Kinh tế xã hội tháng 1/2025 đạt nhiều chỉ số tích cực

Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025 diễn ra chiều 5/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, dù số ngày làm việc trong tháng 1 ít hơn cùng kỳ năm ngoái do có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) tháng 1/2025 tiếp tục phục hồi tích cực với nhiều kết quả quan trọng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025. Ảnh: VGP

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025. Ảnh: VGP

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2025 tăng 3,63% so với cùng kỳ; lạm phát cơ bản tăng 3,07%. Thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối tương đối ổn định, kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Đến ngày 20/1, huy động vốn giảm 0,43%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 0,08% so với cuối năm 2024.

Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 1/2025 ước đạt 275,9 nghìn tỷ đồng, đạt 14% dự toán, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Tổng chi NSNN ước đạt 134,4 nghìn tỷ đồng, bằng 5,3% dự toán và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký hơn 4,3 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ; vốn thực hiện trên 1,5 tỷ USD, tăng 2%. Hàng hóa xuất nhập khẩu được thông suốt, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó xuất khẩu giảm 4,3%, nhập khẩu giảm 2,6%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu khoảng 3 tỷ USD.

Đồng thời, hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng trưởng tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1/2025 tăng 0,6% so với cùng kỳ do có số ngày làm việc ít hơn năm trước (tháng Tết năm 2024 giảm 6,8%). Khu vực dịch vụ tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 9,5% so với cùng kỳ.

"Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đầu năm đạt gần 10,7 nghìn doanh nghiệp, giảm 30,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong khi đó, có gần 22,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm trước. Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép", Người phát ngôn của Chính phủ cho biết.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, các thành viên Chính phủ thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức nổi lên, cần ứng phó là: Sức ép điều hành kinh tế vĩ mô, lạm phát, tỷ giá, lãi suất lớn; cạnh tranh chiến lược gay gắt; tác động, ảnh hưởng của các chính sách của các nền kinh tế lớn; giải ngân đầu tư công còn chậm, chưa có chuyển biến rõ nét; tăng trưởng trong một số lĩnh vực có lúc, có nơi chưa bền vững; hoạt động sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn nhiều khó khăn; đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn,…

Do vậy, theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt với khí thế mới, xung lực mới ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2025.

Đó là: Tiếp tục hoàn thiện thể chế với tinh thần là "đột phá của đột phá"; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số; khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật không còn phù hợp, chồng chéo theo hướng vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, ở cấp nào thì cấp đó chủ động đề xuất, sửa đổi, hoàn thiện.

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW. Chú trọng thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57 về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Quốc gia.

“Tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tập trung làm mới các động lực truyền thống, thúc đẩy các động lực mới. Cụ thể về đầu tư, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu Quốc gia ngay từ đầu năm, nhất là các dự án giao thông chiến lược, sân bay, cảng biển, đường cao tốc, dự án liên vùng, liên tỉnh; tăng cường xúc tiến, thu hút dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là các ngành chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn, hydrogen...”, Bộ trưởng Trần Văn Sơn cho biết.

Về xuất khẩu, thúc đẩy thương mại hài hòa, mở rộng thị trường xuất khẩu, tập trung đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Khai thác hiệu quả các FTA đã ký kết, các thị trường mới, tiềm năng.

Về tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Đẩy mạnh cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"; triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế; thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả, thực chất các động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy các ngành, lĩnh vực mới nổi như: Dữ liệu lớn, điện toán đám mây, quang điện tử, công nghiệp Internet, Internet vạn vật, công nghiệp y sinh học, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí...

Thực hiện tốt các biện pháp tăng trưởng tín dụng (phấn đấu trên 16%), hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng các lĩnh vực rủi ro cao; phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

“Khẩn trương hướng dẫn, phấn đấu tiết kiệm thêm khoảng 10% chi thường xuyên năm 2025 so với dự toán năm 2024 để bổ sung đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; triển khai hiệu quả công tác thu NSNN, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời,…; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân, doanh nghiệp”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết.

Minh Phương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/kinh-te-xa-hoi-thang-12025-dat-nhieu-chi-so-tich-cuc-20250205171158890.htm