Kính viễn vọng Webb phát hiện 'thế giới đại dương đầu tiên được biết đến'

Theo các nhà khoa học sử dụng kính viễn vọng không gian James Webb, một hành tinh tương đối gần Trái đất có thể là hành tinh đầu tiên được phát hiện có đại dương có khả năng duy trì sự sống bên ngoài Hệ Mặt trời.

Cho đến nay, người ta đã phát hiện ra hơn 5.000 hành tinh bên ngoài Hệ Mặt trời, nhưng chỉ một số ít nằm trong "vùng Goldilocks" - vùng không quá nóng cũng không quá lạnh - có thể chứa nước, một thành phần quan trọng cho sự sống.

Ngoại hành tinh LHS 1140 b là một trong số ít ngoại hành tinh nằm trong vùng có thể sinh sống này và đã được nghiên cứu kỹ lưỡng kể từ khi được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2017. Nó cách Trái đất 48 năm ánh sáng, tương đương với hơn 450 nghìn tỷ km, tương đối gần trong khoảng cách rộng lớn của không gian.

Ngoại hành tinh này từng được cho là một hành tinh khí khổng lồ nhỏ với bầu khí quyển quá dày đặc hydro và heli để có thể duy trì sự sống ngoài hành tinh. Tuy nhiên, những quan sát mới từ kính viễn vọng Webb đã xác nhận rằng ngoại hành tinh này thực chất là một "siêu Trái đất" đá.

Theo một nghiên cứu được công bố vào ngày 10/7 trên Tạp chí Astrophysical Journal Letters, hành tinh này lớn hơn Trái đất 1,7 lần nhưng có khối lượng gấp 5,6 lần.

 Kính viễn vọng Không gian James Webb tách khỏi tên lửa Ariane 5 sau khi phóng từ Cảng vũ trụ Châu Âu vào năm 2021. Ảnh: NASA

Kính viễn vọng Không gian James Webb tách khỏi tên lửa Ariane 5 sau khi phóng từ Cảng vũ trụ Châu Âu vào năm 2021. Ảnh: NASA

Theo phân tích của kính thiên văn Webb, bầu khí quyển của hành tinh không có dấu hiệu nào của hydro hoặc heli, điều này loại trừ khả năng hành tinh này là một sao Hải Vương thu nhỏ.

Đồng tác giả nghiên cứu Martin Turbet thuộc Trung tâm nghiên cứu khoa học CNRS của Pháp cho biết hành tinh này "thực sự có lượng nước lớn". Ước tính 10 - 20% khối lượng của ngoại hành tinh này là nước. Nước này ở dạng lỏng hay dạng băng phụ thuộc vào bầu khí quyển của hành tinh.

Tác giả chính của nghiên cứu, Charles Cadieux, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Montreal, cho biết: "Trong số tất cả các ngoại hành tinh ôn đới hiện được biết đến, LHS 1140 b có thể là ngoại hành tinh có khả năng chứa nước lỏng trên bề mặt nhất".

Một điểm tích cực là hành tinh này được sưởi ấm nhẹ nhàng bởi ngôi sao lùn đỏ có kích thước bằng 20% Mặt trời. Turbet cho biết nhiệt độ bề mặt của ngoại hành tinh này khá giống với nhiệt độ trên Trái đất và sao Hỏa.

Sự hiện diện của các loại khí như carbon dioxide sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định xem hành tinh này được bao phủ bởi băng hay nước.

LHS 1140 b có một đại dương lỏng rộng lớn nơi hành tinh này tiếp xúc nhiều nhất với nhiệt từ ngôi sao của nó. Đại dương này có thể có đường kính khoảng 4.000 km, bằng khoảng một nửa diện tích bề mặt của Đại Tây Dương.

Cadieux cho biết thiết bị của Webb phát hiện ra những dấu hiệu cho thấy "sự hiện diện của nitơ", đồng thời nói thêm rằng cần phải nghiên cứu thêm để xác nhận phát hiện này.

Nitơ có mặt ở khắp mọi nơi trên Trái đất và được cho là một thành phần tiềm năng khác cho sự sống. Các nhà nghiên cứu hy vọng có thêm vài dữ liệu quý báu từ kính thiên văn Webb để tìm hiểu thêm về LHS 1140 b.

Các nhà nghiên cứu ước tính sẽ mất ít nhất một năm để xác nhận liệu ngoại hành tinh này có bầu khí quyển hay không và mất thêm 2 hoặc 3 năm nữa để phát hiện sự hiện diện của carbon dioxide.

Ngọc Ánh (theo AFP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/kinh-vien-vong-webb-phat-hien-the-gioi-dai-duong-dau-tien-duoc-biet-den-post303208.html