'Kinh tế vỉa hè' – Bài toán phát triển và duy trì mỹ quan đô thị Thủ đô
Sau nhiều năm đầu tư và được thay đổi, các phố có vỉa hè của TP Hà Nội đang ngày một quy chuẩn và khang trang hơn. Đi cùng với sự thay đổi đó là sự xuất hiện của các hàng quán kinh doanh khiến vỉa hè đã và đang dần vượt qua qua mục đích ban đầu là trang trí cho đô thị và dành cho người đi bộ.
Không gian lưỡng dụng
Trong văn hóa của Hà Nội, vỉa hè có vai trò rất đặc biệt gắn liền với sự thay đổi của thành phố qua nhiều thập kỷ. Có lẽ không ở đâu vỉa hè lại có nét đặc trưng như vỉa hè ở Hà Nội. Vỉa hè vừa là không gian sinh kế đa dạng, linh hoạt, vừa là không gian sinh hoạt rộng mở, không gian xã hội đặc thù, không gian nghệ thuật độc đáo và không gian ký ức sống động.
“Những người bán hàng trên vỉa hè, từ những quang gánh, trở thành quán nhỏ, dần trở nên lâu đời và là một phần văn hóa, một nét đặc trưng trong kinh tế đô thị không chỉ của Việt Nam mà của nhiều nước”, Thạc sĩ, Kiến trúc sư Lê Nguyễn Hương Giang chia sẻ.
Việc sử dụng một phần vỉa hè vốn là không gian công cộng cho hoạt động kinh doanh không chỉ xuất hiện tại Việt Nam, mà cũng là nét văn hóa tại nhiều quốc gia châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… “Tất cả những nền kinh tế đô thị mà tôi nghiên cứu đều có văn hóa vỉa hè, thể hiện được nét văn hóa thưởng thức những món ăn, thói quen sinh hoạt của người dân ở nền kinh tế đó”, Kiến trúc sư Lê Nguyễn Hương Giang khẳng định.
Dù “kinh tế vỉa hè” là trái với việc sử dụng không gian công cộng vào hoạt động kinh doanh tập thể hay hộ cá thể, nhưng nó đã tồn tại cùng với đô thị tập trung dân cư cơ học như Hà Nội. Qua thời gian, những hoạt động kinh doanh này đã trở thành một nét thường thấy, quen thuộc trên phố phường Thủ đô. Chính vì vậy, năm 2021, UBND TP Hà Nội đã đồng ý với đề xuất của Sở Tài chính và UBND quận Hoàn Kiếm, cho sử dụng thí điểm hè phố để kinh doanh.
Theo đó, hè 5 tuyến phố để tổ chức kinh doanh gồm Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Phụng Hiểu, Phùng Hưng (đoạn từ Lê Văn Linh đến Hàng Vải, Nguyễn Quang Bích đến gần Cửa Đông).
Giải bài toán “kinh tế vỉa hè”
Chị Nguyễn Hồng Minh đang sống và làm việc tại Hà Nội cho biết: “Nếu thiếu hàng quán vỉa hè, Hà Nội có thể mất đi một nét đẹp rất riêng, gắn bó với nhiều thế hệ người Thủ đô, trong đó có tôi. Mặc dù đôi lúc, các hàng quán gây mất mỹ quan đô thị, thậm chí còn ảnh hưởng đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng đây vẫn là nét hấp dẫn riêng đối với du khách trong và ngoài nước. Thậm chí sự đặc biệt này đã xuất hiện trên các tạp chí nước ngoài".
Đối với người dân Thủ đô, việc người đi đường chỉ cần dừng xe để chọn lựa những món hàng yêu thích ngay cạnh vỉa hè đã trở thành thói quen khó bỏ. Tuy nhiên, chị Minh đánh giá, chính quyền các cấp TP Hà Nội cũng cần có chế tài hợp lý để vừa giữ được “kinh tế vỉa hè” như một nét đẹp riêng của Thủ đô, nhưng vẫn đảm bảo được mỹ quan đô thị của thành phố.
Là người dân sinh sống tại phố cổ, ông Đàm Thanh Phong (Quận Ba Đình) cho biết, sự tồn tại của hàng quán vỉa hè ban đầu chính là nghiệp mưu sinh của người dân trong thời kỳ đất nước còn khó khăn. Điều này lâu dần đã biến thành thói quen mua sắm tiện lợi của người dân. Có thể dễ dàng quan sát thấy sự tiện lợi của “kinh tế vỉa hè”, khi chỉ cần 1 bước ra đường, người dân dễ dàng chọn mua được mọi mặt hàng thiết yếu mà không cần ra chợ hay siêu thị. Vì vậy, sự tồn tại của "kinh tế vỉa hè" ở đây có sự kết hợp hai chiều. “Cùng với đó, việc phát triển du lịch cũng không thể thiếu được "kinh tế vỉa hè'”, ông Phong chia sẻ.
Nhà nghiên cứu văn hóa Phùng Hoàng Anh cho rằng, vỉa hè Hà Nội có đời sống văn hóa đa nghĩa, phức tạp và đa chiều. Với sự phát triển nhanh chóng của Hà Nội hiện nay, vỉa hè cũng rất đa dạng với những công năng sử dụng khác nhau, trong đó, không thể không tính đến công năng gắn với kinh tế. Ngay cả khi ta gắn nó với văn hóa, thì cũng không thể thiếu đi yếu tố “doanh thu” của các nhà kinh doanh trên các vỉa hè Hà Nội.
Đánh giá về “kinh tế vỉa hè”, TS Nguyễn Minh Phong cho biết, đây là một bộ phận của kinh tế-xã hội ở Việt Nam nói chung và tại TP Hà Nội nói riêng. Hơn nữa, đây còn là một nguồn lực dự trữ phát triển kinh tế vĩ mô cũng như vi mô và cũng là cơ hội để cải thiện thu nhập cho dân sinh đồng thời cũng góp phần thực hiện cảnh quan đô thị của Việt Nam.
Theo TS Nguyễn Minh Phong, nếu dùng từ “mỹ quan vỉa hè đô thị” thì không hoàn toàn rõ hết ý nghĩa về một khía cạnh giá trị của "kinh tế vỉa hè". Vì nếu được tổ chức tốt, những hoạt động này còn góp phần trang điểm cho đường phố thêm đẹp. Những mô hình như vậy đã được áp dụng thành công và mang lại lợi ích kinh tế không nhỏ tại Thái Lan hay Singapore. Các hàng quán trên các tuyến phố được trang trí đẹp rực rỡ như ngày hội, thu hút rất nhiều du khách đến tham quan và sử dụng dịch vụ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, không thể thả lỏng nhưng không thể dẹp bỏ "kinh tế vỉa hè" mà cần sử dụng linh hoạt, ứng xử phù hợp giữa các nhóm và sắp xếp quy củ hơn. Cụ thể, tại các khu vực có vỉa hè rộng có thể cho phép tổ chức kinh doanh dưới sự quản lý chặt chẽ; những khu vực đông dân cư, tập trung trường học, bệnh viện, nhà máy có thể tổ chức kinh doanh theo giờ, cấm kinh doanh vào giờ cao điểm để không ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của người dân. Trên cơ sở quy hoạch bài bản mới tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức và đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ kinh doanh.