Kinh tế vùng Tây Nguyên phát triển tích cực
Năm 2017, kinh tế vùng Tây Nguyên có bước phát triển đột phá. Cân đối thu-chi ngân sách toàn vùng tăng; giảm áp lực dựa vào ngân sách hỗ trợ từ Trung ương. Đời sống nhân dân, nhất là bà con vùng dân tộc thiểu số tiếp tục được cải thiện...
Bước đột phá trên nhiều lĩnh vực
Đánh giá tổng quan cho thấy, năm 2017, kinh tế vùng Tây Nguyên tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng khu vực công nghiệp-xây dựng, du lịch và dịch vụ. Trên lĩnh vực nông nghiệp đã tạo bước đột phá lớn, các tỉnh trong vùng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao (CNC), tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế. Đi đầu trong ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp là tỉnh Lâm Đồng. Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 50.000ha đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, thu hút 1.400 doanh nghiệp tham gia, đạt thu nhập bình quân hằng năm 300 triệu đồng/ha; nhiều diện tích đạt 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha; cá biệt có nơi thu từ 8 đến 24 tỷ đồng/ha. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng như Đắc Nông, nhưng nhờ việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp, năm 2017 vừa qua, thu nhập bình quân từ sản xuất 230.000ha đất nông nghiệp đã đạt hơn 75 triệu đồng/ha. Sản xuất nông nghiệp góp phần quan trọng để năm 2017 Đắc Nông đạt mức tăng trưởng kinh tế 9,47%, cao nhất vùng Tây Nguyên. Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắc Nông cho biết: “Bức tranh kinh tế, trong đó có kinh tế nông nghiệp và nông thôn của Đắc Nông phát triển khá toàn diện. Tăng trưởng trên lĩnh vực nông nghiệp đạt hơn 6%. Các chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới đều đạt kế hoạch đề ra”.
Trên lĩnh vực du lịch và dịch vụ, với sự liên kết vùng, năm 2017 vừa qua, tổng doanh thu từ du lịch và dịch vụ đạt 61.758 tỷ đồng, chiếm 37% GRDP toàn vùng. Tiêu biểu trong phát triển du lịch là tỉnh Lâm Đồng, toàn tỉnh thu hút 5,9 triệu lượt khách, tăng 8,7%; trong đó có 400.000 lượt khách quốc tế, tăng 35,6% so với năm 2016. Doanh thu từ du lịch, dịch vụ góp phần quan trọng vào thu ngân sách và nâng thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Lâm Đồng trong năm 2017 lên 45,2 triệu đồng, cao nhất vùng Tây Nguyên.
Bài học kinh nghiệm trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Năm 2017, toàn vùng có 32.656 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 21,62%, với tổng vốn đăng ký 20.370 tỷ đồng, tăng 17,98%; thu hút 235 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 103.357 tỷ đồng, tăng gần 203%, 9 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn 109,9 triệu USD.
Có thể nói, năm 2017 kinh tế vùng Tây Nguyên đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đánh dấu sự phát triển toàn diện. Nhờ vậy, tăng trưởng GRDP toàn vùng đạt 8,09%; thu nhập bình quân đầu người 41,6 triệu đồng; thu ngân sách tăng và vượt hơn 9,1% kế hoạch. Đồng chí Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắc cho biết: “Sau nhiều năm không hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, năm 2017 tổng thu ngân sách tỉnh Đắc Lắc đạt 5.145 tỷ đồng, vượt 27,8% dự toán Trung ương giao và tăng gần 22% so với năm 2016”. Tại Đắc Nông, tổng thu ngân sách đạt hơn 1.850 tỷ đồng, vượt 200 tỷ đồng so với kế hoạch. Cân đối tỷ lệ thu-chi toàn vùng đã tăng lên theo hướng tích cực. Nếu như năm 2016, thu ngân sách đáp ứng 36,3% tổng chi ngân sách thì đến năm 2017, thu ngân sách đã đáp ứng 40,55% tổng chi ngân sách. Các tỉnh Tây Nguyên giảm dần áp lực dựa vào ngân sách Trung ương...
Để Tây Nguyên phát triển bền vững
Định hướng năm 2018 và những năm tiếp theo, các tỉnh Tây Nguyên xác định tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 10 của Bộ Chính trị khóa IX về “Phát triển vùng Tây Nguyên thời kỳ 2011-2020”. Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết tình hình kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên năm 2017, triển khai kế hoạch năm 2018, Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên cần khẩn trương đánh giá thực trạng sở hữu đất đai; điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, kết hợp tổ chức, sắp xếp lại nông lâm trường theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trên lĩnh vực xã hội, vùng Tây Nguyên cần nhân rộng các mô hình giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt hơn nữa chủ trương, chính sách về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; tạo điều kiện cho hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số vươn lên trong phát triển kinh tế. Thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, các tỉnh Tây Nguyên cần thường xuyên quan tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tỉnh ủy các tỉnh Tây Nguyên nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị cơ sở, trọng tâm là nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên ở những địa bàn trọng điểm, khó khăn, phức tạp; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số cấp xã trong vùng. Quán triệt và triển khai hiệu quả các nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, nhất là Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Về nhiệm vụ quốc phòng và an ninh, các tỉnh Tây Nguyên đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; hoạt động truyền đạo trái phép, lôi kéo người dân tộc thiểu số vượt biên; đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, giữ gìn trật tự và an toàn xã hội. Quan tâm củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Qua đó, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để Tây Nguyên phát triển toàn diện.
Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/kinh-te-vung-tay-nguyen-phat-trien-tich-cuc-532485