Kinh tế Việt Nam: Thời điểm 'nhấn ga' tăng tốc!

Nhận định về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, dư luận truyền thông nước ngoài tiếp tục đánh giá triển vọng kinh tế của đất nước vẫn khả quan; là ngôi sao đang lên, điểm sáng ở Đông Nam Á.

Nhận định về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, truyền thông nước ngoài tiếp tục đánh giá triển vọng kinh tế của đất nước là điểm sáng ở Đông Nam Á. (Ảnh: Gia Thành)

Nhận định về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, truyền thông nước ngoài tiếp tục đánh giá triển vọng kinh tế của đất nước là điểm sáng ở Đông Nam Á. (Ảnh: Gia Thành)

Đi hết nửa chặng đường năm 2024, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt 6,42%. Nền kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi, với mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước - một kết quả mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định là “khá toàn diện và rất đáng khích lệ”.

Sáu tháng đầu năm, cùng với giữ đà kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sáu tháng tăng 4,08%, lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 6%; an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng được bảo đảm.

Bên cạnh đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt khoảng 10,8 tỷ USD, tăng 8,2%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng tăng 15,7%. Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ; công tác quản lý thị trường vàng, xăng dầu, điện... có chuyển biến tích cực.

Nhận định về tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, dư luận truyền thông nước ngoài tiếp tục đánh giá triển vọng kinh tế của đất nước vẫn khả quan; là ngôi sao đang lên, điểm sáng ở Đông Nam Á, là quốc gia kết nối và đang trở thành một trung tâm kỹ thuật số.

Kịch bản báo cáo với Chính phủ cho thấy, nếu đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm là 6,5% thì bình quân các quý còn lại của năm 2024 sẽ khoảng 6,3-6,4%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, điều đó hoàn toàn khả thi với một nền kinh tế đang đà tăng trưởng tốt như hiện nay.

Do đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, Chính phủ đã xác định phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2024 khoảng 7%, cao hơn mục tiêu 6 - 6,5% của Quốc hội. Mục tiêu này cũng cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức quốc tế với kinh tế Việt Nam như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ở mức 5,8%, Ngân hàng Thế giới (WB) ở mức 5,5% hay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ở mức 6%...

Nhìn nhận một cách thẳng thắn, đây quả thực là nhiệm vụ không dễ. Bởi lẽ, dù con số tăng trưởng nửa đầu năm là tích cực, nhưng thách thức, khó khăn phía trước còn lớn. Nền kinh tế thế giới còn nhiều yếu tố bất định và trong nước cũng còn những khó khăn. Một số ngành, lĩnh vực vẫn còn gặp nhiều trở ngại, điển hình là lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, dịch vụ, nhu cầu, sức mua chưa phục hồi mạnh mẽ, chi phí đầu vào còn cao, vẫn còn những nút thắt chưa được tháo gỡ trong lĩnh vực nhà ở, bất động sản. Đặc biệt, các động lực liên quan đến đầu tư đang suy giảm cũng là nỗi lo của nền kinh tế.

Tuy vậy, đã làm tốt thì cần làm tốt hơn, đã hiệu quả thì cần hiệu quả hơn. Việc GDP đạt 7% trong năm nay có thể là tiền đề, là cơ hội để nền kinh tế vươn cao hơn, xa hơn và đạt cao nhất kết quả Kế hoạch năm năm 2021-2025.

Trong ngắn hạn, như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ, Việt Nam cần sự quyết tâm cải cách, đổi mới tư duy phát triển; tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; thúc đẩy đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm; thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mới, như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)… Làm được điều này, nền kinh tế sẽ “nhấn ga” tăng tốc trong những tháng còn lại của năm 2024 và những năm tiếp theo.

Nguyễn Linh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-viet-nam-thoi-diem-nhan-ga-tang-toc-280071.html