Kinh tế xanh - lộ trình phát triển bền vững của doanh nghiệp Việt

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khẳng định phát triền kinh tế xanh, bền vững không chỉ là xu thế doanh nghiệp Việt hướng tới mà là lộ trình tất yếu trong hoạt động kinh tế toàn cầu hóa, phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước quan tâm thúc đẩy.

Điện mặt trời sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam. Ảnh: TL

Điện mặt trời sẽ góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam. Ảnh: TL

Thách thức bài toán kinh tế trong phát triển xanh

Lễ công bố Top 100 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2023 và tọa đàm, với chủ đề “Phát triển xanh – Cách tiếp cận cho các thương hiệu Việt”, diễn ra ngày 15/8 tại Hà Nội. Tại đây, các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách và đông đảo lãnh đạo các doanh nghiệp (DN) lớn tại Việt Nam đều có chung nhận định, thách thức đòi hỏi DN Việt hiện nay là phải thay đổi tư duy, nắm bắt cơ hội để đầu tư cho kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo hướng bền vững nếu không muốn tụt hậu với thế giới.

Ông Alex Haigh - Giám đốc Điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Brand Finance, công ty định giá thương hiệu hàng đầu thế giới, khẳng định hiện quan điểm của người tiêu dùng là ủng hộ những sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Đây cũng là định hướng để các DN có định hướng trong phát triển của mình.

Các hoạt động đầu tư vào môi trường bền vững sẽ mang lại một số giá trị nhất định cho DN, khi DN làm tốt công tác bảo vệ môi trường thì người tiêu dùng đánh giá cao DN đó và ủng hộ sản phẩm đó nhiều hơn. “Phát triển xanh không chỉ đơn thuần là một xu hướng mà đang trở thành một yếu tố cấp thiết và bắt buộc trong ngành kinh doanh trên toàn thế giới hiện nay”- ông Alex Haigh nhấn mạnh.

 Thực tế cho thấy phát triển xanh đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Với những thách thức về môi trường và xã hội ngày càng gia tăng đó, việc xây dựng một hình ảnh thương hiệu có trách nhiệm và bền vững trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI

Thực tế cho thấy phát triển xanh đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Với những thách thức về môi trường và xã hội ngày càng gia tăng đó, việc xây dựng một hình ảnh thương hiệu có trách nhiệm và bền vững trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI

Nhìn từ góc độ quản lý, ông Hoàng Minh Chiến – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), chia sẻ: "Trước tình trạng biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng do hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, thế giới hiện đang chuyển hướng sang tiêu dùng xanh, phát triển xanh, thực hiện kinh tế tuần hoàn. Do đó, DN cần hướng tới sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính và thực hiện trách nhiệm xã hội".

Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Chiến cũng cho rằng, việc chuyển đổi xanh, bền vững tại nước ta còn gặp nhiều thách thức, từ tư duy đến nguồn lực tài chính cho chuyển đổi sản xuất, kinh doanh.

DN Việt Nam chiếm đến 98% là DN nhỏ và vừa. Hầu hết các DN nhỏ và vừa chủ yếu dừng lại ở mức độ cân nhắc chứ chưa có bước triển khai toàn diện hoặc có tính đầu tư lớn cho chuyển đổi xanh.

Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có đến 70% DN chưa hiểu rõ thế nào là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng như lợi ích mang lại từ hoạt động trên. 83% DN cho rằng, phát triển bền vững giúp DN nâng cao uy tín, thương hiệu. 57% DN nhận thấy sự cần thiết phải hướng tới phát triển bền vững, đặc biệt là các DN có sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như EU, Nhật, Mỹ.

Đây là những thách thức, trở ngại lớn đối với DN trên bước đường chuyển đổi sản xuất xanh, bền vững mặc dù trong những năm gần đây, tăng trưởng xanh và chuyển dịch xanh đã trở thành ưu tiên trọng điểm trong phát triển kinh tế được Đảng, Chính phủ quan tâm tạo mọi ưu tiên.

