Kịp thời giúp dân ứng phó với thiên tai

Mưa lớn trong những ngày qua khiến một số khu vực Trung Bộ ngập úng, bị chia cắt cục bộ. Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, những ngày tới, khu vực này tiếp tục có mưa rất to, lên đến trên 1.000mm cả đợt có nguy cơ rất cao lặp lại trận lụt lịch sử năm 2017. Đáng ngại nhất là khu vực từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Các đơn vị BĐBP đều sẵn sàng lực lượng, phương tiện ở mức cao nhất để kịp thời giúp đỡ người dân ứng phó với thiên tai.

Nước lũ dâng cao gây chia cắt nhiều khu vực ở Quảng Trị. Ảnh: BĐBP Quảng Trị cung cấp

Nước lũ dâng cao gây chia cắt nhiều khu vực ở Quảng Trị. Ảnh: BĐBP Quảng Trị cung cấp

Nhiều khu vực bị chia cắt, cô lập

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tỉnh Quảng Trị có mưa lớn từ tối 6-10, đến ngày 8-10 vẫn chưa ngớt mưa. Để ứng phó với thời tiết xấu, BĐBP Quảng Trị đã phối hợp với chính quyền địa phương và nhân dân thông báo, kêu gọi được 2.312 tàu/7.163 lao động về nơi tránh trú an toàn.

Thống kê chưa đầy đủ, đến sáng 8-10, mưa và gió lớn tại Quảng Trị đã làm tốc mái 1 nhà dân, 1 tàu bị chìm, 3 người mất tích (2 người đã được cứu), 2 tàu khác bị mắc cạn.

Mưa lớn gây ngập lụt trên diện rộng, nhiều khu dân cư và đồn Biên phòng bị chia cắt, cô lập. Trong đó, tuyến đường từ ngã ba Tân Long (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) đi các đồn Biên phòng: Thuận, Thanh, Ba Tầng, Ba Nang bị ngập nước, chia cắt nhiều điểm. Đường Hồ Chí Minh đi Đồn Biên phòng A Vao bị ngập tại ngầm cầu Tà Rụt thuộc xã Tà Rụt, huyện Đắkrông. Đường vào Đồn Biên phòng La Lay ngập tại ngầm A Ngo- A Bung. Do nước ngập, các Đồn Biên phòng: Thanh, Thuận, Ba Tầng, Ba Nang, A Vao và cửa khẩu La Lay bị chia cắt, cô lập.

BĐBP Quảng Trị đang duy trì 41 tổ/300 cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn giúp người dân ứng phó với mưa lũ. Trong ngày 8-10, nước sông Sê Pôn vẫn tiếp tục dâng cao. Để đảm an toàn cho người dân, từ tối 7-10, các đồn Biên phòng: cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Thanh, Thuận đã cử cán bộ xuống địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương di dời người dân sống dọc sông Sê Pôn tới nơi cao hơn. Đến sáng 8-10, 1.290 hộ/gần 4.000 người đã được di dời tới nơi an toàn. Các đơn vị vẫn đang tiếp tục rà soát, di dời những hộ dân có nguy cơ bị ngập do nước lũ tới nơi cao hơn.

Ngay trong tối 7-10, các đồn Biên phòng ở Quảng Trị đã giúp người dân sống dọc sông Sê Pôn di dời tài sản và người tới nơi cao hơn. Ảnh: CTV

Ngay trong tối 7-10, các đồn Biên phòng ở Quảng Trị đã giúp người dân sống dọc sông Sê Pôn di dời tài sản và người tới nơi cao hơn. Ảnh: CTV

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, mưa lớn từ đêm 6-10 khiến nước các sông, suối ở khu vực biên giới dâng cao gây ngập lụt, tắc đường tại 23 bản của 6 xã biên giới, cô lập cục bộ một số vùng dân cư. Trong đó, đường từ trung tâm huyện Minh Hóa đến các đồn Biên phòng: Cà Xèng, Ra Mai và nhiều xã biên giới bị lũ dâng ngập nước, gây chia cắt cục bộ. Đường vào các bản đồng bào Rục, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa có đoạn ngập sâu đến 2m rất khó khăn cho người và phương tiện qua lại. Một số đoạn ngầm thuộc địa bàn xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy bị ngập sâu hơn 1m, nước chảy xiết. Đoạn đường đi bản Tân Ly và bản Bạch Đàn thuộc xã Lâm Thủy bị sạt lở, khiến 2 bản này bị chia cắt hoàn toàn. 335 hộ/1.355 người dân xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh bị cô lập tạm thời, nhà một số hộ dân đã bị ngập, phải di chuyển lên vị trí cao hơn.

