Kinh tế Xây dựng - Giao thông Quản lý rác thải xây dựng: Khó nhiều bề - Kỳ 1: Nhức nhối nạn đổ trộm

Tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng diễn ra phổ biến ở nhiều nơi gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Thế nhưng, đó lại là chuyện 'biết rồi, khổ lắm, nói mãi…'.

UBND tỉnh đã ban hành văn bản hướng dẫn xử phạt đối với hành vi đổ rác thải xây dựng (RTXD) không đúng nơi quy định, song nhiều bãi tập kết rác tự phát vẫn cứ chình ình, gây bức xúc và ảnh hưởng đến đời sống nhiều hộ dân.

Phường An Đông tổ chức nhiều đợt ra quân hưởng ứng "Ngày Chủ nhật xanh" và thu gom rác thải xây dựng tại các tuyến đường

Phường An Đông tổ chức nhiều đợt ra quân hưởng ứng "Ngày Chủ nhật xanh" và thu gom rác thải xây dựng tại các tuyến đường

Đổ chui, khó phạt

Đang yên giấc, bỗng giật mình bởi tiếng phanh xe tải kin kít, rồi tiếng đổ vật liệu rầm rầm ở cạnh nhà. Đó là cảnh mà bà Ngô Thị Lý, phường An Tây, TP. Huế thường xuyên nghe thấy vào thời điểm 2 - 3 giờ sáng. “Nhiều đêm cả nhà vùng dậy, chạy ra chiếu đèn pin nhìn biển số xe để báo công an nhưng không kịp, đổ xong là nó chạy vù ”, bà Lý thở dài ngao ngán.

Chúng tôi làm cuộc khảo sát bỏ túi. Các tuyến đường Tản Đà (Hương Sơ), Võ Văn Kiệt (An Tây) hay các khu đô thị mới trên địa bàn phường An Đông, TP. Huế là những địa điểm thường xuyên xảy ra tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng. Thời gian đổ thường diễn ra từ 2 - 4 giờ sáng nên cho lực lượng chức năng khó khăn trong xử lý.

Chủ tịch UBND phường Hương Sơ, ông Nguyễn Văn Tài nhận định, không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, RTXD còn đe dọa tính mạng của người dân, nhất là các phương tiện giao thông. Bởi, các đối tượng thường đổ trộm vào ban đêm và các khu vực không có hệ thống điện chiếu sáng nên rất nguy hiểm nếu xe máy, xe đạp đụng vào. Vì vậy, sau khi các lực lượng đi kiểm tra phát hiện, phường đã xử phạt các chủ xe và phải khẩn trương thuê xe múc chuyển đến các bãi tập kết để đổ, rất nhiêu khê.

Theo ông Tài, từ đầu năm đến nay, phường đã tổ chức nhiều đợt ra quân vào ban đêm, phát hiện 2 chủ xe tải vận chuyển RTXD từ các nơi khác đến tập kết trên đường Tản Đà và xử phạt 6 triệu đồng. Đó chỉ là giải pháp răn đe, còn về lâu dài, thành phố cần quy hoạch điểm tập kết khu vực phía Bắc, vì điểm tập kết ở khu vực phía Nam nằm khá xa các khu dân cư Bắc sông Hương nên để giảm bớt chi phí vận chuyển, người dân đã đổ trộm. Mặt khác, do các tuyến đường trên địa bàn phường chưa có hệ thống camera giám sát, trong khi thời gian các đối tượng đổ trộm phế thải vào ban đêm nên việc xử phạt là rất khó.

Tại các phường Tứ Hạ, Hương Vân, Hương Chữ (TX. Hương Trà), dọc theo các tuyến đường Lê Thái Tổ, Đặng Vinh và một số bãi đất trống nằm trong khu dân cư đang hình thành những bãi tập kết RTXD gây cản trở giao thông và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Trưởng phòng Quản lý đô thị TX. Hương Trà Nguyễn Ngọc Linh nhìn nhận, đổ trộm RTXD là thực trạng chung lâu nay tại các địa phương do chưa quy hoạch điểm tập kết. Hiện, thị xã đang chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để xử lý vi phạm, song đa số các đối tượng đều đổ trộm vào ban đêm và các khu vực vắng vẻ nên rất khó phát hiện. Trước mắt, chỉ biết hướng dẫn cho các hộ dân tập kết tạm thời tại các bãi đất trống, sau đó tổ chức san lấp.

