6 năm qua, bản đã thành lập nhóm để trồng và nhân giống sâm Lai Châu và thất diệp nhất chi hoa. Thêm vào đó, được nhà nước hỗ trợ giống trồng 5.000m2 cây thất diệp nhất chi hoa, giờ đây, cây bắt đầu cho thu hoạch, tạo động lực để bản mở rộng diện tích. Hay như bản Ngài Thầu Cao trồng gần 3.000 cây sâm Lai Châu, trong đó một số gia đình có tới vài trăm cây trồng ở cánh rừng của bản.

Hiện nay, các loại dược liệu quý từ tự nhiên kham hiếm, trong khi đó cây ra ít hoa và quả giống nên việc nhân giống chậm. Tuy vậy, các loại cây này có ưu điểm ít sâu bệnh, sinh trưởng tốt. Cùng với quy hoạch vùng, trước mắt ưu tiên phát triển một số loại thế mạnh như: sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, đây là hướng phát triển kinh tế mới và bền vững cho Nhân dân Tam Đường.

Không chỉ ưu tiên mở rộng diện tích dược liệu quý theo kế hoạch, Tam Đường còn có nhiều cơ chế phát triển cây dược liệu theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Ngoài sâm Lai Châu, thất diệp nhất chi hoa, một số doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với bà con trồng hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, đan sâm, đương quy, xuyên khung với diện tích khoảng 50ha.

Hỗ trợ tối đa để phát huy, khai thác thế mạnh, huyện cũng từng bước hướng tới xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu thụ sản phẩm, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh cây dược liệu phát triển. Hỗ trợ thành lập các mô hình điểm về kinh tế hợp tác, liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, doanh nghiệp) theo nhiều hình thức. Từ đó, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và người tiêu thụ, tạo đầu ra ổn định cho cây dược liệu nói chung, dược liệu quý nói riêng.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/tam-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-%C6%B0u-ti%C3%AAn-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-b%E1%BB%81n-v%E1%BB%AFng-d%C6%B0%E1%BB%A3c-li%E1%BB%87u-qu%C3%BD