Tại địa bàn hai xã Dân Hóa và Trọng Hóa, huyện Minh Hóa có 6 điểm bị cô lập với tổng số 246 hộ/1.310 khẩu. Hiện có 7/19 hộ ở bản Bãi Dinh nước tràn vào nhà, đã được BĐBP di dời đến nơi an toàn. Hiện tại, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình chỉ đạo các đơn vị tăng cường tối đa lực lượng, phương tiện để ứng cứu người dân.

Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày đã gây sạt lở đất tại nhiều tuyến đường của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Trong đó, nhiều điểm trên các tuyến đường lên 4 xã biên giới gồm: A Xan, Ch'Ơm, Ga Ry và Tr’Hy, huyện Tây Giang đã bị sạt lở nặng, đất đá tràn xuống mặt đường, gây ra tình trạng cô lập cục bộ. Theo thống kê tại huyện Tây Giang đã tiếp tục xảy ra 24 điểm sạt lở tại các vị trí đã bị sạt lở do bão số 5 gây ra. Hiện, chính quyền địa phương đã cảnh báo người dân không đi lại qua các điểm sạt lở trong thời điểm có mưa lũ, đồng thời huy động phương tiện, lực lượng xử lý các điểm sạt lở.

Tại Quảng Trị, có nơi, nước lũ dâng cao tới 1m. Ảnh: CTV

Tại Quảng Trị, có nơi, nước lũ dâng cao tới 1m. Ảnh: CTV

Chạy đua với thời gian cứu dân

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển Thừa Thiên Huế có mưa to và sóng lớn. Lúc 13 giờ 45 phút ngày 7-10, tàu vận tải Công Thành 27 của Công ty Công Thành (Tiền Hải, Thái Bình)/11 thuyền viên, chở 4.500 tấn clinke khi đang ở cách cửa Tư Hiền về hướng Đông Bắc khoảng 3 hải lý đã bị sóng đánh chìm, các thuyền viên đã sử dụng phao rời khỏi tàu. Nhận được tin báo, BĐBP Thừa Thiên Huế đã huy động 1 phương tiện của ngư dân và điều 38 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đồn Biên phòng Vinh Hiền và Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Chân Mây tìm kiếm cứu nạn.

Đến 15 giờ, BĐBP đã phát hiện và cứu được 5 thuyền viên. Sau đó, lực lượng cứu hộ phối hợp với ngư dân địa phương tiếp tục tìm kiếm và tổ chức cứu 6 người còn lại. Trong đó, có thuyền trưởng Lê Đức Ba bị thương ở vùng mặt, chân đã được đưa về Trung tâm y tế huyện Phú Lộc để chữa trị, các thuyền viên còn lại được đưa về Đồn Biên phòng Vinh Hiền chăm sóc y tế.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế tìm kiếm các thuyền viên tàu Công Thành dọc bờ biển. Ảnh: CTV

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế tìm kiếm các thuyền viên tàu Công Thành dọc bờ biển. Ảnh: CTV

Để chủ động ứng phó với mưa lớn có khả năng kéo dài trong những ngày tới, nhất là ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi và Tây Nguyên, ngày 8-10, Bộ Tư lệnh BĐBP đã có điện yêu cầu các đơn vị duy trì nghiêm túc các ca, kíp trực sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý có hiệu quả các tình huống thiên tai, tai nạn xảy ra. Chỉ huy các đơn vị các cấp phải trực tiếp kiểm tra hệ thống kho tàng, doanh trại, công trình chiến đấu, bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ và đơn vị, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho các chốt phòng, chống dịch Covid-19 và tổ đội tuần tra biên giới, công tác ở địa bàn. Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất theo phương châm “4 tại chỗ”. Thường xuyên phối hợp với địa phương khảo sát, nắm chắc các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập úng… để kịp thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn như: Tuyên truyền, vận động di dời người, tài sản của nhân dân đến nơi an toàn, tổ chức cắm biển cảnh báo ở những nơi nguy hiểm… góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Từ ngày 8 đến 11-10-2020, trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 4-9m, hạ lưu từ 1,5-5m. Trong đó, mực nước đỉnh lũ hạ lưu các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi có khả năng lên mức báo động 2 và trên báo động 2.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kip-thoi-giup-dan-ung-pho-voi-thien-tai-post433786.html