Kinh tế Việt Nam dưới thời Trump 2.0
Kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng cả mặt tích cực và tiêu cực. Việt Nam cần có chính sách thích hợp, khôn khéo để tranh thủ cơ hội và giảm thiểu nguy cơ cho nền kinh tế trong bốn năm tới.
Việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2025-2028 sẽ có nhiều khả năng tăng tình trạng bất ổn định trong quan hệ thế giới, vốn đã căng thẳng do cuộc tranh chấp chiến lược Mỹ - Trung Quốc trong thời gian vừa qua.
Phong cách của ông Trump - thích quyết định đơn phương và chú trọng đến lợi ích sự vụ (transactional approach) để thực hiện mục tiêu “America First”; không coi trọng các quan hệ đồng minh và hợp tác nếu chúng không mang lại lợi ích trực tiếp và cụ thể cho Mỹ; đe dọa dùng thuế quan để ép buộc các nước khác làm theo ý muốn của mình... - sẽ làm mâu thuẫn Mỹ - Trung Quốc thêm căng thẳng, quan hệ trong đồng minh phương Tây lỏng lẻo hơn, nói chung là làm tình hình thế giới bất ổn và bất lường hơn trước.
Nói một cách khác, bốn năm sắp tới của chính quyền ông Trump sẽ thúc đẩy sự suy thoái của trật tự chính trị và kinh tế thế giới được thiết lập sau Thế chiến thứ 2 dựa trên luật lệ, nhất là cho hệ thống thương mại tự do mở cửa. Thay vào đó sẽ là tình trạng mỗi nước tự bảo vệ quyền lợi của mình trên cơ sở quan hệ song phương, thương lượng tay đôi - theo đó nước lớn có nhiều lợi thế hơn nước nhỏ.
Nếu không giải quyết thỏa đáng việc xuất siêu quá lớn, Việt Nam sẽ gặp nguy cơ bị Mỹ tăng thuế quan, làm giảm kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, ảnh hưởng bất lợi cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Đặc biệt, cuộc thương chiến đang âm ỉ giữa Mỹ và Trung Quốc có thể trở nên quyết liệt hơn và lan rộng sang một số nước khác. Ông Trump đã tuyên bố sẽ tăng thuế quan 10% lên tất cả hàng hóa bán cho Mỹ, và 60% lên các hàng hóa từ Trung Quốc. Ngoài ra, ông cũng đặt thuế quan 25% lên Canada và Mexico vì hai nước này đã để nhiều người nhập cảnh lậu vào Mỹ, và thêm 10% lên Trung Quốc vì đã để thuốc fentanyl tuồn sang Mỹ. Gần đây nhất, ông đe dọa tăng thuế quan 100% lên các nước trong khối BRICS nếu họ tiếp tục tìm cách thanh toán các thương vụ mua bán và đầu tư xuyên quốc gia mà không dùng đô la Mỹ. Nếu Mỹ thực hiện tất cả đe dọa tăng thuế quan của ông Trump thì nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ giảm tăng trưởng và tăng lạm phát, gây thiệt hại cho mọi nước, nhất là các nước đang phát triển.
Ảnh hưởng tích cực
Việc Mỹ tăng cường thuế quan và các biện pháp hạn chế thương mại và đầu tư với Trung Quốc sẽ thúc đẩy sự chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp trên thế giới từ Trung Quốc sang các nước khác, nhất là Việt Nam. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký ở Việt Nam tăng khoảng 50% từ lượng trung bình hàng năm 23,8 tỉ đô la Mỹ trong bốn năm 2013-2016 lên 35,7 tỉ đô la trung bình mỗi năm từ 2017-2024. Trung Quốc sẽ tiếp tục mất thị phần trong thị trường nhập khẩu của Mỹ, và Việt Nam có thể có cơ hội. Tính từ năm 2017 đến nay, thị phần của Trung Quốc trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ giảm trên 7 điểm phần trăm, trong khi của Việt Nam tăng trên 2 điểm phần trăm. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ là 41,5 tỉ đô la năm 2017 và đã tăng hơn 3 lần lên đến 135 tỉ đô la ước tính cho năm 2024.
Việt Nam có quan hệ tích cực với ông Trump trong nhiệm kỳ tổng thống đầu - ông đã thăm Việt Nam hai lần, lần thứ hai để tham dự cuộc họp thượng đỉnh với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un do Chính phủ Việt Nam tổ chức tại Hà Nội năm 2019. Trong lúc còn đang tranh cử tổng thống năm 2024, ông Trump đã có mặt trong buổi lễ ký hợp đồng để Tổ chức Trump (Trump Organization) đầu tư 1,5 tỉ đô la xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp ở Hưng Yên. Tổng Bí thư Tô Lâm là một trong các lãnh đạo trên thế giới sớm có điện đàm chúc mừng ông Trump đắc cử, qua đó hai nhà lãnh đạo đã mời và nhận lời mời chính thức thăm lẫn nhau. Gần đây hơn, dư luận báo chí đã phỏng đoán rằng Việt Nam có thể được chọn là nơi gặp gỡ giữa ông Trump và Tổng thống Nga Putin.
