Kịp thời thay đổi phù hợp tình hình

Số ca nhiễm Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh thời gian gần đây đang giảm dần, mở ra tín hiệu lạc quan sau chuỗi ngày dài căng mình chống dịch. Cùng với việc yêu cầu người dân thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, những thay đổi kịp thời phù hợp với tình hình thực tế.

TP Hồ Chí Minh đã có nhiều thay đổi hiệu quả trong việc tiêm vaccine cho người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội.

TP Hồ Chí Minh đã có nhiều thay đổi hiệu quả trong việc tiêm vaccine cho người dân trong giai đoạn giãn cách xã hội.

Triển khai hiệu quả công tác tiêm vaccine

Nếu như trong các đợt trước, việc tiêm vaccine tại TP Hồ Chí Minh khiến khá nhiều người dân lo lắng vì làm gấp, tập trung đông, quy trình chưa chặt thì đến đợt 5, mọi thứ đã thay đổi phù hợp với điều kiện siết chặt giãn cách. Người trên 65 tuổi và người có bệnh nền là hai nhóm được TP Hồ Chí Minh ưu tiên tiêm vaccine trong đợt này. Sự thay đổi kể trên khiến nhiều người dân phấn khởi. Việc tổ chức tiêm vaccine ngoài giờ cũng giảm tải cho các điểm tiêm, hạn chế tình trạng tập trung đông người.

Gần 65 tuổi, có bệnh nền nên khi hay tin mình nằm trong danh sách tiêm vaccine đợt này của địa phương, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ (ngụ tại phường Linh Trung, TP Thủ Đức) mừng đến khó ngủ. Tới điểm tiêm đúng hẹn, sau khi xếp hàng tuân thủ quy định giãn cách, bà Lệ được lấy mẫu xét nghiệm nhanh để sàng lọc bước đầu. “Tất cả các khâu đều thực hiện rất bài bản, nghiêm túc, tuân thủ 5K, bản thân tôi rất an tâm. Mọi người đến theo khung giờ nên không chen chúc hay đợi chờ quá lâu. Trước đó, tổ trưởng khu phố đến tận nhà hỗ trợ đăng ký thông tin và thông báo lịch tiêm cho chúng tôi nắm rõ”, bà Lệ chia sẻ.

Từ đầu tháng 8, TP Thủ Đức chính thức ra mắt đội tiêm lưu động, đội phản ứng nhanh để tiêm cho các nhóm ưu tiên tại các khu cách ly, phong tỏa hay người trên 65 tuổi, người khó khăn, yếu thế… Đặc biệt, một đội xe tiêm chủng lưu động đã và đang đi đến từng khu phố, tổ dân phố tiêm vaccine cho người dân có bệnh nền trong đợt này. Cùng với hai xe ô-tô lưu động được trang bị đầy đủ các dụng cụ cần thiết cho việc tiêm chủng, kịp thời cấp cứu các trường hợp biến chứng sau tiêm, TP Thủ Đức còn đẩy mạnh đội tiêm lưu động xe máy để nhanh chóng, chủ động đưa vaccine “gõ cửa” nơi cư trú của nhiều người dân.

Theo ông Trần Quốc Hưng, Chủ tịch UBND phường Linh Trung, TP Thủ Đức, sau khi hoàn tất việc tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 cho 150 người dân tại hẻm 1147, khu phố 4, mới đây, phường đã quyết định gỡ phong tỏa cho khu vực này, biến vùng ở mức “đỏ” có nguy cơ cao thành vùng mức “xanh”, mức bình thường mới. Sau hẻm 1147, đến thời điểm hiện tại, 54/54 “vùng đỏ” của phường Linh Trung đã được chuyển thành “vùng xanh” với hơn 3.900 người dân được tiêm vaccine tại nhà. Sau khi gỡ phong tỏa, các khu vực này sẽ bàn giao về cho người dân tự quản công tác phòng, chống dịch Covid-19 với các quy định rõ ràng.

