Kinh tế - xã hội Nghệ An 9 tháng đầu năm: Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng

Chiều nay 7/10/2024, UBND tỉnh Nghệ An đã tổ chức họp báo để thông báo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh quý III năm 2024.

Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: P.V

Tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng trên địa bàn tỉnh Nghệ An ước đạt 8,3%, đứng thứ 16 cả nước, thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung; cao hơn cùng kỳ năm 2023 (6,27%).

Đến tháng 9, toàn tỉnh có 320/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tương đương 77,86%; 101/320 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tương đương 31,56%; 16/320 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tương đương 5,0%; có 09 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được triển khai mạnh mẽ; hiện toàn tỉnh đã có 583 sản phẩm đạt hạng 3 sao trở lên (gồm 551 sản phẩm đạt 3 sao, 31 sản phẩm đạt 4 sao, 01 sản phẩm đạt 5 sao) và có thêm 02 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao đã hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương đánh giá, công nhận.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 10,64% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, các sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng so với cùng kỳ như: Đá xây dựng tăng 22,38%, bia các loại tăng 3,13%, sữa các loại tăng 9,1%, đường kính tăng 19,84%, sản phầm may khác tăng 9,38%, các sản phẩm linh kiện điện tử tăng mạnh so với cùng kỳ...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa 9 tháng ước đạt 83.523 tỷ đồng, tăng 23,25% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 2.326 triệu USD, tăng 32,01%. Lượng khách du lịch ước đạt 8,43 triệu lượt, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó khách lưu trú đạt 5,32 lượt, tăng 14%; doanh thu du lịch ước đạt 10.217 tỷ đồng.

Ngành Ngân hàng Nghệ An dẫn đầu về kết quả hoạt động trong khu vực Bắc Trung bộ với tổng nguồn vốn huy động ước đạt 256.856 tỷ đồng, tăng 10,55% (+24.512 tỷ đồng) so với đầu năm; tổng dư nợ toàn địa bàn ước đạt 316.849 tỷ đồng, tăng 7,1% (+21.070 tỷ đồng) so với đầu năm.

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn 9 tháng ước thực hiện 16.921 tỷ đồng, đạt 106,4% dự toán, bằng 145,4% cùng kỳ năm 2023. Chi ngân sách địa phương 9 tháng ước thực hiện 24.188 tỷ đồng, đạt 66,9% dự toán.

Đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng công trình xây dựng hệ thống điện trang trí cầu Cửa Hội; thông xe và đưa vào khai thác tạm dự án đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò (giai đoạn 2); đường giao thông nối từ Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ).

Tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công và chất lượng các dự án: Đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) - Cửa Lò (Nghệ An) đoạn từ Km7 - Km76; xây dựng tuyến đường tránh thị trấn Nam Đàn...

Ngành Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh các tuyến, nâng cao chất lượng bệnh viện; cơ bản kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm được tăng cường.

Tổ chức tổng kết năm học 2023 - 2024 và triển khai các nhiệm vụ năm học 2024 - 2025 đảm bảo yêu cầu và tiến độ. Tiếp tục giữ vững thành tích giáo dục mũi nhọn, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao (năm 2024, có 06 học sinh đoạt huy chương khu vực, quốc tế; xếp thứ 4 toàn quốc về số lượng học sinh giỏi quốc gia với 90 em đạt giải; xếp thứ 12 cả nước về kết quả thi tốt nghiệp THPT, tăng 10 bậc so với năm 2023).

Tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Đặc biệt, các ngành, các cấp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh đã tích cực vận động, ủng hộ chia sẻ để khắc phục khó khăn với đồng bào các tỉnh phía Bắc do ảnh hưởng của bão số 3.

Hoạt động kết nối cung - cầu lao động tiếp tục được tăng cường; 9 tháng đầu năm, ước tính toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 41.500 người, đạt 88,3% kế hoạch, tăng 6,12% so với cùng kỳ; trong đó đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 14.800 người...

Công tác quản lý điều hành của các ngành, địa phương được thực hiện quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm hơn; công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo và có những chuyển biến tích cực; ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ bản được nâng cao. Kết quả xếp hạng một số chỉ số cải cách hành chính được cải thiện (chỉ số cải cách hành chính (Par-Index) xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ, tăng 1 bậc so với năm 2022; chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 12/63 tỉnh, thành trong cả nước, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ, tăng 2 bậc so với năm 2022).

Việc triển khai Đề án số 06/CP của Chính phủ tiếp tục được chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Tại Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ các “điểm nghẽn” Đề án 06 (tháng 6/2024), Nghệ An là một trong các tỉnh, thành được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao, biểu dương, là địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong triển khai Đề án.

Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm; triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại. Công tác thanh tra tiếp tục được triển khai hiệu quả theo kế hoạch.

Để hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, tỉnh Nghệ An sẽ tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp như: Tập trung chỉ đạo chuẩn bị các nội dung bảo đảm các điều kiện để kịp thời triển khai Kế hoạch số 737/KH-UBND ngày 27/9/2024 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 137/2024/QH15 của Quốc hội về bổ sung thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện tại Quyết định số 625/QĐ-TTg ngày 11/7/2024).

Các cấp, các ngành triển khai công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

Tiếp tục chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nghị quyết, kết luận của Quốc hội, Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện phát triển kinh tế - xã hội; tập trung khắc phục khó khăn, hạn chế, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội, bám sát kịch bản tăng trưởng, quyết tâm phấn đấu hoàn thành và đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch năm 2024 đã đề ra; tiếp tục rà soát các sản phẩm còn dư địa nhằm bù đắp các sản phẩm thiếu hụt; thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ nông sản; thúc đẩy, khuyến khích tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hóa sản xuất tại địa phương và các hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp để tăng tốc, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ thực hiện công trình trọng điểm trên địa bàn.

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách Nhà nước.

Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện và nâng cao thứ hạng các chỉ số năng lực cạnh tranh.

Phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài nguyên, môi trường.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số đảm bảo có sự chuyển biến tích cực, rõ nét; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Tiếp tục triển khai quyết liệt Đề án 06 của Chính phủ, tạo sự chuyển biến thực chất trong việc cung cấp dịch vụ công.

Tiếp tục hoàn thiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2025 trình các cấp có thẩm quyền đảm bảo chất lượng, tiến độ.

Đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn.

Thực hiện có hiệu quả hoạt động đối ngoại theo kế hoạch đã đề ra...

Hoàng Kiểm

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/kinh-te-xa-hoi-cua-tinh-nghe-an-9-thang-dau-nam-2024-tiep-tuc-duy-tri-duoc-da-tang-truong-dat-ket-qua-tich-cuc-a26934.html