Kịp thời tôn vinh doanh nhân tư nhân tiêu biểu

Nhân kỷ niệm 15 năm 'Ngày Doanh nhân Việt Nam' (13/10/2004-13/10/2019), Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam trân trọng giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam (DNTNVN) với điểm nhấn: Kịp thời xây dựng các chính sách thi đua, khen thưởng để tôn vinh doanh nhân tư nhân tiêu biểu có thành tích và đóng góp cho nền kinh tế, xã hội.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội DNTNVN

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội DNTNVN

Thưa ông, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10 (khóa XII), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh kinh tế tư nhân đang phát triển rất tốt. Tại buổi gặp mặt đoàn đại biểu Ban chấp hành Trung ương Hội DNTNVN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định đặt kinh tế tư nhân đúng vị trí, phát huy hết được nguồn nội lực thì đất nước sẽ có cơ hội phát triển và giàu có. Xin ông đánh giá về vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân nói chung và đội ngũ doanh nhân tư nhân Việt Nam nói riêng hiện nay?

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều: Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thêm một lần nữa khẳng định tầm quan trọng, sự phát triển vượt bậc và cần phát huy hết nội lực của thành phần kinh tế tư nhân trong sự thịnh vượng chung của kinh tế đất nước. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng trước thời điểm trọng đại toàn Đảng, toàn dân ta hướng về Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã thể hiện sự coi trọng kinh tế tư nhân và đưa kinh tế tư nhân bình đẳng với các loại hình kinh tế khác.

Như chúng ta đã biết, trong những năm qua, từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về “Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân", kinh tế tư nhân ở nước ta đã không ngừng phát triển, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX, ngày 3/6/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII (Nghị quyết số 10-NQ/TW) về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, và tiếp theo đó là Nghị quyết 98/NQ-CP ngày 7/10/2017 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện NQ10/NQ-TW, theo đó, nhấn mạnh yêu cầu tập trung vào chất lượng phát triển và hiệu quả hoạt động của khu vực tư nhân, khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Có thể nói, với mỗi một giai đoạn, các Nghị quyết nêu trên đều đã có những tác động rất mạnh mẽ đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân và hoạt động của đội ngũ doanh nhân tư nhân Việt Nam. Từ việc bước đầu quan tâm, đổi mới cơ chế, chính sách và khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân của Nghị quyết 14 cho đến khi triển khai Nghị quyết 10 trong hơn 2 năm qua, Đảng đã rất quan tâm và đặc biệt đã xác định rõ kinh tế tư nhân là một động lực phát triển quan trọng. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp start-up, Đảng và Nhà nước cũng đã chú trọng, khuyến khích phát triển và hình thành công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô lớn, hoạt động đa ngành, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Điều đó đã tác động mạnh mẽ và góp phần mang lại những chuyển biến lớn, rõ nét cho toàn nền kinh tế nói chung và cho kinh tế tư nhân nói riêng.

Theo đó, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã gia tăng mạnh mẽ. Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp khối kinh tế tư nhân đã dẫn đến sự tăng trưởng mạnh mẽ về tổng vốn của các doanh nghiệp tư nhân. Khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp lớn vào việc hình thành tài sản cố định và đầu tư dài hạn của khu vực doanh nghiệp nói riêng và của toàn bộ nền kinh tế nói chung. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tỷ lệ đóng góp GDP của kinh tế tư nhân duy trì tốc độ tăng trưởng khá, chiếm tỉ trọng từ 38,6% (năm 2016) lên khoảng 42,1% (năm 2018).

Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, qua đó đã đóng góp và tạo thêm hàng triệu việc làm mới mỗi năm, thu nhập của người lao động tăng và vượt qua cả các doanh nghiệp nhà nước, đời sống của người lao động được cải thiện và hầu hết người lao động đã được tham gia vào các chương trình an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội. Đồng thời, kinh tế tư nhân cũng đã đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng thu Ngân sách Nhà nước. Thu ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh (trên 15%/năm). Năm 2018, tỉ trọng này của kinh tế tư nhân đã đã vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và vượt xa (gần 9%) khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với đó, vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực hơn. Nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành và nhiều giải pháp đã được triển khai để cải thiện môi trường kinh doanh và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc góp phần phát triển kinh tế tư nhân.

Quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của cá nhân và tổ chức được thể chế hóa và được pháp luật bảo vệ. Phương thức quản lý của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính được đẩy mạnh; môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện, thông thoáng, thuận lợi hơn. Dân chủ trong đời sống kinh tế – xã hội ngày càng được phát huy.

Sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân cũng đồng thời với sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nhân tư nhân. Ngày càng có nhiều doanh nhân giỏi, có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, không ngừng nâng cao năng lực kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. Doanh nhân tư nhân đã có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, điều hành cộng đồng doanh nghiệp có sức cạnh tranh cao, có tinh thần dân tộc, có trách nhiệm xã hội, liên kết chặt chẽ và tham gia hiệu quả vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu….Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đạo đức, văn hóa kinh doanh của doanh nhân dần được nâng lên.

Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân vào quyết sách đúng đắn của Ðảng ngày càng tăng, giúp các doanh nhân vững bước phát triển, ngày càng đóng góp nhiều hơn cho kinh tế đất nước. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân mạnh dạn hơn trong việc bỏ vốn, rót tiền vào các dự án kinh doanh lớn.

Một điểm cũng rất đáng mừng là phát triển khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần đáng kể vào việc trao quyền kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt là thông qua cơ hội việc làm và nguồn thu nhập. Xu thế lãnh đạo là phụ nữ trong khu vực kinh tế tư nhân đã thúc đẩy sự hình thành và hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân nữ.

Là người đồng hành với cộng đồng doanh nhân tư nhân từ nhiệm kỳ thứ nhất của Hội DNTNVN đến nay, ông có thể cho biết khu vực kinh tế tư nhân còn gặp những rào cản, khó khăn nào? Trên cương vị là Chủ tịch Hội DNTNVN, ông có đề xuất gì với Đảng, Nhà nước, Chính phủ để hướng tới một môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tư nhân phát triển?

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều: Mặc dù khu vực kinh tế tư nhân đóng góp tới 40% GDP cho nền kinh tế, thế nhưng sự phát triển của khu vực này vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, rào cản cả từ trong nội tại và từ các yếu tố ngoại cảnh rất cần đến sự hỗ trợ, tháo gỡ của Đảng và Nhà nước.

Điểm đầu tiên phải kể đến là khó khăn trong nội tại của Khu vực kinh tế tư nhân. Đó là, , năng suất lao động và tốc độ tăng năng suất lao động khu vực kinh tế tư nhân còn thấp và có nhiều hạn chế, mặc dù có sự tham gia của đông đảo các lực lượng lao động nhưng thành phần tham gia trong khu vực kinh tế này chủ yếu lại là các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể, hộ gia đình, sử dụng nhiều lao động, nên năng suất không cao, thiếu nguồn vốn để đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm tới 97,3% và số lượng doanh nghiệp lớn cũng chiếm tỷ trọng nhỏ, hiện tượng “thiếu doanh nghiệp cỡ vừa”.

Hiệu quả hoạt động tài chính của khu vực kinh tế tư nhân còn chưa cao. Từ năm 2011 đến nay, hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) của kinh tế tư nhân giao động từ là 5-6, mức này cơ bản bằng với hệ số ICOR của toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, ICOR của kinh tế tư nhân so với khu vực có vốn FDI vẫn cao hơn, cho thấy hiệu quả đầu tư của kinh tế tư nhân trong nước chưa bắt kịp với những doanh nghiệp nước ngoài.

Cùng với đó, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, do quy mô nhỏ nên rất nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Đồng thời, năng lực quản trị và hội nhập kinh tế quốc tế còn nhiều hạn chế, cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của kinh tế tư nhân. Việc tiếp cận tín dụng của khu vực kinh tế tư nhân hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, làm gia tăng chi phí tài chính về vốn, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong cạnh tranh về giá.

Cơ cấu sản phẩm, ngành nghề cũng chưa đa dạng và nhạy bén với thị trường. Cơ cấu ngành nghề của kinh tế tư nhân còn bất cập khi có tập trung vào lĩnh vực hoạt động thương mại, dịch vụ, trong khi chỉ có 1% đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chưa nhiều, dẫn đến chậm thay đổi cơ cấu sản phẩm, ngành nghề phù hợp với tình hình thực tế.

Xét về khó khăn từ môi trường kinh doanh và các yếu tố ngoại cảnh, hiện vẫn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp tư nhân và DNNN, giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI. Các doanh nghiệp có và không có “mối quan hệ thân thiết” với chính quyền có mức tiếp cận không bình đẳng tới nguồn lực của nền kinh tế. Chi phí môi trường kinh doanh cao và đắt đỏ, nhiều thủ tục hành chính rườm rà, mất thời gian và chi phí đặc biệt là các thủ tục liên quan đến điều kiện kinh doanh, giấy phép con và thương mại vẫn còn tồn tại. Chi phí không chính thức là một vấn đề nghiêm trọng mà doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đang gặp phải. Theo một khảo sát của VCCI công bố năm 2017, các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn nằm trong nhóm doanh nghiệp chịu thiệt thòi nhất. Để doanh nghiệp tư nhân bứt phá, phát triển, yêu cầu đặt ra là phải thực sự coi kinh tế tư nhân là lực lượng, động lực phát triển cơ bản của nền kinh tế thị trường và phải được áp dụng nguyên tắc đối xử bình đẳng trong các chính sách, cơ chế quản lý và ứng xử.

