Kinzhal đánh trúng bãi tập 300 quân, cố vấn Ba Lan, Pháp, Mỹ thiệt mạng
Mỹ và NATO tuyên bố không cử chuyên gia quân sự tới Ukraine, trong khi Nga dùng tên lửa Kinzhal đánh trúng bãi huấn luyện 300 quân ở Yavorovsky-Liviv.
Sáng kiến của Tổng thống Pháp Macron cử huấn luyện viên NATO tới Ukraine đã không nhận được sự ủng hộ của Hoa Kỳ và ban lãnh đạo liên minh.
Ngoài Paris, chỉ có các nước vùng Baltic tuyên bố sẵn sàng cử sĩ quan chính quy trong quân đội của họ tới khu vực xung đột.
Hôm 03/6, đại diện thường trực của Hoa Kỳ tại Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) Julianne Smith cho biết, cả Washington và NATO nói chung đều không có kế hoạch cử các giảng viên hoặc cố vấn quân sự tới Ukraine.
Julianne Smith trả lời câu hỏi từ các nhà báo rằng, điều này hiện không được đưa vào chương trình thảo luận, Mỹ và các đồng minh trong NATO không xem xét việc gửi cố vấn quân sự đến Ukraine và Tổng thư ký của khối cũng không ủng hộ điều này.
Theo bình luận của truyền thông Nga, có thể đại diện thường trực của Mỹ tại NATO đã bị ảnh hưởng bởi vụ tấn công bằng tên lửa Kinzhal nhắm vào binh sĩ Ukraine và quân nhân nước ngoài tại bãi tập Yavorovsky ở vùng Lviv vào đêm 29/5.
Cuộc tấn công này được cho là đã khiến tới 300 người thiệt mạng, bao gồm cả quân nhân của Ba Lan, Pháp, Hoa Kỳ và các nước khác.
Trong bối cảnh tuyên bố kiên quyết không gửi huấn luyện viên quân sự tới Ukraine, Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đã để ngỏ khả năng cho phép Ukraine tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho biết, Kiev yêu cầu các đồng minh, trước hết là Mỹ, cho phép nước này mở rộng phạm vi sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
BBC News đưa tin, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Ukraine gọi việc dỡ bỏ các hạn chế là đúng đắn, nhưng chính quyền Kiev hy vọng sẽ nhận được toàn quyền sử dụng vũ khí của Mỹ.
Nhà Trắng cũng đã lên tiếng bình luận về sáng kiến của Kuleba, bày tỏ sẵn sàng thảo luận về việc mở rộng địa lý của các cuộc tấn công vào Liên bang Nga. Theo người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin, Hoa Kỳ đã đưa ra các khuyến nghị và xác định các mục tiêu để Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ.
Hiện tại Kiev được phép sử dụng HIMARS MLRS với loại đạn có tầm bắn lên tới 80 km để tiêu diệt các mục tiêu quân sự Nga gần biên giới khu vực Kharkov.
Hoa Kỳ hy vọng rằng một bước đi như vậy sẽ giúp Lực lượng vũ trang Ukraine ngăn chặn bước tiến của nhóm quân miền Bắc trong khu vực Volchansk và Liptsov.
Tuy nhiên, Ukraine đã lợi dụng sự cho phép nhận được bằng cách bắn hàng chục quả đạn từ HIMARS MLRS vào vùng Belgorod.
Đồng thời, chính quyền Kiev kỳ vọng Nhà Trắng sẽ cho phép sử dụng tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS có tầm bay lên tới 300 km để tấn công sâu vào lãnh thổ Liên bang Nga, nhưng Washington vẫn duy trì quan điểm mang tính nguyên tắc bất biến về vấn đề này.
Đại diện thường trực của Hoa Kỳ tại NATO Julianne Smith hôm 04/6 nhấn mạnh rằng, lệnh cấm Quân đội Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa để tấn công bên ngoài khu vực Novorossiya vẫn còn hiệu lực.