Chuyển hóa từ tư duy đến hành động

Tại tọa đàm, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo DN đều cho rằng, phát triển xanh cần thay đổi tư duy về phát triển xanh, phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI chia sẻ, có không ít DN, nhất là DN nhỏ và vừa (do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan) vẫn coi phát triển xanh là gánh nặng, mà chưa coi đây là lộ trình tất yếu trong hoạt động kinh tế toàn cầu hóa.

Phát triển xanh gia tăng cơ hội tận dụng ưu đãi từ FTA

Ở góc độ đại diện cơ quan nhà nước, ông Hoàng Minh Chiến cho rằng, doanh nghiệp (DN) cần chủ động thực hiện kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đây là cơ hội, tiêu chuẩn để DN tận dụng các ưu đãi của các FTA, nhất là FTA thế hệ mới. Tuy nhiên, DN cần phải đáp ứng một số tiêu chí mà các FTA cũng như thị trường quốc tế đặt ra nếu như không muốn đứng ngoài "cuộc chơi”. Trong chương trình bình chọn thương hiệu quốc gia hàng năm, tiêu chí phát triển bền vững, phát triển xanh là ưu tiên hàng đầu.

Đồng thuận quan điểm nêu trên, theo ông Alex Haigh - Giám đốc Điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Brand Finance, DN Việt cũng không đứng ngoài xu thế này. Thực tế cho thấy, phát triển xanh đã và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cả về kinh tế lẫn những giá trị vô hình, giúp DN tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào quá trình toàn cầu hóa.

Với những thách thức về môi trường và xã hội ngày càng gia tăng, việc xây dựng một hình ảnh thương hiệu có trách nhiệm và bền vững trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Ở góc độ DN, ông Lại Tiến Mạnh - Giám đốc điều hành Công ty CP Mibrand Việt Nam, nêu giải pháp: có nhiều cách tiếp cận và cách thực hiện phát triển xanh, những hành động dù nhỏ vẫn đi theo tiêu chuẩn của phát triển bền vững bao gồm tiết kiệm năng lượng, sử dụng sản phẩm tái chế, giảm thiểu chất thải… Điều đó cho thấy, phát triển xanh phải bắt nguồn từ tư duy, từ mong muốn chính bản thân DN. Từ những tư duy đó dần hành động cụ thể, phù hợp với khả năng. Đây là bước đi đầu tiên trên con đường phát triển xanh.

Doanh nghiệp đầu tư 9 tỷ USD cho tăng trưởng xanh

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thống kê đến tháng 4/2023, cộng đồng DN FDI và DN trong nước đã đầu tư khoảng 9 tỷ USD trong các lĩnh vực liên quan đến tăng trưởng xanh, phát triển xanh như: năng lượng tái tạo, đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho kinh tế xanh. Con số này chiếm khoảng 2% GDP và bình quân tăng trưởng trong suốt 2 năm vừa qua đạt mức 10 - 13%.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện nay tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đang là yêu cầu tất yếu, không thể thiếu và là xu thế chung mà tất cả các quốc gia trên thế giới đều mong muốn đạt tới, trong đó có Việt Nam.

Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt với các mục tiêu chính, cụ thể: giảm cường độ phát thải nhà kính trên GDP, xanh hóa các ngành kinh tế, lối sống và tiêu dùng bền vững song song với việc đạt được thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội.

Cộng đồng DN đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh và đã quan tâm hơn đến đầu tư cho hoạt động này. Tuy nhiên, tăng trưởng xanh cần có lộ trình phù hợp, tính đến điều kiện và năng lực khác nhau, tính khả thi của từng vùng miền, địa phương và DN.

Hải Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-xanh-lo-trinh-phat-trien-ben-vung-cua-doanh-nghiep-viet-134040-134040.html