Kinh tế Việt Nam - gian nan thử sức

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), GDP của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81%. Đây là mức tăng thấp nhất của 6 tháng trong các năm thuộc giai đoạn 2011-2020, thấp hơn cả những năm 2008-2009 khi kinh tế nước ta bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế quốc tế.

Con số tăng trưởng 1,81% là rất lạ lẫm, bởi chúng ta đã quen với mức tăng trưởng kinh tế của đất nước khoảng 6-7%. Thế nhưng, nếu xét đến bối cảnh chung của kinh tế thế giới thì Việt Nam đang nằm trong số ít nước vẫn giữ được tăng trưởng dương, tức là vẫn thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế tốt nhất thế giới trong giai đoạn hiện nay.

Cơn bão suy giảm kinh tế toàn cầu

Ngày 24-6, Báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay ước giảm tới 4,9% do ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng mà đại dịch Covid-19 gây ra. Theo IMF, đây sẽ là đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Ngân hàng thế giới (WB) thậm chí còn bi quan hơn khi dự báo nền kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm tới 5,2% trong năm 2020. Giãn cách xã hội, đóng cửa để ngăn Covid-19 đã khiến nền kinh tế toàn cầu đang đông cứng lại và thu hẹp.

 Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH 888 tại Thanh Hóa. Ảnh: ĐỨC THANH

Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH 888 tại Thanh Hóa. Ảnh: ĐỨC THANH

Hầu hết các cường quốc kinh tế đều đang hứng chịu cơn bão suy giảm. Trong đó, Mỹ là một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Theo IMF, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể suy giảm tới 8% trong năm 2020. Bên cạnh đó, Mexico được dự báo sẽ suy giảm kinh tế tới 10,5%, Brazil sẽ giảm 9,1%; kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng giảm 10,2%, trong đó Đức giảm 7,8%, Pháp giảm 12,5%, Italy giảm 12,8%. Tại khu vực châu Á, kinh tế Nhật Bản giảm 5,8%. Trung Quốc là cường quốc kinh tế duy nhất được IMF dự báo đạt tăng trưởng 1%.

Covid-19 đã gây khó khăn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp trên toàn cầu, ảnh hưởng đến những tiến bộ đạt được trong xóa đói giảm nghèo kể từ năm 1990. Các chuyên gia kinh tế lo ngại đại dịch sẽ gây ra những ảnh hưởng lâu dài trong thương mại, kinh doanh và việc làm trên toàn cầu. Theo dự báo của IMF, số lao động thất nghiệp trên toàn cầu (lao động toàn thời gian) có thể tăng tới 300 triệu trong quý II-2020.

Tổn thương nhưng không tê liệt

Nhìn ra bức tranh toàn cầu như vậy để thấy kết quả mà nền kinh tế Việt Nam đạt được trong 6 tháng vừa qua tuy thấp hơn nhiều so với mức chúng ta từng đề ra từ đầu năm và so với những năm trước, nhưng vẫn tốt so với bối cảnh chung. Cuối năm ngoái và đầu năm nay, có lẽ người có trí tưởng tượng phong phú nhất cũng không thể hình dung nhân loại lại rơi vào "cơn hồng thủy" Covid-19 khủng khiếp tới vậy. Cho tới ngày hôm qua (30-6), thế giới đã có tới hơn 507.000 ca tử vong do Covid-19, trong số hơn 10,3 triệu người mắc bệnh tại 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam đang là một "thung lũng" bình yên, trong khi nhiều nước vẫn đang phải đối mặt sinh tử với virus SARS-CoV-2. Việc Chính phủ có đối sách đúng đắn, ưu tiên hàng đầu cho việc dập dịch và thành công trong nhiệm vụ này khiến chúng ta không chỉ bảo vệ được sức khỏe và tính mạng của người dân mà còn có cơ hội sớm đưa nền kinh tế tái khởi động ở trạng thái bình thường mới.

Quý I, kinh tế nước ta tăng trưởng 3,82%, quý II do thực hiện cách ly toàn xã hội nên kinh tế chỉ tăng trưởng 0,36%. Nhìn chung, các khu vực công nghiệp chế biến chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, hay khu vực dịch vụ đều có mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2011-2020. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%. Động lực chính cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm là công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 4,96%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn và bán lẻ tăng 4,3%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,78%).

Tuy kim ngạch xuất, nhập khẩu nhiều mặt hàng bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh và nhu cầu thế giới sụt giảm, đặc biệt là tại các nước đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, thế nhưng điểm sáng trong 6 tháng đầu năm là nền kinh tế chúng ta vẫn xuất siêu ước tính đạt 4 tỷ USD.

Những khó khăn chung của kinh tế đã tác động xấu tới các doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 7,3%, vốn đăng ký giảm 19% và số lao động đăng ký giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 38,2% so với cùng kỳ năm trước.

Trong lúc kinh tế khó khăn thì công tác an sinh xã hội được quan tâm đặc biệt. Đây chính là lúc thể hiện bản chất nhân văn của Nhà nước ta, không để ai bị bỏ lại phía sau. Theo báo cáo sơ bộ, tổng các suất quà trao tặng các đối tượng chính sách, người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội trong 6 tháng đầu năm là hơn 8,1 nghìn tỷ đồng. Có hơn 18,5 triệu thẻ bảo hiểm y tế, sổ/thẻ khám chữa bệnh miễn phí được phát tặng các đối tượng chính sách trên địa bàn cả nước. Cùng với đó, tính đến ngày 10-6, cả nước đã giải ngân được 10,5 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, trong đó người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ hơn 10,4 nghìn tỷ đồng; người lao động là 50,5 tỷ đồng; hộ kinh doanh là 2,6 tỷ đồng.

