Kịp thời ngăn chặn người phụ nữ chuyển 2 tỉ đồng cho đối tượng lừa đảo

Ngày 12/6, ông Lâm Hồng Giáp – Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) – Chi nhánh Bình Thuận cho biết, cán bộ ngân hàng của đơn vị vừa phát hiện, ngăn chặn kịp thời vụ chuyển 2 tỉ đồng cho đối tượng lừa đảo...

Chị Nguyễn Thanh Trúc – Nhân viên Vietcombank – Chi nhánh Bình Thuận cho biết, 3 ngày trước, chị trực tiếp tiến hành mở tài khoản qua ứng dụng (app) cho cô T.M.H ở thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc theo yêu cầu. “Cô H. nói có nhu cầu mở và gửi vào tài khoản này 2 tỷ đồng để phục vụ kinh doanh. Quá trình làm hồ sơ, thấy cô H. mệt mỏi, lo lắng; khi hỏi thì cô nói là do bị bệnh tim. Khi hồ sơ gần hoàn tất, đến thủ tục cuối cùng để chuẩn bị chuyển tiền vào tài khoản theo yêu cầu của khách hàng, em nghi ngờ vì sợ cô H. bị lừa đảo nên tiếp tục gặng hỏi thì mới biết mật khẩu tài khoản đã được cô cung cấp cho một người khác. Biết cô H. đang bị đối tượng lừa đảo gây áp lực để chuyển tiền, em lập tức hủy bỏ yêu cầu mở tài khoản giao dịch. Vì chỉ cần tiền vào tài khoản, đối tượng biết mật khẩu sẽ chiếm quyền sử dụng ngay” – Trúc nói.

Chị Nguyễn Thanh Trúc – Nhân viên Vietcombank, người trực tiếp ngăn chặn vụ lừa đảo 2 tỉ đồng cho khách hàng.

Tờ khai đề nghị mở tài khoản của bà T.M.H tại ngân hàng.

Trao đổi với phóng viên, bà T.M.H cho hay, cuối tuần trước, bà nhận được cuộc gọi của một người tự giới thiệu là Trần Hùng - Cảnh sát phòng chống ma túy. Đối tượng này đọc cụ thể, chính xác tên, số căn cước, địa chỉ nhà của tôi. Đồng thời thông tin rằng, tôi đang nằm trong danh sách nghi ngờ có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy có tổ chức. Giám đốc, phó giám đốc, 3 nhân viên ngân hàng D.X – ngân hàng mà tôi đang gửi tiền, cùng 2 cán bộ công an đã bị bắt vì liên quan tội mua bán ma túy.
Lúc này tôi rất hoảng sợ, mất phương hướng và làm theo hướng dẫn của “Công an”. “Cảnh sát Trần Hùng” yêu cầu tôi tuyệt đối giữ bí mật, không được tiết lộ thông tin để bắt trọn ổ, phục vụ điều tra. Đồng thời hướng dẫn tôi đến ngân hàng Vietcombank để mở tài khoản, toàn bộ nội dung tin nhắn trả về từ ngân hàng phải báo ngay cho người đó nắm, kịp thời xác minh tiền trong ngân hàng từ đâu mà có”. Đối tượng này dọa nếu không làm theo hướng dẫn sẽ bị Công an bắt tạm giam 3 tháng, bị di lý ra Hà Nội để điều tra. Tiền trong tài khoản cũng bị phong tỏa. Khi làm theo hướng dẫn sẽ được “Công an” bảo đảm giữ nguyên, không thất thoát. “Qua nhiều lần bị gọi khủng bố tinh thần như vậy, tôi như bị thôi miên và làm theo hướng dẫn của đối tượng. Rất may, nhờ có sự cảnh giác của cán bộ ngân hàng mà tôi không bị lừa đảo, chứ không đã mất trắng 2 tỷ đồng mồ hôi nước mắt tích cóp cả đời” – bà H. chia sẻ.

Ông Lâm Hồng Giáp cho biết, để ngăn chặn hành vi lừa đảo, thời gian qua ngân hàng thường xuyên quán triệt, phổ biến các hình thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo bằng hình thức chuyển tiền để nhân viên, khách hàng nắm, cảnh giác. Bộ phận an ninh mạng của ngân hàng sẽ sẵn sàng phối hợp khách hàng xác minh khi phát hiện bất kỳ vụ việc nào có dấu hiệu lừa đảo. Trở lại vụ việc trên, chúng tôi rất vui vì ngăn chặn được vụ lừa đảo cả 2 tỷ đồng cho cô H. ở Ma Lâm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản đang diễn ra khá phổ biến bằng nhiều thủ đoạn, nếu không cẩn thận, cảnh giác sẽ bị “sập bẫy”. Từ đầu năm đến nay, Bình Thuận cũng xảy ra một số vụ việc tương tự. Đối tượng thường sử dụng chiêu bài giả danh Công an, Viện kiểm sát, Tòa án... để hù dọa, yêu cầu người dân thực hiện thao tác chuyển tiền theo tài khoản chỉ định để “phục vụ điều tra”. Trên thực tế, không có cơ quan chức năng nào yêu cầu người dân lập tài khoản, hoặc chuyển tiền như vậy. Cơ quan Công an khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, gửi giấy mời, giấy triệu tập gửi đến người mà cơ quan Công an muốn làm việc. Cơ quan Công an không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội, không nhận chuyển tiền qua chuyển khoản ngân hàng (internet banking).

Tháng 5/2024, Công an tỉnh có văn bản khuyến cáo, đề nghị công dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số căn cước công dân, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai qua mạng xã hội, điện thoại. Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ thông báo với Cơ quan Công an nơi gần nhất.
Trường hợp mới chuyển tiền, ngay sau đó phát hiện hoặc nghi ngờ bị lừa đào thì liên hệ ngay với ngân hàng để được hướng dẫn phong tỏa tài khoản. Công an tỉnh cũng đề nghị các ngân hàng lưu ý các trường hợp người trung, cao tuổi, phụ nữ đi chuyển tiền số lượng lớn hoặc rút số tiết kiệm với tâm lý không bình thường hoặc có biểu hiện lo sợ thì cần kiểm tra kỹ thông tin. Nếu phát hiện hoặc nghi vấn thì tạm hoãn giao dịch để làm rõ và thông báo cho Cơ quan Công an gần nhất phối hợp giải quyết....

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/kip-thoi-ngan-chan-nguoi-phu-nu-chuyen-2-ti-dong-cho-doi-tuong-lua-dao-119554.html