Rác thải xây dựng do người dân “đổ trộm” nằm trên khu đất trống đường Võ Văn Kiệt, phường An Tây, TP. Huế

Rác thải xây dựng do người dân “đổ trộm” nằm trên khu đất trống đường Võ Văn Kiệt, phường An Tây, TP. Huế

Đổ trộm để trốn phí

Sau khi điểm quy hoạch tạm thời tập kết RTXD ở đường Võ Văn Kiệt, phường An Tây phải đóng cửa để xử lý vì quá tải, tháng 11/2017 UBND TP. Huế quy hoạch điểm thu gom, tập kết RTXD tại khu đất kênh đào sông Hương ở phường An Tây và giao cho Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế tổ chức quản lý, vận hành.

Điểm tập kết có quy mô 50.000 m3, tương đương trên 67.000 tấn RTXD, trong đó đơn giá dịch vụ được niêm yết công khai để người dân theo dõi, phí tập kết ban ngày là 20.818 đồng/tấn, ban đêm là 24.519 đồng/tấn. Hiện, mỗi ngày thành phố có khoảng 50 tấn RTXD từ các công trình, trong khi điểm tập kết kênh đào sông Hương chỉ tiếp nhận vài tấn/ngày.

Nhân viên quản lý điểm tập kết, ông Trần Minh Hoàng cho biết, dù công ty bố trí nhân viên túc trực 24/24 để hỗ trợ, hướng dẫn người dân đổ RTXD, song từ khi quy hoạch bãi đổ đến nay, rất ít người dân hay các phương tiện vận tải đến đổ vì sợ tốn phí, trong khi các khu vực xung quanh địa điểm này khối lượng RTXD do người dân đổ trộm cứ nhiều lên từng ngày.

Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Huế, ông Trần Quốc Khánh trăn trở, trước đây, người dân đổ RTXD ở các tuyến đường, khu dân cư vì cho rằng, thành phố không có bãi đổ, nay thành phố đã quy hoạch bãi đổ thì lại đi “đổ trộm”. Họ sợ tốn phí, trong khi đơn giá dịch vụ thành phố quy định khá thấp, trên 20 ngàn đồng/tấn. Trong khi đó, quy định quản lý và xử lý vi phạm UBND tỉnh giao cho chính quyền địa phương nơi xảy ra tình trạng đổ trộm nên lâu nay rất ít trường hợp bị xử phạt, đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng RTXD tồn tại khắp nơi trong tỉnh.

Mặc dù UBND tỉnh có hướng dẫn xử phạt nhưng rất khó, vì chỉ trông chờ thông qua hệ thống camera, trong khi các đối tượng đổ trộm chọn nơi vắng vẻ, không có đèn đường và camera và đổ vào đêm khuya. Mặt khác, nhiều địa phương chưa thực sự quyết liệt trong việc tuần tra kiểm soát mà chủ yếu là theo phong trào nên công tác xử lý các đối tượng đổ trộm RTXD chưa thực sự hiệu quả.

Ngày 21/6/2019, UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện xử phạt hành chính các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, trong đó các mức xử phạt từ 300.000 đồng - 15 triệu đồng tùy theo từng hành vi vi phạm. Trong đó, quy trình xác minh, xử phạt bao gồm trực tiếp phát hiện, thông qua các thiết bị ghi nhận hình ảnh và thông tin phản ánh của người dân.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Kỳ II: Tận thu để bảo vệ môi trường

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/quan-ly-rac-thai-xay-dung-kho-nhieu-be-ky-1-nhuc-nhoi-nan-do-trom-a78484.html