Kính thực tế ảo có còn tiềm năng với báo chí hay không?
Kính thực tế ảo (VR) đã không còn được nhắc đến trong cuộc thảo luận về công nghệ của các tòa soạn những năm gần đây. Vậy liệu nó có còn tiềm năng cho ngành báo chí hay không?
Grant Townshend và Gerry Smyth của GAS Commercial, hai CEO trước đây đã tham gia vào các thử nghiệm về metaverse trong báo chí, nói rằng báo chí cần phải “nhảy vào cuộc ngay bây giờ” khi nói đến VR. “Nghề báo phải đi trước một bước. Những ai tạo ra cộng đồng của riêng họ sẽ là người chiến thắng”, họ nhấn mạnh.
Thị trường VR đang phát triển mạnh mẽ
Hai điểm chính mà các chuyên gia trên nhấn mạnh là thực tế công nghệ đang phát triển nhanh chóng nên VR không còn yêu cầu PC nữa và VR nên trở thành một trải nghiệm xã hội. Họ cho biết câu hỏi không phải là liệu VR có trở nên phổ biến hàng ngày hay không mà là “làm thế nào để làm cho nội dung của bạn trở nên thú vị”.
Kay Meseberg, người đứng đầu bộ phận đổi mới tại ARTE, một đài truyền hình châu Âu về nội dung văn hóa, đồng ý rằng VR còn lâu mới kết thúc. Meseberg nói rằng VR đã được sử dụng rất đa dạng - từ triển lãm nghệ thuật nhập vai đến sản xuất ô tô.
“Tôi đang ở Strasbourg và có bốn hoặc năm địa điểm khác nhau mà bạn có thể đến và chơi trong một giờ với kính VR. Những thứ này không tồn tại bốn hoặc năm năm trước. Ở một thành phố có 300.000 cư dân, đó là một thành công khá lớn”, anh nói.
Tuy nhiên, Meseberg cũng muốn đề cập đến “sự cường điệu quá mức”. Ví dụ: Vào năm 2016, có một nhận định phổ biến rằng tai nghe VR sẽ trở thành vật dụng phổ biến trong gia đình vào khoảng năm 2022.
Cũng trong năm đó, Guardian đã thành lập một nhóm VR và BBC đã thử nghiệm VR thông qua các dự án như 'We Wait', đưa người xem "trải nghiệm" cuộc sống của một gia đình người tị nạn vượt biên Syria. Ngay sau đó, trung tâm VR của BBC đã đóng cửa!
Vì vậy, VR đang phát triển với tốc độ chậm hơn dự đoán. Tuy nhiên, theo công ty tư vấn dữ liệu Statista, 5,41 triệu kính VR đã được bán trên toàn thế giới vào năm 2019. Con số này đã tăng lên 8,52 triệu vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng lên 14,31 triệu vào năm 2024.
Tại sao báo chí chưa tận dụng VR?
Vào tháng 3 năm nay, eMarketer, một công ty nghiên cứu thị trường, đã báo cáo ước tính có khoảng 43,4 triệu người sử dụng VR ít nhất mỗi tháng một lần ở Mỹ vào năm 2019, và tăng lên 65 triệu vào năm 2022.
Theo báo cáo Dự đoán và Xu hướng Báo chí, Truyền thông và Công nghệ năm 2023 từ Viện Nghiên cứu Báo chí của Reuters, trong khi VR đang phát triển, việc sử dụng nó trong báo chí thì không.
Báo cáo dự đoán rằng chỉ có 5% tổ chức báo chí trên toàn thế giới sẽ đầu tư nhiều tài nguyên hơn vào các ứng dụng metaverse như VR so với 72% nhà xuất bản được dự đoán sẽ đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào podcast và các ứng dụng âm thanh kỹ thuật số khác.
Vậy tại sao VR lại không phát triển tương xứng trong ngành báo chí so với các ngành khác, như game, điện ảnh và những lĩnh vực xã hội khác?
Meseberg giải thích: “Việc sử dụng VR như một phương tiện truyền thông đại chúng có những thách thức”, trong đó có việc nó thực sự không tạo ra được “niềm tin”. Một số chuyên gia truyền thông lưu ý rằng mặc dù trải nghiệm nhập vai có tiềm năng báo chí lớn, nhưng nó cũng có nguy cơ khiến khán giả bị sốc quá mức hoặc xuyên tạc câu chuyện.
Michael Madary, giáo sư triết học tại Đại học Thái Bình Dương, đồng tác giả của một bài báo có ảnh hưởng lớn và được trích dẫn rộng rãi vào năm 2016 về đạo đức của VR, cho biết có những câu hỏi về đạo đức không chỉ dành cho những người đang sử dụng VR mà còn cho những người có thể sắp sử dụng VR.
Ông nhận xét: “Đặc biệt trong lĩnh vực báo chí, có ý kiến cho rằng chúng ta đang truyền tải một sự thật, truyền tải một đối tượng của thực tế đến khán giả. Và VR mang đến cho chúng ta một cách mới để truyền tải những thông điệp đó”.
“Nhưng một điều cần lưu ý là nó thực sự không thành công như nhiều người mong đợi. Trong năm 2016 đã có rất nhiều sự cường điệu. Mọi người đều nghĩ rằng tất cả chúng ta đều sở hữu kính VR. Và điều đó giờ vẫn chưa xảy ra!”.
Hoàng Hải (theo Pressgazette, Viện Báo chí Reuters)