Hiện tại, gần 1.250 người dân thuộc nhóm trên 65 tuổi tại phường Linh Trung đã được tiêm vaccine trong đợt này. Nhóm người dân độ tuổi từ 50 - 60 đã hoàn thành mũi tiêm đầu tiên đạt 4.128 người. Quá trình tiêm đại trà đang được triển khai tại ba điểm tập trung. Nhờ sự nỗ lực của chính quyền, đến nay, gần 70% dân cư trên địa bàn phường Linh Trung (khoảng 20.000 người) đã được tiêm vaccine. Nếu như vào cuối tháng 7, tại phường có hai điểm tiêm với năng suất khoảng 480 liều/ngày thì giờ đây số bàn tiêm đã tăng lên gấp đôi, đạt mức 700-1.500 liều/ngày tùy khu vực. “Nhờ việc đẩy mạnh đội tiêm lưu động mà chúng tôi đã giúp bà con tại 54 khu phong tỏa được tiêm vaccine đầy đủ, chuyển sang vùng an toàn. Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện thật tốt việc tiêm vaccine cho người dân trong giai đoạn thành phố vẫn tiếp tục giãn cách xã hội. Cố gắng làm sao để mọi quy trình an toàn, giúp người dân an tâm hơn”, ông Hưng cho biết thêm.

Không dừng lại ở việc tăng khả năng phòng dịch trong cộng đồng, giai đoạn này, TP Hồ Chí Minh còn siết chặt các quy định, nhất là hạn chế thấp nhất việc di chuyển, tiếp xúc của người dân. Trong đó, việc hạn chế người dân ra đường sau 18 giờ và hạn chế lực lượng giao hàng liên quận đã phát huy tác dụng. TP Thủ Đức và các quận, huyện được yêu cầu tăng cường chốt kiểm soát và lực lượng tuần tra lưu động để kịp thời nhắc nhở, xử lý các trường hợp người dân ra đường không có lý do chính đáng. Việc quản lý đội ngũ giao hàng từ các hãng công nghệ, các siêu thị cũng đã được thực hiện rất “mạnh tay”, giúp hạn chế tình trạng di chuyển với tần số dày đặc, tăng nguy cơ lây nhiễm như mấy tuần trước. TP Hồ Chí Minh tiếp tục kéo dài giãn cách xã hội đến hết ngày 15/9 để lên các kế hoạch cụ thể kéo giảm số ca tỷ vong, giảm số ca nhiễm mới, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Ứng dụng công nghệ trong mùa dịch

Ngay sau khi trên địa bàn xuất hiện “ổ dịch” diễn biến phức tạp, UBND phường 4, quận 3 đã triển khai đồng loạt nhiều giải pháp công nghệ. Mục tiêu đặt ra là nhanh chóng khoanh vùng, giảm mức độ nguy hiểm của khu vực phong tỏa tại khu phố 3 với gần 3.000 người dân đang sinh sống. Từ việc phong tỏa cả khu phố 3 vào đầu tháng 7, về sau, địa phương quyết định chia nhỏ “vùng đỏ” này thành nhiều tiểu khu để siết chặt việc quản lý tình hình dịch bệnh nhưng không ảnh hưởng quá nhiều đến việc sinh hoạt của người dân. Một đội hỗ trợ giao nhu yếu phẩm, hàng cứu trợ tận cửa nhà dân được thiết lập tức thời, giúp hạn chế tối đa việc di chuyển trong khu phong tỏa. Đến nay, toàn bộ 7 tiểu khu này đã được tháo phong tỏa, đưa cuộc sống người dân trở về trạng thái “bình thường mới”.