Phân tích về những phản ứng hiệu quả của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, ông Jacques Morisset, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng, việc kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 của Việt Nam đã cho thế giới thấy cái nhìn rõ ràng hơn về đất nước là “phép màu kinh tế trong vòng 25 năm trở lại đây”. Theo ông, việc hoạch định chính sách hiệu quả đã giúp Việt Nam thành công trong cuộc khủng hoảng Covid-19 và sẽ tiếp tục có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nền kinh tế Việt Nam bị tổn thương, nhưng không tê liệt và đang phục hồi trong nửa sau năm 2020.

Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam cho rằng: "Việt Nam đã hành động rất thông minh". Chất lượng của phương án đối phó với Covid-19 của Chính phủ Việt Nam nằm ở sự kết hợp giữa tầm nhìn xa và tính thực tiễn. Thứ nhất là quản lý tài khóa. Trước khi dịch bệnh bùng phát, Chính phủ Việt Nam đã dự trữ được dòng tiền đáng kể nhờ thực hiện chính sách quản lý tài khóa thận trọng. Ngoài ra, cùng với việc áp dụng quy định tài khóa theo chuẩn của mình, Việt Nam đã dành 5% ngân sách của năm 2020 để trích lập quỹ dự phòng cho trường hợp khẩn cấp. Nhờ vậy, Chính phủ có thể ứng phó ngay lập tức với cuộc khủng hoảng ở cả cấp Trung ương và địa phương mà không cần đến vay nợ trong nước hay nước ngoài. Thứ hai là thương mại và logistics. Theo dự báo của Tổ chức Thương mại thế giới, thương mại toàn cầu trong năm 2020 sẽ suy giảm 15-30%. Là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất trên thế giới, Việt Nam đã nhanh chóng có các hành động nhằm giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp xuất khẩu và ra hướng dẫn về việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm phí, đơn giản hóa thủ tục hải quan và thủ tục tại các trung tâm vận tải lớn. Thứ ba là việc áp dụng số hóa trong phát triển kinh tế. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, Chính phủ đã thực hiện một loạt cải cách, bao gồm việc ứng dụng sâu công nghệ số trong phòng, chống dịch bệnh. Chính phủ thúc đẩy phát triển hệ thống thanh toán điện tử nhằm tiếp cận 2/3 số người dân hiện chưa có tài khoản ngân hàng.

Cần nghiên cứu những cơ chế, chính sách đặc biệt

Trong Kỳ họp thứ chín vừa qua, Quốc hội thống nhất chưa điều chỉnh các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2020, trong đó có chỉ tiêu GDP tăng 6,8% để các bộ, ngành, địa phương phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu. Báo cáo tại Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, Chính phủ sẽ chủ động điều hành các chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại, đầu tư và các chính sách khác để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và bảo đảm an sinh xã hội. Thu, chi ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công được thực hiện phù hợp với thực tế.

Một số ý kiến cho rằng cần có chính sách đặc biệt áp dụng cho giai đoạn đặc biệt hiện nay. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị kéo dài thời gian giãn, hoãn các khoản thuế, phí tới 12 tháng cho doanh nghiệp, thay vì chỉ 3 hay 6 tháng hiện nay. Chủ tịch VCCI cũng góp ý Chính phủ, Bộ Tài chính có thể nghiên cứu sử dụng chính sách tài khóa ngược chu kỳ để ứng phó, tức là giảm nợ công trong giai đoạn kinh tế phát triển thuận lợi để tăng nợ công trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển thì giảm thu phải tương ứng với giảm chi. Cần tăng cường tiết kiệm chi, giảm 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước; tiết kiệm 10% chi thường xuyên khác năm 2020. Trường hợp sau khi tiết kiệm các nguồn nhưng còn khó khăn, Chính phủ trình Quốc hội điều chỉnh chỉ tiêu ngân sách tại Kỳ họp thứ mười vào cuối năm 2020.

Khó khăn là thế, nhưng nền kinh tế Việt Nam cũng có những cơ hội để phục hồi. Đó là hiện nay đang có một làn sóng dịch chuyển đầu tư quốc tế về những đất nước an toàn trong dịch bệnh và tránh được điểm nóng của những cuộc đối đầu về thương mại quốc tế. Mà Việt Nam là một quốc gia an toàn như vậy. Thực tế, thời gian qua các nhà đầu tư lớn đã liên tiếp đầu tư mở rộng và triển khai các dự án mới. Bốn lĩnh vực mà các tập đoàn có xu hướng dịch chuyển vào là công nghệ thông tin và công nghệ cao, thiết bị điện tử, thương mại điện tử và logistics, hàng tiêu dùng và bán lẻ.

Để chủ động đón làn sóng dịch chuyển đầu tư này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lập Tổ công tác đặc biệt và chỉ đạo phải có đề án để thu hút làn sóng vốn FDI đang dịch chuyển. Thủ tướng yêu cầu phải giải quyết các điểm nghẽn hiện nay như vấn đề mặt bằng, nguồn nhân lực.

Trước bối cảnh nhiều thách thức, Việt Nam đã và đang phát huy hiệu quả truyền thống vượt khó, linh hoạt áp dụng giải pháp phù hợp điều kiện, hoàn cảnh mới để duy trì sự phát triển ổn định của đất nước.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/kinh-te-viet-nam-gian-nan-thu-suc-624758