Kinh tế Việt Nam đón làn sóng FDI lần thứ 4

Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư. Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như: điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.

 Các chuyên gia trao đổi về điểm sáng kinh doanh và đầu tư trong năm 2024.

Các chuyên gia trao đổi về điểm sáng kinh doanh và đầu tư trong năm 2024.

Sáng 26/3, hội thảo “Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024” đã diễn ra tại Hà Nội.

Tại hội thảo, các chuyên gia nhận định, Việt Nam đang đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư. Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như: điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá, rất khó để đạt được mục tiêu 6,5%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một bước ngoặt của sự chuyển đổi, nếu Việt Nam nỗ lực về chính sách và cải cách thì những điểm sáng kinh tế sẽ được thúc đẩy.

Bước ngoặt chuyển đổi này được nhìn thấy qua dữ liệu tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực phi sản xuất trong cơ cấu GDP đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần tiến hành cải cách thị trường tài chính cũng như thu hút dòng vốn FDI vào các ngành công nghệ cao như: điện tử, bán dẫn, năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Từ góc độ của một đơn vị tư vấn, bà Đào Thiên Hương, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Chiến lược, Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam cho rằng, nền kinh tế số Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ với trọng tâm là sự phát triển của thương mại điện tử, dẫn đến nhu cầu cao của các hoạt động logistics phục vụ ngành.

Trong giai đoạn khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, khu vực châu Á chứng kiến sự sụt giảm vốn FDI trong 2023 lên tới 12% so năm 2022. Trong đó FDI vào các quốc gia lớn như: Trung Quốc giảm 6%, Ấn Độ giảm 47% và khu vực ASEAN giảm 16%. Tuy nhiên, Việt Nam lại là một ngoại lệ với mức tăng trưởng 32%, tổng vốn đăng ký hơn 36 tỷ USD trong đó trên 3.100 dự án FDI mới.

Theo Báo Nhân Dân

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/kinh-te-viet-nam-don-lan-song-fdi-lan-thu-4-post381931.html