Kinh tế Xây dựng - Giao thông Quan trọng nhất là mở rộng không gian đô thị

Có nghĩa là Huế đã từng được mở rộng địa giới hành chính, nhưng không gian đô thị hầu như không có sự thay đổi.

Không gian phía nam TP. Huế đang được phát triển. Ảnh: TH

Thập niên 1980, thành phố Huế đã có rừng và biển. Phía tây cũng đã lên đến Bình Điền, phía đông ôm trọn Thuận An, từ cửa ngõ phía nam về Sân bay Phú Bài chưa tới 10 km. Gọi là thành phố nhưng các xã vùng ven hồi đó vẫn chỉ là những xã thuần nông, hay thuần ngư, rồi nhanh chóng được trả trở về lại các huyện Hương Thủy, Phú Vang, Hương Trà.

Có nghĩa là Huế đã từng được mở rộng địa giới hành chính, nhưng không gian đô thị hầu như không có sự thay đổi. Đến nay, định hướng xây dựng thành phố Huế trong tương lai vẫn chưa thật rõ ràng.

Quy hoạch tổng thể đã qua nhiều lần thay đổi. Nhiều khu vực, nhiều tuyến đường chưa có quy hoạch chi tiết…

Khi một thành phố được mở rộng ít nhất phải có định hướng phát triển không gian – mô hình kiến trúc đô thị. Dựa vào đặc điểm địa lý – địa hình và tài nguyên của Huế, tôi nghĩ Huế phải là một tổ hợp đô thị.

Theo đó, khoanh lại khu vực trung tâm, hạn chế tối đa xây dựng cơ bản để tập trung cho bảo tồn - phát triển đô thị di sản đã hình thành qua nhiều thế kỷ.

Khu vực phía tây bao gồm những cụm đô thị di sản gắn với hệ lăng tẩm, danh lam cổ tự. Xen kẽ là những khu phố tây tựa như thành phố Đà Lạt thu nhỏ. Phía đông phát huy lợi thế của hệ đầm phá, sông ngòi, cồn bãi, rừng ngập mặn của vùng Huế. Làm sống lại những không gian phố cổ Bao Vinh, cảng thị Thanh Hà, cảng cá Thuận An, thành cổ Hóa Châu, Trấn Hải Thành…

Đôi bờ hạ lưu sông Hương, sông Bồ giàu trầm tích văn hóa, được kết nối với phá Tam Giang - biển bạc - đồng xanh sẽ tạo thành một đô thị với nhiều đặc thù: kinh tế du lịch, kinh tế thủy hải sản gắn với một vùng kinh tế nông nghiệp hậu cần cho cả Huế cũ và Huế mới.

Phía nam sẽ là một thành phố hiện đại, kết nối với Sân bay Phú Bài, các khu công nghiệp trên địa bàn thị xã Hương Thủy. Đây là một Huế mới để không làm ảnh hưởng đến Huế cổ.

Mọi hướng phát triển của các khu đô thị mới đều phải gắn với bảo tồn phát huy các giá trị di sản vốn có và chung sống hài hòa với thiên nhiên; gìn giữ tài nguyên thiên nhiên với các giá trị phong thủy, mỹ thuật và sinh thái.

Tôi đã từng nghe nói, và từng thấy người ta xây dựng các đô thị vệ tinh theo mô hình “nông trại đô thị”, mô hình “phố giữa làng”. Có thể những mô hình này sẽ thay thế cho “nông thôn mới” giữa lòng thành phố. Từng bước, những mô hình này sẽ trở thành những “thị trấn yên tĩnh”, những thị trấn sinh thái có sự cộng hưởng với di sản và thiên nhiên.

Thanh Tùng

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/quan-trong-nhat-la-mo-rong-khong-gian-do-thi-a78911.html