Kinh tế Việt Nam vẫn lạc quan nhờ tác động tích cực từ các FTA
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn ra ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn có 'sức đề kháng' mạnh mẽ nhờ tác động tích cực từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đàm phán và đạt được trong thời gian qua.
Đó là nhận định là Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam – ông Chang Hee Lee, khi nói về những cơ hội và thách thức để Việt Nam đạt mục tiêu trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao.
Theo ông Chang Hee Lee, để đưa mục tiêu trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao thành hiện thực, Việt Nam đang và cần phải rất nỗ lực để vượt qua nhiều thách thức hiện hữu. Trong đó, có thách thức về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Sự thiếu hụt nguồn nhân lực tại Việt Nam theo Giám đốc ILO Việt Nam xuất phát từ việc nguồn nhân lực chưa theo kịp nhịp phát triển kinh tế nhanh, dẫn đến nguồn cung của lực lượng lao động có trình độ không thể đáp ứng nhu cầu cao.
Tuy nhiên, theo ông Lee, về bản chất việc thiếu hụt nguồn lao động đó là kết quả từ những thành tựu kinh tế mà Việt Nam đạt được trong thời gian qua. “Nếu ở nhiều quốc gia, thách thức của họ là thiếu cơ hội việc làm (nghĩa là thiếu cầu), thì tại Việt Nam, thách thức lại là thiếu lực lượng lao động có trình độ (nghĩa là thiếu nguồn cung). Đó là kết quả của sự thành công trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam những thập kỷ qua” , ông Chang Hee Lee nói.
Bên cạnh việc chất lượng nguồn lao động chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, một thách thức mang tính khách quan mà Việt Nam nói riêng và nền kinh tế khác trên thế giới nói chung đều đang trải qua và tìm đường đi cho mình chính là sự thay đổi từng ngày của thế giới dưới tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ thay đổi qua từng giây, từng phút. Chuyển đổi công nghệ nhanh chóng cung cấp các cơ hội và tạo ra các thách thức đối với nhiều quốc gia, nhất là những quốc gia đang phát triển. Một số công việc có thể bị ảnh hưởng tiêu cực, ví dụ điển hình là những công việc thâm dụng lao động, công nghệ mới có thể khiến các công việc đó trở nên lỗi thời, trong khi nó có thể tạo ra nhu cầu mới cho các hoạt động kinh tế có giá trị gia tăng cao hơn.
Với những thách thức này, Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng, tùy thuộc vào các tác nhân kinh tế gồm chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động để thúc đẩy CMCN 4.0 để định hình tương lai tốt hơn cho doanh nghiệp, người lao động, xã hội. Đồng thời, Việt Nam cần giải quyết vấn đề nhu cầu cần đủ số lượng lực lượng lao động có trình độ vì nó đã trở thành một trong những nút thắt lớn cho sự phát triển của Việt Nam. Đây là một thách thức mà nhiều nước ngày nay có mức thu nhập trung bình hoặc cao như Hàn Quốc và Nhật Bản đã trải qua trong vài thập kỷ trước. Và Việt Nam phải nỗ lực vượt qua nếu muốn trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và tránh bẫy thu nhập trung bình. “Tôi tin rằng, Việt Nam có thể làm được và có nhiều cách để đạt được điều đó”.
Và một trong những lợi thế để giải quyết vấn đề đó chính là tác động từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Chính phủ Việt Nam đã đàm phán và đạt được.
Trong đó, về lao động, vấn đề hiện hữu được coi là cơ hội và thách thức nổi bật chính là đa công đoàn.
Tháng 10/2019, Quốc hội Việt Nam dự kiến sẽ thông qua Bộ Luật Lao động sửa đổi, điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội và thách thức mới cho các doanh nghiệp. Một trong những thách thức lớn đó là điều chỉnh quản lỷ nguồn nhân lực của doanh nghiệp đối với hệ thống quan hệ lao động mới, vì các tổ chức đại diện của người lao động ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam sẽ xuất hiện. “Điều này là mới và đầy thách thức, nhưng nó sẽ cung cấp cơ hội rất quan trọng cho các doanh nghiệp cải tiến phương thức quản lý nhân sự của mình để có năng suất tốt hơn, nơi làm việc hấp dẫn hơn, là chìa khóa cho khả năng cạnh tranh không chỉ của doanh nghiệp tư nhân mà của cả toàn nền kinh tế”, ông Lee phân tích.
Ở góc độ cá nhân là chuyên gia tư vấn về lao động, việc làm ông Chang Hee Lee cho rằng, công đoàn Việt Nam cần phát huy vai trò và lợi thế của mình để tạo ra lực lượng lao động có kỹ năng nghề cao thông qua hoạt động hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, ví dụ như có thể thành lập hội đồng kỹ năng nghề.
Mặc dù còn nhiều thách thức, tuy nhiên, Giám đốc ILO tại Việt Nam – ông Chang Hee Lee lại bày tỏ sự lạc quan và tin tưởng Việt Nam sẽ thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế đã đặt ra. “Việt Nam đang có cơ hội vàng để thúc đẩy kinh tế phát triển và hướng tới đất nước có thu nhập trung bình cao. Mặc dù cuộc chiến thương mại Mỹ Trung và nhiều cuộc chiến thương mại khác giữa các nền kinh tế liên tục diễn ra và phức tạp trong năm 2019 và sắp tới, nó ảnh hưởng đến hầu hết các quốc gia, thì nền kinh tế Việt Nam vẫn phát triển mạnh mẽ nhờ khả năng ngoại giao xuất sắc, hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng hơn thông qua các Hiệp định Thương mại tự do mà chính phủ Viêt Nam đã đạt được như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) và trên hết là cam kết của tất cả người dân Việt Nam nhằm tạo ra tương lai tốt hơn”, ông Chang Hee Lee nhận định.