Kính viễn vọng không gian James Webb hoàn tất quá trình triển khai tất cả thiết bị
Ngày 8/1, kính viễn vọng không gian James Webb đã mở cánh thứ hai của mặt gương, qua đó kết thúc quá trình triển khai phức tạp kéo dài hai tuần.
Đây là cột mốc quan trọng tiếp theo khẳng định thành công của kính viễn vọng lớn nhất thế giới này trong sứ mệnh nghiên cứu mọi giai đoạn của lịch sử vũ trụ.
Đội ngũ kỹ sư tại Viện Khoa học quản lý Kính viễn vọng không gian ở thành phố Baltimore, Maryland, đã reo mừng phấn khích khi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) thông báo trên Twitter rằng cánh gương cuối cùng của kính viễn vọng James Webb đã được triển khai. Thomas Zurbuchen, Phó quản trị viên ban sứ mệnh khoa học của NASA vui mừng cho biết đây là một cột mốc "đáng kinh ngạc". Theo ông, khi cánh gương cuối cùng cố định vào vị trí, kính viễn vọng James Webb sẽ được triển khai đầy đủ trong không gian, mở đường cho kỷ nguyên khám phá mới.
NASA cho biết việc triển khai đầy đủ mặt gương chính của kính viễn vọng James Webb sẽ tạo tiền đề cho nhiệm vụ tiếp theo là vận hành thử nghiệm trong 5 tháng rưỡi.
Trước đó, ngày 25/12/2021, kính viễn vọng James Webb đã được phóng lên vũ trụ bằng tên lửa đẩy Ariane 5 từ bãi phóng ở Guiana thuộc Pháp sau 3 lần trì hoãn vì nhiều lý do khác nhau. Sự kiện này đã trở thành món quà Giáng sinh thiết thực dành cho các nhà khoa học đã chờ đợi 3 thập kỷ để chứng kiến kính thiên văn lớn nhất với độ phân giải cao chưa từng có cất cánh vào không gian. Sau khi phóng khoảng 26 phút, thiết bị trị giá 9 tỷ USD, nặng hơn 6 tấn và lớn gần bằng một sân tennis này tách khỏi tên lửa để bắt đầu hành trình của mình.
Kính viễn vọng không gian James Webb là "thế hệ sau" của kính viễn vọng không gian huyền thoại Hubble. Đây là một siêu kính viễn vọng có kích thước và độ phức tạp chưa từng thấy. Phần gương của kính viễn vọng này có đường kính đến 6,5m, gấp 3 lần so với kính Hubble, được tạo thành từ 18 mảnh gương lục giác.
Do kích thước quá lớn để có thể khớp với mũi tên lửa hình nón trong thiết kế, kính thiên văn được gập lại theo phong cách xếp giấy origami khi được vận chuyển. Tuy vậy, kính thiên văn James Webb có quỹ đạo quay quanh Mặt Trời là 1,5 triệu km tính từ Trái Đất, xa hơn nhiều so với kính viễn vọng Hubble chỉ hoạt động trên quỹ đạo của Trái Đất tại độ cao khoảng 610 km kể từ năm 1990.
Giới khoa học kỳ vọng rằng thiết bị này sẽ giúp giải đáp các câu hỏi cơ bản về vũ trụ, quay ngược thời gian 13,5 tỷ năm trước. Kính thiên văn mới này cũng sẽ cung cấp thông tin mới về gần 5.000 hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời.