Kịp thời, hiệu quả nhưng không xem nhẹ việc quản lý
Theo kế hoạch dự kiến từ 16/2 đến 31/3/2022, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành cuộc kiểm toán chuyên đề 'Việc quản lý, sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19'. Đây là cuộc kiểm toán đặt ra nhiều áp lực và thách thức, bởi công tác phòng, chống dịch vừa qua là hết sức cấp bách, nhiều cơ chế, chính sách ban hành khác các quy định hiện hành và chưa có tiền lệ.
Huy động gần 145.000 tỷ đồng cho phòng chống, dịch
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2021 với sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành; sự ủng hộ của các tổ chức và nhân dân trong và ngoài nước, sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, trong thời gian ngắn đã tập trung huy động được nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch gần 145 nghìn tỷ đồng; gồm: 125.450 tỷ đồng nguồn ngân sách nhà nước (NSNN); huy động đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước là 19.247 tỷ đồng…
Hàng triệu liều vắc-xin đã được tiếp nhận từ các nguồn tài trợ, hỗ trợ để kịp thời tiêm
cho người dân.
Bên cạnh đó, các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong và ngoài nước đã viện trợ, tài trợ, đóng góp và hỗ trợ nhiều trang thiết bị, vật tư y tế, kít test xét nghiệm... và đặc biệt là vắc xin phòng Covid-19. Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến hết ngày 28/12/2021, đã tiếp nhận từ các nguồn viện trợ, tài trợ là 95,1 triệu liều vắc xin, với tổng trị giá khoảng trên 12 - 13 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đã xuất cấp 141,97 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại 33 địa phương. Qua đó, về cơ bản đã đáp ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch; hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn.
Tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như kinh phí giải ngân cho công tác mua vật tư, trang thiết bị y tế còn chậm, trong khi nguồn lực phòng, chống dịch còn hạn chế. Còn xảy ra một số sai phạm trong công tác đấu thầu mua sắm phòng, chống dịch. Một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo nguồn kinh phí cho công tác phòng, chống dịch, chưa đáp ứng hỗ trợ kịp thời nhu cầu của người dân và các cơ sở y tế. Chưa có cơ chế huy động thêm các nguồn lực cho phòng, chống dịch như huy động các cơ sở y tế tư nhân tham gia, chính sách xã hội hóa nguồn lực… Việc phân định nguồn lực của trung ương và địa phương chưa thực sự rõ ràng.
Từ phía ngành Y tế, Bộ Y tế cũng cho biết đã gặp khá nhiều khó khăn, vướng mắc trong sử dụng, thanh toán, quyết toán và các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể như, tại một số thời điểm, nguồn cung một số vật tư, trang thiết bị có khó khăn, giá hàng hóa tăng cao nên các địa phương khi mua sắm không có giá tham khảo phù hợp, dễ bị quy kết là tiêu cực, tham nhũng.
Về mua sắm tập trung để đảm bảo tính thống nhất, Bộ Y tế cho biết dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường nên việc từng cơ quan, đơn vị, địa phương xác định nhu cầu về chủng loại, số lượng và thời gian mua là rất khó khăn. Nếu Bộ Y tế mua sắm tập trung thì mặt hàng đó có thể không phù hợp với nhu cầu của đơn vị. Hơn nữa, nhu cầu số lượng hàng hóa mua sắm do các đơn vị báo cáo chỉ là số ước tính, sai số cao. Do đó, Bộ Y tế đề xuất tiếp tục thực hiện mua sắm theo phương châm 4 tại chỗ, từng địa phương, đơn vị.
Khắc phục tình trạng áp dụng quy định thiếu thống nhất
Theo ông Ngô Trung Thành - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, thời gian qua các quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã tương đối đầy đủ, kịp thời, khả thi, nhiều quy định có tính dự báo cao. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, vẫn có một số vấn đề phát sinh, còn tình trạng áp dụng các quy định chưa đồng bộ, thống nhất, cần sớm được giải quyết dứt điểm, kịp thời.
Nhiều khó khăn đến nay không chỉ là khó khăn của cá nhân, tổ chức mà trở thành khó khăn chung của toàn ngành hay lĩnh vực. Nhiều chính sách được ban hành trong bối cảnh đại dịch phức tạp nên mang tính ứng phó trước mắt, có thời hạn áp dụng hạn chế, chưa có chính sách tập trung cho từng ngành, lĩnh vực cụ thể có quy mô lớn, có tính chất phục hồi dài hạn hơn là giải cứu trong ngắn hạn.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, mục tiêu cuộc kiểm toán là đánh giá việc tuân thủ pháp luật, việc ban hành các cơ chế chính sách, các khó khăn vướng mắc trong quá trình huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng chống dịch Covid-19, nhằm báo cáo kịp thời với Quốc hội, Chính phủ, thông tin kịp thời cho công luận và xã hội.
Kết quả cuộc kiểm toán sẽ đưa ra cái nhìn trung thực, khách quan, minh bạch đối với các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị cả Trung ương, địa phương; đánh giá hiệu quả, hiệu lực của các chính sách ban hành, nâng cao năng lực quản lý nhà nước; tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm công và thanh tra, kiểm tra, giám định, kiểm định chất lượng trang thiết bị y tế; phát hiện các vi phạm, hành vi lợi dụng tính khẩn cấp trong công tác phòng, chống dịch để trục lợi làm thất thoát, lãng phí NSNN và các nguồn lực khác.
Khắc phục những bất cập và khoảng trống chính sách
Ông Lê Văn Khảm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, trong quá trình sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch, yêu cầu về tính hiệu quả, kịp thời là ưu tiên hàng đầu, song cũng không xem nhẹ việc quản lý, sử dụng hợp lý, đúng quy định. Việc sử dụng không hợp lý, lãng phí hay tiêu cực cần được chú ý đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu rất lớn nhưng khó xác định số lượng cụ thể và rất cấp bách; nguồn cung khan hiếm, nhiều loại phải nhập khẩu do chưa chủ động sản xuất trong nước, giá cả tăng cao, khó kiểm soát.
Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán, kiểm tra, thanh tra sẽ nhận diện và đề xuất chính sách để khắc phục những bất cập và các khoảng trống chính sách, pháp luật hiện nay trong tổ chức thực hiện các giải pháp, trong quản trị xã hội và quản lý nhà nước liên quan đến phòng, chống dịch bệnh.