Kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển KT-XH

Đây là kỳ họp thường lệ đầu tiên kể từ sau khi hợp nhất, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào vận hành từ ngày 1.7.2025.

Kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khơi thông các điểm nghẽn để tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2025; tăng mức hỗ trợ cán bộ về công tác tại xã đảo Nhơn Châu; có chính sách hỗ trợ hộ chăn nuôi thiệt hại do bệnh viêm da nổi cục trên đàn gia súc… là những vấn đề được các đại biểu HÐND tỉnh đặt ra tại kỳ họp thứ 2 HÐND tỉnh Gia Lai khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, diễn ra ngày 22.7.

 Quang cảnh kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Quang cảnh kỳ họp thứ 2 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Tại kỳ họp, UBND tỉnh trình bày báo cáo đánh giá tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025. Trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen, với nhiều nhiệm vụ khó, khối lượng công việc lớn, bằng nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng DN, KT-XH 6 tháng đầu năm 2025 của tỉnh Gia Lai đạt được những kết quả tích cực trên các lĩnh vực, đáng chú ý là tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng 7,49% so với cùng kỳ.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao chỉ tiêu theo nguyên tắc “6 rõ”

Phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong 6 tháng cuối năm, toàn tỉnh cần tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp lớn, với quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm cao hơn mức bình quân cả nước; trong khi đó, cả nước đang đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm nay là trên 8%. Cùng lúc, chúng ta phải tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động mô hình chính quyền địa phương 2 cấp trên tất cả các mặt; đồng thời, tổ chức nhiều sự kiện chính trị, kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh, đặc biệt là Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 và kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước (2.9.1945 - 2.9.2025).

“Tôi đề nghị HĐND tỉnh phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện chính sách; tăng cường giám sát chuyên đề các vấn đề cử tri quan tâm, nhất là giám sát việc triển khai các dự án đầu tư công, tiến độ giải ngân, hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực; chú trọng giám sát công tác quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường; thường xuyên giám sát việc củng cố cơ sở vật chất và hoạt động của bộ máy chính quyền các xã, phường, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong mô hình chính quyền địa phương 2 cấp”.

Bí thư Tỉnh ủy HỒ QUỐC DŨNG

Theo đó, kỳ họp lần này xem xét, thảo luận và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc tổ chức thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2025, các chính sách tài chính - ngân sách, đầu tư công, phân cấp nguồn lực, cơ chế hỗ trợ cán bộ và các định hướng lớn cho giai đoạn tiếp theo, tạo cơ sở vững chắc cho công tác điều hành, quản lý của chính quyền trong thời gian tới.

“Nhiệm vụ đặt ra là vô cùng khẩn trương và nặng nề, toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở phải phối hợp đồng bộ, thông suốt, cùng một ý chí, hành động mới có thể thực hiện thắng lợi toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra”, đồng chí Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.

Trên tinh thần đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu một số nội dung trọng tâm mà HĐND, UBND tỉnh cần tập trung triển khai nhanh chóng, quyết liệt, hiệu quả. Cụ thể, cần đẩy mạnh các giải pháp thực hiện Kết luận số 123-KL/TW của Trung ương, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GRDP không thấp hơn bình quân cả nước; sớm hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khẩn trương tiến hành phân giao chỉ tiêu, nhiệm vụ, nguồn lực phát triển KT-XH cụ thể cho 77 xã, phường trên địa bàn Gia Lai (cũ) và cho các sở, ban, ngành của tỉnh trên nguyên tắc đảm bảo 6 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền”.

Bên cạnh đó, khẩn trương phối hợp rà soát toàn bộ các nghị quyết, cơ chế, chính sách đã được HĐND tỉnh Gia Lai và Bình Định trước đây ban hành để đánh giá tính pháp lý, hiệu lực và khả thi trong bối cảnh tổ chức bộ máy và không gian hành chính mới. Kịp thời hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các nghị quyết thay thế, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, không để xảy ra tình trạng chồng chéo, một tỉnh hai chính sách hoặc khoảng trống pháp lý, gây gián đoạn, bất cập trong triển khai nhiệm vụ, nhất là trong phát triển KT-XH, quản lý ngân sách, đầu tư công và an sinh xã hội.

Tăng cường phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho cấp xã, đi đôi với phân bổ nguồn lực hợp lý. UBND tỉnh khẩn trương rà soát, xây dựng phương án xử lý tài sản công, cơ sở vật chất sau sắp xếp, ưu tiên chuyển đổi công năng phục vụ các lĩnh vực thiết yếu (y tế, giáo dục, phục vụ cộng đồng…). Đồng thời, chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc thành lập Ban quản lý dự án cấp xã tại các địa phương đủ điều kiện, từng bước trao quyền chủ động trong đầu tư, quản lý, giải phóng mặt bằng, phát triển quỹ đất tạo nguồn lực cho địa phương phát triển.

Tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng KT-XH

Tham gia góp ý về báo cáo tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, đại biểu Đặng Mạnh Cường, Bí thư Đảng ủy phường Quy Nhơn Nam cho rằng, thời gian qua đã có sự nỗ lực rất lớn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh. Nhờ vậy, tình hình KT-XH 6 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển 6 tháng cuối năm.

Đại biểu Cường đề nghị, trong 6 tháng cuối năm 2025, với tinh thần quyết liệt, quyết tâm, tăng tốc, Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các chương trình, nhiệm vụ, giải pháp, kịch bản chi tiết để thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. “Sau khi đi vào vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, tại một số xã, phường phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, nhiều cán bộ được phân công nhiệm vụ mới nên cần thời gian để nắm bắt công việc. Do vậy, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 6 tháng cuối năm, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh kịp thời quan tâm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy tăng trưởng”, đại biểu Cường phát biểu.

Tham gia góp ý về Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai về công tác tại trung tâm hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã sau sắp xếp, đại biểu Đặng Mạnh Cường đề nghị UBND tỉnh xem xét nâng mức hỗ trợ cán bộ về công tác tại xã đảo Nhơn Châu. “Thực hiện sắp xếp đơn vị chính quyền địa phương 2 cấp, vừa qua có 10 cán bộ về nhận nhiệm vụ tại xã đảo Nhơn Châu. Với đặc thù xã đảo đi lại khó khăn, tôi đề nghị UBND tỉnh xem xét nâng mức hỗ trợ từ 2 triệu đồng lên 3 triệu đồng/người/tháng, nhằm tạo điều kiện cho cán bộ yên tâm công tác”, đại biểu Cường nói.

Trao đổi làm rõ ý kiến của đại biểu Đặng Mạnh Cường về nâng mức hỗ trợ đối với cán bộ cấp tỉnh và cấp xã sau sắp xếp, Giám đốc Sở Tài chính Trần Cang ghi nhận và cho biết sẽ rà soát lại để có sự điều chỉnh cho phù hợp.

Trong khi đó, đại biểu Trường Trung Tuyến, Bí thư Đảng ủy xã Ya Hội, kiến nghị về việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân khu vực Đak Pơ (thuộc tỉnh Gia Lai cũ) bị ảnh hưởng dịch bệnh viêm da nổi cục ở đàn bò xảy ra từ năm 2021. Trước đó, do cơ chế hỗ trợ còn chồng chéo nên chính sách hỗ trợ cho hộ dân bị thiệt hại chưa được giải quyết dứt điểm.

Đại biểu Trường Trung Tuyến cho biết, Nghị định số 116/2025/NĐ-CP ngày 5.6.2025 quy định về chính sách hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh động vật và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 25.7.2025. Đây là cơ sở để thực hiện hỗ trợ cho người dân thiệt hại do dịch bệnh viêm da nổi cục ở đàn bò. Trước đó, huyện Đak Pơ (cũ) đã xuất ngân sách để hỗ trợ hộ thiệt hại bởi dịch bệnh này thuộc trường hợp hộ nghèo. Tại hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp HĐND tỉnh, các hộ không thuộc diện hộ nghèo trên địa bàn vẫn tiếp tục có kiến nghị HĐND tỉnh quan tâm hỗ trợ sau thiệt hại cho hộ chăn nuôi.

Trước kiến nghị này, ông Cao Thanh Thương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, Sở đang tham mưu UBND tỉnh để rà soát các quy định hiện hành và sẽ có hướng dẫn cụ thể trong thời gian tới. Từ ngày 25.7.2025, khi Nghị định có hiệu lực, Sở sẽ phối hợp với các địa phương tiến hành thống kê, rà soát các trường hợp bị thiệt hại do dịch bệnh để có cơ sở tham mưu UBND tỉnh xem xét hỗ trợ.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt lưu ý: Kiến nghị của cử tri khu vực Đak Pơ về hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh viêm da nổi cục ở đàn bò có tính chất “hồi tố”. Đề nghị các cơ quan tham mưu nghiên cứu kỹ lưỡng về tính pháp lý, đảm bảo đúng nguyên tắc và có trả lời rõ ràng, thấu đáo cho cử tri.

 Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết kỳ họp.

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các nghị quyết kỳ họp.

M.HOÀNG - N.HÂN - N.MUỘI - H.PHÚC

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/kip-thoi-thao-go-kho-khan-thuc-day-phat-trien-kt-xh-post561302.html