Các động thái chính trị này đã bồi đắp quan hệ hữu nghị Việt - Mỹ, giúp cho giới doanh nghiệp thế giới có thể an tâm về vấn đề rủi ro địa chính trị khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.
Ảnh hưởng tiêu cực
Tuy nhiên, sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng các động thái kể trên sẽ bảo vệ Việt Nam khỏi bị các biện pháp trả đũa thương mại của chính quyền ông Trump. Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Donald Trump đã chứng tỏ có thể thực hiện hai động thái tưởng như mâu thuẫn nhau. Ví dụ, ông Trump đã có quan hệ cá nhân thân thiết với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, nhưng vẫn loại Ấn Độ (năm 2019) ra khỏi danh sách các nước đang phát triển được hưởng hệ thống ưu đãi tổng quát (General System of Preferences GSP) để trả đũa Ấn Độ đánh thuế quan và hạn chế nhập một số mặt hàng của Mỹ.
Vào cuối nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã chỉ trích Việt Nam vì đã lợi dụng tranh chấp thương mại Mỹ - Trung Quốc để tăng xuất khẩu rất nhiều sang Mỹ. Trong giai đoạn đó, Việt Nam cũng bị đưa vào danh sách điều tra về thao túng tiền tệ. Dưới thời của chính quyền Tổng thống Joe Biden, hai nước đã thỏa thuận một số biện pháp để Mỹ rút tên Việt Nam ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ. Ngoài ra, ông Trump và các cộng sự cũng cáo buộc Việt Nam yểm trợ xuất khẩu và để Trung Quốc tuồn hàng qua Việt Nam, đóng nhãn “Made in Vietnam” rồi xuất sang Mỹ. Các cáo buộc và điều tra này nhiều khả năng được lặp lại sau khi ông Trump nhậm chức vào đầu năm 2025, có thể đưa tới các biện pháp tăng thuế quan và hạn chế nhập khẩu từ Việt Nam.
Lý do chính là vì xuất siêu của Việt Nam đối với Mỹ tăng vượt bậc, từ 38 tỉ đô la năm 2017 lên đến 120 tỉ đô la ước tính cho năm 2024, khiến Việt Nam trở thành nước thứ ba sau Trung Quốc và Mexico có xuất siêu lớn nhất đối với Mỹ - tương ứng 295 tỉ đô la và 169 tỉ đô la ước tính cho năm 2024. Cần nhớ là ông Trump luôn chỉ trích các nước có xuất siêu lớn đối với Mỹ, coi đó là kết quả của việc trục lợi không công bằng gây thiệt hại cho Mỹ và đe dọa tăng thuế quan đối với các nước này. Thành thử, việc giảm bớt một cách đáng kể sự mất thăng bằng trong cán cân thanh toán thương mại Việt - Mỹ là vấn đề hàng đầu trong quan hệ Mỹ - Việt mà phía Mỹ sẽ gây sức ép đòi Việt Nam giải quyết. Và cho đến khi giải quyết thỏa đáng vấn đề này, khó hy vọng phía Mỹ sẽ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường như phía Việt Nam mong muốn.
Biện pháp ứng phó của Việt Nam
Việt Nam cần có nhiều biện pháp để giải quyết vấn đề xuất siêu quá lớn đối với Mỹ. Trước mắt, Việt Nam cần cam kết mua các mặt hàng chiến lược của Mỹ như máy bay Boeing, máy tính điện tử tiên tiến, khí đốt hóa lỏng... để tăng kim ngạch xuất khẩu từ phía Mỹ, giảm bớt tình trạng mất cân bằng.
Sau đó và cơ bản hơn, tìm mọi cách để nâng phần đóng góp của Việt Nam trong giá trị hàng xuất khẩu. Hiện nay phần đóng góp của Việt Nam còn rất thấp - khoảng 11% theo tính toán của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) so với mức trung bình 24,4% ở các nước châu Á.
Thứ ba, Việt Nam phải tăng cường việc quản lý xuất nhập khẩu, kiểm tra nghiêm ngặt chứng chỉ xuất xứ của hàng xuất nhập qua Việt Nam - nhất là bán thành phẩm nhập từ Trung Quốc và Hàn Quốc - để có thể phản biện khi bị cáo buộc là giúp các nước này lẩn tránh thuế quan của Mỹ.
Sau cùng, cần nỗ lực đa phương hóa quan hệ xuất nhập khẩu với nhiều nước khác, như Trung Đông và Ấn Độ... để giảm bớt sự phụ thuộc vào một nước.
Nói chung, nếu vì sức ép của chính quyền ông Trump mà Việt Nam làm được các việc như đã trình bày ở trên, thì đó là một bước tiến lớn trong việc hiện đại hóa công nghiệp chế biến - thành một động lực quan trọng trong tiến trình phát triển kinh tế Việt Nam. Ngược lại, nếu không giải quyết thỏa đáng việc xuất siêu quá lớn, Việt Nam sẽ gặp nguy cơ bị Mỹ tăng thuế quan, làm giảm kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, ảnh hưởng bất lợi cho sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
(*) Kinh tế gia ở Mỹ
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kinh-te-viet-nam-duoi-thoi-trump-2-0/