Việc tiếp cận nguồn tài chính cũng là một hạn chế lớn đối với các doanh nghiệp khu vực tư nhân. Lãi suất đối với các khoản vay từ ngân hàng thường cao hơn hơn tỷ lệ sinh lời của các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân. Ngân hàng thiếu niềm tin đối với doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân, khó khăn trong việc chứng minh hoặc không có đủ tài sản đảm bảo nên doanh nghiệp buộc phải chủ động nguồn vốn đầu tư cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đây là thiệt thòi lớn cho các doanh nghiệp.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội DNTNVN (bên phải) và TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI (bên trái) trao kỷ niệm chương cho các doanh nhân tư nhân tiêu biểu 2019.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội DNTNVN (bên phải) và TS.Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI (bên trái) trao kỷ niệm chương cho các doanh nhân tư nhân tiêu biểu 2019.

Bên cạnh đó, năng lực về đổi mới sáng tạo của Việt Nam được đánh giá là có nhiều hạn chế và khu vực tư nhân vẫn chưa được khuyến khích để đóng một vai trò mạnh mẽ hơn nhằm cải thiện tình hình. Việc tiếp cận các công nghệ tiên tiến, bao gồm công nghệ thông tin, trong kinh doanh nông nghiệp, sản xuất và dịch vụ vẫn chưa được doanh nghiệp tư nhân khai thác triệt để.

Để góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trên, Đảng và Nhà nước cần đưa ra các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân thông qua nỗ lực đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hướng tới các chuẩn mực tiên tiến trên thế giới và bảo đảm được tính minh bạch, an toàn và thuận lợi.

Có chính sách tài chính hỗ trợ kinh tế tư nhân ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất kinh doanh nhằm tăng giá trị sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh; xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý bằng giải pháp đẩy mạnh hoạt động của Quỹ Phát triển, Quỹ Bảo lãnh tín dụng, các Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo… góp phần làm giảm những khó khăn trong việc chứng minh tài chính, tài sản đảm bảo và uy tín kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao cũng như các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến. Đồng thời, tạo điều kiện cho chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo tiếp tục phát huy, góp phần thu hút chất xám của đội ngũ người Việt Nam trong và ngoài nước.

Thưa ông, khi nói về việc xây dựng văn kiện Đại hội Đảng 13, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lưu ý sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Ông có bình luận gì về ý kiến này và Hội DNTNVN có giải pháp nào để đội ngũ doanh nhân tư nhân được khen thưởng một cách xứng đáng?

PGS.TS. Nguyễn Trọng Điều: Từ trước đến nay, việc khen thưởng, biểu dương cho các tổ chức kinh tế, đơn vị có đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế luôn được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, điều này chủ yếu được thực hiện tại khối doanh nghiệp nhà nước thông qua các chính sách thi đua, khen thưởng.

Quan điểm nêu trên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thể hiện tư tưởng rất tiến bộ, đổi mới, công bằng, đánh giá khách quan những mặt tốt và tích cực của kinh tế tư nhân, đồng thời cũng thể hiện sự coi trọng kinh tế tư nhân và đưa kinh tế tư nhân bình đẳng với các loại hình kinh tế khác. Bất kể là khu vực kinh tế nào, nếu làm tốt, thì sẽ được biểu dương, khen thưởng.

Thời gian qua, với những đóng góp tích cực của khu vực kinh tế tư nhân cho sự phát triển chung của đất nước, góc nhìn về kinh tế tư nhân đã có sự thay đổi và biến chuyển rõ nét, tuy nhiên sự kỳ thị với kinh tế tư nhân đâu đó vẫn tồn tại và chưa được ghi nhận, điều này được thể hiện rất rõ trong những khó khăn, rào cản mà kinh tế tư nhân vẫn còn đang phải đối mặt.

Quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã thể hiện sự ghi nhận những đóng góp không nhỏ của khu vực kinh tế tư nhân và qua đó khuyến khích, tạo động lực cho các doanh nghiệp trong khối kinh tế tư nhân và cũng là một lời nhắc nhở các doanh nghiệm luôn hiểu rõ vai trò, trọng trách của mình trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, điều này cũng góp phần củng cố thêm quyết tâm của các doanh nghiệp tư nhân trong việc triển khai thực hiện đúng theo chủ trương tinh thần của Nghị quyết 10 (đại hội XII) đã đề ra.

Đồng hành với cộng đồng doanh nhân tư nhân, Hội DNTNVN luôn chú trọng công tác thi đua khen thưởng và đặc biệt thúc đẩy phong trào này trong thời gian tới.

Đó là, kịp thời xây dựng các chính sách thi đua, khen thưởng cụ thể nhằm biểu dương, tôn vinh đối với các doanh nghiệp tiêu biểu, doanh nhân tiêu biểu có thành tích và đóng góp cho nền kinh tế, xã hội; có chế độ khen thưởng, đãi ngộ hợp lý.

Đồng thời, chú trọng xây dựng các chương trình bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có năng lực, trình độ và phẩm chất, uy tín cao sẽ góp phần tích cực nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển nhanh, bền vững và bảo đảm độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Hay nói cách khác, thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển và tạo nên vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế thế giới là sứ mệnh, trọng trách của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.

Minh Hoa

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/hoat-dong-hoi/kip-thoi-ton-vinh-doanh-nhan-tu-nhan-tieu-bieu-6244.html