Kinh tế Xây dựng - Giao thông Đi ngược chiều: Phạm luật & nguy hiểm

TTH - Hằng ngày, tôi đi làm và chứng kiến rất nhiều người chỉ vì muốn nhanh một chút đã cố tình đi ngược chiều. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, liều lĩnh, là thói quen nguy hiểm cho cả bản thân lẫn người đi đường.

Mọi người, phương tiện cứ vô tư đi ngược chiều trên đường Lê Duẩn và Lý Thái Tổ để vào trung tâm TP. Huế nhanh hơn

Mọi người, phương tiện cứ vô tư đi ngược chiều trên đường Lê Duẩn và Lý Thái Tổ để vào trung tâm TP. Huế nhanh hơn

Trên QL1A đoạn từ cầu An Hòa đến trung tâm thị xã Hương Trà, người tham gia giao thông đúng chiều không khỏi giật mình khi bắt gặp nhiều người điều khiển phương tiện cứ vô tư đi ngược chiều, thay vì đến vị trí quay đầu xe cách chỉ chừng vài chục mét để đi đúng chiều. Khi đề cập đến lý trình của những người đi ngược chiều như trên, nhiều ý kiến tại khu vực này biện giải đi như vậy vì muốn rút ngắn quảng đường 200-300m để tiết kiệm thời gian. "Họ biết đi ngược chiều như thế là sai luật nhưng vì tiện, nhanh, nên vẫn thản nhiên" - một người dân sống cạnh khu vực cầu An Hòa phân trần.

Cửa ngõ phía bắc TP. Huế rất đông phương tiện qua lại, nhất các loại xe tải, hàng khách cở lớn chạy rầm rập cả ngày. Trong khi đó việc người, phương tiện chạy ngược chiều, chen lấn giữa những làn xe lớn không chỉ gây ra ùn tắc mà còn có nguy cơ gây tai nạn giao thông (TNGT). Thực tế đã có những vụ TNGT xảy ra ở đoạn đường này vì lý do người, phương tiện đi ngược chiều lấn làn.

Hiện nay, không khó để bắt gặp những trường hợp lưu thông ngược chiều trên các tuyến đường ở TP. Huế với lý dó rút ngắn đoạn đường, tiết kiệm thời gian. Đơn cử ở đường Đống Đa (điểm đầu ngã tư Đống Đa - Lý Thường Kiệt) hễ vào giờ cao điểm các bậc phụ huynh vô tư đi ngược chiều, chạy dọc theo hông khách sạn ÊMM (Khách sạn Festival trước đây) dài hơn 100m chỉ để rút ngắn thời gian khoảng cách đến cổng Trường THCS Nguyễn Chí Diểu đón con. Thay vì có ý thức đi đúng làn đường, đảm bảo ATGT, họ phải đi vòng sang làn đối diện hướng đến ngã 4 giao với đường Lê Hồng Phong khoảng 200m để quay đầu trở lại khu vực cổng trường. Thế nhưng vì tiện, rút ngắn quãng đường họ đã làm xung đột, ùn tắc giao thông của phương tiện đi thuận chiều ở đoạn đường này, nguy cơ TNGT xảy ra ở đây rất cao.

Theo lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) - Trật tự, Công an TP. Huế, trên đường một chiều đã lắp đặt các biển “Cấm đi ngược chiều”, nếu chủ phương tiện lưu thông ngược chiều sẽ là chướng ngại với các đối tượng tham gia giao thông khác và rất dễ gây va chạm, thậm chí xảy ra tai nạn. Vì vậy, người điều khiển xe cần chấp hành theo biển báo hiệu. Tuy nhiên ý thức việc chấp hành của người dân điều khiển phương tiện hiện nay chưa cao. Đội CSGT đã phối hợp vừa tuyên truyền, một mặt xử phạt các vi phạm của phương tiện sai luật nhưng cũng chưa giảm...

Đường phố ở TP. Huế vốn nhỏ hẹp, phương tiện tham gia giao thông ngày càng gia tăng. Thời gian qua, ban ngành chức năng địa phương đã phân luồng, phân tuyến, nhưng hiện nay vẫn nhiều khúc cua, giao lộ ngã tư, ngã năm còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.

Đảm bảo ATGT là niềm vui của mọi người, mọi nhà. Luật ATGT đã có, chế tài xử phạt trường hợp vi phạm ATGT được ban, ngành chức năng địa phương triển khai. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là sự nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông đường bộ cần được mỗi người dân ý thức thực hiện tốt hơn để cùng nhau giữ cho xã hội an toàn. Đi ngược chiều có thể gây ra tai nạn cho mình và người khác, đừng để đến lúc đó hối hận thì đã muộn.

Việc xử phạt hành chính lỗi đi ngược chiều và đi vào đường có cắm biển "Cấm đi ngược chiều" được quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP) đối với xe máy từ 1 - 2 triệu đồng và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Đối với ô tô thì 4 - 8 triệu đồng và tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.

Bài, ảnh: Song Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/di-nguoc-chieu-pham-luat-nguy-hiem-a120584.html