Kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp thiết từ thực tiễn
Được mời dự thính phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành hôm qua, đại diện cơ quan dân cử nhiều địa phương đánh giá Quốc hội quyết định lựa chọn chuyên đề giám sát này hết sức đúng đắn, kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc sớm tháo gỡ những 'nút thắt' trong công tác quy hoạch sẽ là cơ sở quan trọng để các địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang Nghiêm Xuân Hưởng:
Để quy hoạch thực sự là động lực cho phát triển
Quốc hội lựa chọn chuyên đề giám sát Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành hết sức thời sự, kịp thời để đánh giá toàn diện, khách quan quá trình triển khai thực hiện, đề xuất các giải pháp hữu hiệu khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Cũng như các địa phương khác trong cả nước, công tác lập quy hoạch tỉnh có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Giang. Là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Giang đặt mục tiêu phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Trong đó, đến năm 2030, Bắc Giang sẽ trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô GRDP đứng trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước và đứng đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Toàn tỉnh sẽ hình thành 29 đô thị (1 đô thị loại I, 4 đô thị loại IV, 26 thị trấn là đô thị loại V) và quy hoạch 23 khu đô thị - dịch vụ gắn với quy hoạch các khu công nghiệp, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, thể thao.
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận, để hiện thực hóa mục tiêu này là hết sức gian nan. Bởi, như các ĐBQH đã phân tích: Bức tranh quy hoạch tổng thể chưa hoàn chỉnh, chưa thực sự đi trước, "dẫn đường" cho sự phát triển; công tác quy hoạch vẫn còn nhiều khó khăn về nguồn nhân lực, nguồn vốn; khó khăn về đơn vị tư vấn… dẫn đến chất lượng quy hoạch thấp. Do đó, tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến đề nghị, Chính phủ khẩn trương ban hành quy hoạch tổng thể Quốc gia. Đây sẽ là tảng cốt lõi để bảo đảm thống nhất, đồng bộ, kết nối hệ thống quy hoạch trong cả nước.
Đối với công tác quy hoạch theo yêu cầu tích hợp, theo tôi đây là một vấn đề khó, phức tạp, đòi hỏi tư duy và tầm nhìn chiến lược cao. Do đó, cần có sự đầu tư kỹ lưỡng để quy hoạch thực sự là nền tảng mở đường cho sự phát triển.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình VÕ NGỌC KIÊN:
Tháo gỡ vướng mắc ngay từ cơ sở
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các phiên thảo luận tại kỳ họp Quốc hội ngày càng được đổi mới cả về nội dung và hình thức. Việc Quốc hội lựa chọn chủ đề thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành và dành cả 1 ngày làm việc để thảo luận, truyền hình, phát thanh trực tiếp đã cho thấy sự kịp thời, sâu sát của Quốc hội đối với một trong những vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng, nền tảng cho sự phát triển của đất nước. Qua nghe các ý kiến tại phiên thảo luận, có thể thấy, bên cạnh cơ bản đồng tình với những đánh giá trong báo cáo của Đoàn giám sát, các ĐBQH đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết đối với công tác quy hoạch hiện nay. Bởi thực tế, đây cũng là vấn đề các địa phương đang rất quan tâm; đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với Quốc hội, Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến công tác quy hoạch nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đối với Hòa Bình, trong năm 2022, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đang tích cực lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ trình Hội đồng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, việc được dự thính tại phiên thảo luận này mang đến cho chúng tôi rất nhiều thông tin hữu ích. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Luật Quy hoạch tại địa phương. Qua đó, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hoàn thiện hơn chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch; bảo đảm công tác quy hoạch được thực hiện đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và khả thi. Bởi, việc xác định thực hiện tốt quy hoạch từ Trung ương đến địa phương sẽ là cơ sở quan trọng để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Thanh Hóa ĐINH NGỌC THÚY:
Không ít khó khăn, bất cập cần sớm được tháo gỡ
Việc Quốc hội quyết định lựa chọn nội dung về thực hiện công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực vào chương trình giám sát tối cao năm 2022 hết sức đúng đắn, kịp thời, đáp ứng đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn. Bởi, từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực (năm 2017) đến nay, việc thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan quy hoạch đã đạt được nhiều kết quả quan trọng song cũng bộc lộ không ít khó khăn, bất cập cần sớm được tháo gỡ.
Trong phiên thảo luận hôm qua, Báo cáo của Đoàn giám sát cả bằng văn bản và video clip của Quốc hội đã cho thấy bức tranh tổng thể, toàn diện từ việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật đến triển khai lập, thẩm định, quyết định và phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017. Trên cơ sở đó, các ĐBQH đã đưa ra nhiều ý kiến sâu sắc, tâm huyết. Điều này thể hiện các ĐBQH đã nghiên cứu kỹ lưỡng và dành nhiều sự quan tâm đến quy hoạch - vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các ĐBQH đã rất thẳng thắn chỉ rõ những bất cập trong chất lượng quy hoạch như: Các đồ án quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn còn hình thức, thiếu đồng bộ với quy hoạch ngành liên quan; tính kế thừa, tính dự báo chưa cao; việc điều chỉnh quy hoạch không theo nhu cầu khách quan, chạy theo dự án, xa rời thực tiễn… Từ đó, đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội, Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, bảo đảm tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030.
Ở góc độ địa phương, tôi hoàn toàn đồng tình với ý kiến của một số ĐBQH cho rằng, cần tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành và địa phương trong công tác quy hoạch, nhằm tránh xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy hoạch với nhau. Tôi cũng kỳ vọng, tới đây, khi quy hoạch tổng thể quốc gia được Chính phủ phê duyệt sẽ tạo nền tảng cốt lõi để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, kết nối hệ thống quy hoạch trong cả nước.