Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Với nhiều tiềm năng, lợi thế, thành phố Lai Châu có những cơ hội thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh; tạo đà để 'vươn mình khởi sắc', hướng đến một đô thị hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa vốn có của vùng núi Tây Bắc.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Nghiệp - Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu cho biết: Với mục tiêu xây dựng thành phố Lai Châu trở thành đô thị ngày càng phát triển, văn minh hiện đại, mang bản sắc văn hóa các dân tộc, công tác quy hoạch và quản lý đô thị được thành phố xác định là một nhiệm vụ quan trọng, triển khai theo lộ trình phù hợp và khoa học. Các yêu cầu đã được đặt ra như: gắn quy hoạch, phát triển đô thị với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển thương mại dịch vụ, du lịch; công tác quản lý trật tự đô thị, quản lý xây dựng cơ bản và quản lý đất đai được quan tâm chỉ đạo. Hệ thống hạ tầng giao thông đô thị, hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư, hệ thống trường, lớp học và các công trình phúc lợi công cộng tiếp tục được quy hoạch, đầu tư, xây dựng đồng bộ và khoa học.

Một góc thành phố Lai Châu. Ảnh: Thu Trang

Một góc thành phố Lai Châu. Ảnh: Thu Trang

Công tác chỉnh trang đô thị, trồng, chăm sóc cây xanh đô thị được thực hiện gắn với xây dựng hạ tầng đô thị. Đến nay, hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh, gồm 37 tuyến đường, với tổng chiều dài trên 93km rải thảm nhựa; 100% đường giao thông nông thôn được cứng hóa mặt đường. Các công trình phục vụ dân sinh như: cấp nước, điện chiếu sáng, hệ thống thông tin liên lạc từng bước được đầu tư xây dựng hoàn thiện. 100% dân số được sử dụng nước sạch sinh hoạt, các tuyến đường khu vực nội thị được trồng cây xanh, thảm cỏ; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia. 100% tuyến đường chính, trên 90% ngõ hẻm được lắp điện chiếu sáng. Cùng với đó, thành phố còn lập quy hoạch các điểm du lịch, lâm viên cây xanh, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới… Qua đó đã tạo diện mạo đô thị mới khang trang và hiện đại, từng bước xây dựng thành phố Lai Châu theo các tiêu chí đô thị loại II.
Là đô thị trung tâm của tỉnh, xác định phát triển kinh tế theo hướng thương mại dịch vụ, du lịch và sản xuất nông nghiệp hàng hóa là nhiệm vụ trọng tâm; cấp ủy, chính quyền thành phố đã tập trung lãnh, chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Hiện, hoạt động thương mại - dịch vụ ngày càng mở rộng và đang thích ứng với sự phát triển của kinh tế thị trường. Trong đó, các doanh nghiệp đầu mối, nhà hàng, khách sạn, cửa hàng bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại tăng nhanh. Hệ thống chợ được đầu tư nâng cấp, mở rộng vừa đảm nhiệm vai trò lưu thông hàng hóa, kích thích sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, vừa là nơi thể hiện những giá trị văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc vùng cao, nhất là chợ phiên San Thàng. Nhờ đó, giá trị sản xuất thương mại dịch vụ ngày càng tăng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 3.300 tỷ đồng.
Lĩnh vực du lịch cũng được thành phố quan tâm đầu tư. Nổi bật với các điểm du lịch văn hóa cộng đồng tại xã San Thàng và bản Gia Khâu I, xã Sùng Phài, mang đậm nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Giáy, Mông. Nhiều điểm đến được đầu tư xây dựng và phát triển theo hướng hiện đại, văn minh, thu hút lượng khách du lịch trong và ngoài nước. Từ năm 2021 đến nay, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng lượng khách du lịch đến thành phố đạt hơn 72 nghìn lượt, doanh thu đạt trên 90 tỷ đồng.
Chợ đêm San Thàng được tổ chức vào tối thứ 7 hàng tuần. Đây là điểm nhấn với du khách khi đến du lịch Lai Châu và là động lực để thành phố Lai Châu giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, biến tiềm năng, lợi thế của địa phương thành sản phẩm du lịch, nâng cao thu nhập và đời sống người dân. Anh Hoàng Văn Sinh - Chủ tịch UBND xã San Thàng chia sẻ: Xã chú trọng tuyên truyền người dân giữ gìn bản sắc văn hóa thông qua phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực và làn điệu dân ca, nghề truyền thống. Để thu hút du khách, nâng cao thu nhập cho người dân, xã đầu tư mở rộng và tu sửa, chỉnh trang khu vực chợ đêm. Khuyến khích các nhà đầu tư vào đầu tư phát triển du lịch. Hàng năm, xã đón hàng nghìn lượt khách tới tham quan, trải nghiệm.
Ngành sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố cũng đang phát triển ổn định, mở rộng quy mô sản xuất. Một số sản phẩm đã trở thành chủ lực và tạo việc làm cho Nhân dân tại địa phương như: khai thác vật liệu xây dựng, gia công cơ khí, sửa chữa, lắp ráp, chế biến lương thực, thực phẩm, các sản phẩm từ chè... Các ngành nghề truyền thống địa phương được khôi phục; hình thành rõ nét các tổ hợp tác, hợp tác xã, xưởng sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đóng góp ngân sách cho Nhà nước.
Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới được thành phố chỉ đạo quyết liệt. Các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa được triển khai thực hiện hiệu quả. Tập trung chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, hình thành vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Đặc biệt, thành phố Lai Châu đang triển khai trồng trên 280ha cây mắc-ca bước đầu được đánh giá phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng và hứa hẹn là loại cây tiềm năng trong phát triển kinh tế, cây làm giàu cho Nhân dân trên địa bàn trong tương lai không xa.
Từng ngày thay da đổi thịt, vươn mình “bứt phá” đi lên, hòa cùng sự phát triển chung của các tỉnh, thành khác trong khu vực và miền núi Tây Bắc, thành phố Lai Châu đang có những bước tiến vững chắc trên con đường hội nhập và phát triển.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/th%C3%A0nh-ph%E1%BB%91-tr%E1%BA%BB-v%C3%A0-kh%C3%A1t-v%E1%BB%8Dng-b%E1%BB%A9t-ph%C3%A1