Ông Nguyễn Ngọc Đức, Chủ tịch UBND phường 4, quận 3 cho biết, từ giữa tháng 7 đến nay, phường đã tiến hành lắp 14 camera tại “trung tâm vùng dịch” nhằm kịp thời phát hiện, xử phạt các trường hợp người dân không chấp hành nghiêm quy định cách ly “nhà với nhà, người với người”. Trong số 157 biên bản vi phạm hành chính với các hành vi vi phạm như ra đường không có lý do chính đáng, không đeo khẩu trang, gần 50 trường hợp được phát hiện nhờ hệ thống camera. Phường đang triển khai thêm giải pháp công nghệ mới để nhắc nhở người dân trong khu vực phong tỏa. Theo đó, 15 camera cảm biến nhiệt kèm âm thanh nhắc nhở người dân không ra đường khi không cần thiết sẽ được đặt tại các ngã tư “trung tâm vùng dịch” nhằm nâng cao tinh thần tự giác của mọi người. “Vừa phạt nguội các trường hợp vi phạm vừa đẩy mạnh giải pháp tuyên truyền thông qua công nghệ, chúng tôi giảm được áp lực trong điều kiện lực lượng thực tế còn quá mỏng. Thời gian tới, sẽ có thêm các mô hình mới được triển khai giúp việc quản lý từ xa đạt hiệu quả cao hơn để sớm biến các “vùng đỏ” thành “vùng xanh”. Việc ứng dụng công nghệ bước đầu đã phát huy tác dụng, góp phần hạn chế ca lây nhiễm, giúp địa phương kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh”, ông Đức phân tích thêm.

Việc kết nối, cung cấp thông tin đến người dân thông qua các nhóm trò chuyện trên điện thoại thông minh, máy tính hay tin nhắn SMS mà nhiều quận, huyện tại TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai cũng góp phần không nhỏ trong việc phòng, chống dịch. Bà Trần Thị Huê, Chủ tịch UBND phường 10, quận Phú Nhuận cho rằng, chính các nhóm trò chuyện này đã tạo được “cầu nối” giúp các thông báo, nội dung chỉ đạo từ thành phố, quận, phường đến tận nhà người dân mà không cần hội họp hay gặp trực tiếp. Các nhóm trò chuyện được phân tầng cụ thể để cấp trên gửi những thông tin chính thống nhất xuống và cấp cơ sở có nhiệm vụ hệ thống lại trước khi chuyển đến từng người dân. Nắm rõ tình hình dịch bệnh, các hộ dân chủ động hơn trong việc phòng, chống và thực hiện các yêu cầu được đề ra.

Công nghệ cũng đang hỗ trợ rất lớn cho việc duy trì nếp sinh hoạt của người dân trong giai đoạn TP Hồ Chí Minh siết chặt giãn cách. Nếu như trước kia người ta thường vào BusMap, một ứng dụng thông minh để tra cứu lịch trình của xe buýt, xe công nghệ thì trong giai đoạn giãn cách xã hội, rất nhiều người dân vào đây tìm các địa điểm xe buýt bán rau củ, nhu yếu phẩm lưu động theo ngày để chọn mua tại điểm gần nơi ở nhất. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích cũng đẩy mạnh kênh bán hàng trực tuyến. Trong khi đó, SOSmap - một trang web có bản đồ biểu thị các “điểm đỏ” cần cứu trợ nhu yếu phẩm cho người khó khăn cũng đang tạo ra mạng lưới cho - nhận thông qua công nghệ. Theo anh Phạm Thanh Vi, người tạo ra SOSmap, mạng lưới này giúp người xem dễ dàng nhận biết đâu là nơi đang cần giúp đỡ để kịp thời hỗ trợ.

TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để sớm tách F0 ra khỏi cộng đồng, từng bước kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Cùng với sự chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo thành phố, các địa phương chủ động áp dụng nhiều mô hình mới phù hợp với tình hình thực tế chứ không chỉ làm máy móc, hô khẩu hiệu. Sự nỗ lực của các cấp đang cho thấy những “điểm sáng” trong công tác phòng, chống dịch khi mà ngày càng nhiều người khó khăn được hỗ trợ kịp thời, nhiều vùng dịch đã được kiểm soát và vùng an toàn đang được mở rộng từng ngày.

GIA MỸ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-song-xa-hoi-hangthang/kip-thoi-thay-doi-phu-hop-tinh-hinh-661684/