Kính viễn vọng chụp được thứ đe dọa đảo lộn vũ trụ học
Đó là một vật thể 'quái vật' ra đời từ khi vũ trụ của chúng ta mới được vài trăm triệu năm tuổi.
Kính viễn vọng không gian mạnh nhất thế giới James Webb vừa có cái nhìn "xuyên không" vào vũ trụ cổ đại và phát hiện một thứ gây sốc: Một thiên hà còn lớn hơn cả Milky Way (Ngân Hà).
Theo PGS Claudia Lagos từ Trung tâm Nghiên cứu thiên văn quốc tế, đồng tác giả của nghiên cứu mới, "quái vật" cổ xưa này đang đặt ra thách thức lớn đối với mô hình vũ trụ học tiêu chuẩn.
Sự tồn tại của nó, hoàn toàn vô lý!
Ngân Hà, tức thiên hà chứa Trái Đất, nằm trong nhóm thiên hà khổng lồ của vũ trụ. Nó hình thành nhờ kết quả của hàng chục vụ thiên hà sáp nhập, nuốt nhau, dần tăng trưởng thành một con quái vật lớn.
Và để làm được điều đó, cần có thời gian.
Thế nhưng thiên hà khổng lồ nói trên - mang tên ZF-UDS-7329 - sinh ra quá sớm và được quan sát khi còn rất trẻ.
Theo Live Science, các phép đo cho thấy hình ảnh mà James Webb thu được là hình ảnh về ZF-UDS-7329 của 11,5 tỉ năm trước. Các tính toán tiếp theo cho thấy thời điểm đó nó đã 1,5 tỉ tuổi, tức nó sinh ra vào thời điểm 13 tỉ năm trước.
Trong khi đó, vũ trụ khoảng hơn 13,8 tỉ tuổi.
Các nhà thiên văn học không chắc chắn khi nào các hạt sao đầu tiên bắt đầu kết tụ lại thành thiên hà, nhưng ước tính rằng nó phải diễn ra chậm rãi, ít nhất vài trăm triệu năm sau Vụ nổ Big Bang khai sinh vũ trụ.
Những "mầm non" thiên hà đầu tiên được tạo nên bởi các quần vật chất tối kết hợp với khí.
Sau 1-2 tỉ năm đầu tiên của vũ trụ, các thiên hà lùn đã đạt đến tuổi "thiếu niên", bắt đầu kết đôi, nuốt lẫn nhau để phát triển thành thiên hà lớn hơn.
ZF-UDS-7329 đã lật đổ toàn bộ lý thuyết đó.
Ngân Hà của chúng ta cũng có nguồn gốc từ vũ trụ sơ khai, tức cũng đã trải qua hàng tỉ năm để lớn dần.
ZF-UDS-7329 có thể còn "trẻ" hơn, nhưng đã đạt được kích thước lớn đến vô lý, tận 11,5 tỉ năm trước, khiến các nhà thiên văn không thể hiểu nổi làm cách nào nó đạt được điều đó.
Thậm chí vũ trụ vào thời điểm ZF-UDS-7329 sinh ra không có đủ vật chất tối để gieo mầm cho số lượng thiên hà lùn "sơ sinh" cần kết tụ để tạo ra nó.
Không chỉ vậy, thiên hà này còn là kẻ chết yểu. Dù còn rất trẻ ở thời điểm được quan sát, quá trình hình thành sao của nó đã chấm dứt.
"Điều này đẩy xa ranh giới hiểu biết của chúng ta về cách các thiên hà hình thành và phát triển" - TS Themiya Nanayakkara, đồng tác giả từ Đại học Công nghệ Swinburne (Úc) thừa nhận.
Họ hy vọng có thể tìm kiếm thêm những "quái vật" bí ẩn tương tự để xem có những cơ chế bí ẩn nào khác trong vũ trụ sơ khai giải thích được sự tồn tại của những vật thể lạ lùng này hay không.