Kinh tế Việt Nam năm 2021: Triển vọng lạc quan
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, kinh tế Việt Nam trong năm 2021 có những tín hiệu, triển vọng lạc quan nhờ bước tiến mới trong thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và công tác ứng phó với dịch bệnh đạt kết quả tích cực.Theo bà Quyên Nguyễn- Giám đốc điều hành CEL Consulting, kinh tế thế giới chỉ bắt đầu hồi phục rõ rệt vào quý IV/2021. Tuy nhiên, điều chắc chắn là sức cầu của thế giới năm 2021 sẽ không thể bằng được năm 2019. Trong khi đó, kinh tế Việt Nam khả quan hơn nhiều nước láng giềng trong năm 2020 và tiếp tục cho thấy triển vọng tích cực trong năm 2021.
“Hoạt động tiêu dùng trong nước nhìn chung vẫn sẽ tăng trưởng do Việt Nam đã khống chế dịch bệnh tốt. Ngoài ra, mức giải ngân đầu tư công cao và dòng vốn FDI vẫn vào Việt Nam một cách mạnh mẽ cũng là những yếu tố đem lại sự lạc quan” - ông Nguyễn Anh Dũng - Giám đốc cấp cao Bộ phận Retail Intelligence - Nielsen Vietnam – chia sẻ.
Ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc toàn quốc Khối Kinh doanh tiền tệ và Thị trường vốn của Ngân hàng HSBC Việt Nam - cho biết: Hiện nay, nguồn cung tiền trên thị trường thế giới và trong nước cao, dẫn đến lãi suất thấp; trái phiếu Chính phủ liên tục được mua cao hơn mức thầu… Điều này sẽ là lợi thế của Việt Nam bởi còn dư địa để vay nhằm kích thích kinh tế trong những năm sau. Một thuận lợi khác là trong Báo cáo đánh giá nợ công giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ cũng cho thấy chỉ tiêu an toàn nợ được kiểm soát chặt chẽ, nằm trong giới hạn trần nợ công được Quốc hội phê chuẩn và giảm dần qua các năm trong giai đoạn 2016- 2019. Tỷ lệ nợ công/GDP từ 63,7% năm 2016 đã giảm dần về mức 55% năm 2019, ước năm 2020 đạt 56,8%. Chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP trong năm 2020 cũng giảm tương tứng từ 52,7% xuống 50,8%. Dự trữ ngoại hối cao và việc các ngân hàng dồi dào thanh khoản cũng sẽ là điểm tích cực để Chính phủ hoạch định những gói kích thích hiệu quả hơn.
Đáng chú ý, việc thực thi các FTA cũng là bệ đỡ quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn trong năm 2021. Mặt khác, sự nhạy bén của doanh nghiệp đã giúp họ tiếp tục duy trì sản xuất và xuất khẩu. Nhìn chung, các FTA đang và sẽ củng cố vai trò của chuỗi giá trị toàn cầu.
Thêm nữa, sự ổn định của kinh tế vĩ mô, hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, thu hút FDI. So với các nước trong khu vực, Việt Nam không những ổn định hơn về tính liên tục trong sản xuất mà còn là nước có sự ổn định chính trị. Dự báo, khi các chuyến bay thương mại quốc tế được nối lại, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng và giải ngân mạnh vào Việt Nam.
Theo Tổng Giám đốc CEL Consulting - ông Julien Brun, khảo sát từ các nhà quản lý cấp cao mới đây cho thấy, trong năm 2021, có đến 77% nhà quản lý cho rằng tình hình kinh doanh sẽ từ cải thiện đến rất cải thiện; chỉ 8% cho rằng tình hình kinh doanh sẽ phát triển theo chiều hướng bi quan.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kinh-te-viet-nam-nam-2021-trien-vong-lac-quan-149749.html