Kịp thời xét nghiệm và cách ly tập trung người về từ vùng dịch: Tránh những hối hận muộn màng
Nhiều người từ TP. HCM về quê đã không được xét nghiệm Covid-19 và thực hiện cách ly kịp thời, dẫn tới những hậu quả đáng tiếc khiến chính họ phải hối hận.
“Tôi cảm thấy có lỗi với gia đình và địa phương”
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Quảng Nam, anh Đ.V.Y. (ngụ xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước) từ sớm đã lên TP. HCM làm công nhân công trình để kiếm tiền lo cho gia đình. Vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, giãn cách kéo dài khiến anh bị thất nghiệp. Vì thế, anh đã phải tranh thủ thời gian địa phương cho về quê bằng xe máy.
Anh Y. hiện đang được theo dõi tại bệnh viện sau khi có kết quả dương tính với Covid-19.
Tối 10/10, anh Y. về đến Trung tâm y tế xã Tiên Thọ. Sau khi hoàn thành khai báo y tế, anh về nhà và tự cách ly ở căn nhà riêng trong vườn, tránh tiếp xúc với vợ và chỉ dám nhìn con từ xa. Đến chiều 11/10, anh Y. mới xét nghiệm Covid-19 lần 1 và xét nghiệm lần 2 vào trưa 12/10.
Không may, tối đó, địa phương thông báo anh dương tính với Covid-19 dù anh Y. đã tiêm đủ 2 mũi Vaccine. 0h cùng ngày, cả gia đình gồm anh, vợ, con và người mẹ đã hơn 80 tuổi phải đi cách ly tập trung.
Con anh Y. phải nghỉ học, kéo theo đó là toàn bộ giáo viên và học sinh ở trường cũng phải nghỉ để xét nghiệm Covid-19. Nhà anh Y. có nuôi gia súc, gia cầm, sự việc đến quá nhanh khiến cả nhà trở tay không kịp, vật nuôi ở nhà cũng không ai chăm sóc.
Nằm theo dõi tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (tỉnh Quảng Nam), anh Y. trằn trọc vì luôn cảm thấy hối hận với gia đình và địa phương.
“Tôi chủ quan tiêm Vaccine 2 mũi nên mới về nhà cách ly. Nếu cách ly tập trung một thời gian thì đã không có chuyện đáng tiếc này xảy ra. Mẹ tôi mà có chuyện gì, tôi ân hận suốt đời”, anh Y. nghẹn ngào nói.
Cùng tình cảnh với anh Y., anh P.T. (ngụ xã Phước Ninh, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) từ TP. HCM về quê vào hôm 6/10. Sau khi hoàn thành khai báo y tế ở cơ quan địa phương, anh Tuấn về nhà. Nhưng mãi đến sáng 7/10, anh mới được xét nghiệm Covid-19 và cho ra kết quả dương tính.
Anh T. cảm thấy có lỗi vì cả gia đình anh phải đi cách ly.
Ngay lập tức, anh T. được đưa đến bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để theo dõi. Cả gia đình anh T. cũng phải đi cách ly dù có kết quả âm tính với Covid-19.
“Tôi đi trước thì khoảng một tiếng sau cả nhà tôi cũng lên xe đi cách ly. Về nhà tôi ở riêng biệt trong phòng, không tiếp xúc với ai. Giờ nhà tôi giăng dây, heo, gà không ai cho ăn. Nghĩ tới gia đình và địa phương, tôi thấy có lỗi lắm. Hi vọng những người về từ vùng dịch như tôi sẽ được xét nghiệm Covid-19 và được cách ly kịp thời để không xảy ra sự việc đáng tiếc này”, anh T. chia sẻ.
Cần xét nghiệm Covid-19 và thực hiện cách ly tập trung kịp thời
Trao đổi với PV báo Nhà báo & Công luận, PGS.TS. Bác sĩ Vũ Minh Phúc (Cựu Phó khoa Y, Cựu chủ nhiệm Bộ môn Nhi Đại học Y dược) cho biết, những sự việc tương tự trường hợp trên là những sự việc vô cùng đáng tiếc và không ai mong muốn.
PGS.TS. Bác sĩ Vũ Minh Phúc
“Trước hết, chúng ta đừng vội phẫn nộ, trách móc 2 bệnh nhân trên. Họ dương tính với Covid-19, gia đình họ phải đi cách ly, điều đó khiến họ đã đau khổ và hối hận lắm rồi. Họ cũng không mong muốn chuyện này phải xảy ra. Chúng ta không nên khiến cho họ cảm thấy mặc cảm vì họ vô tình bị nhiễm bệnh. Nếu họ biết họ bị bệnh mà họ còn đi nhiều nơi để lây lan dịch bệnh thì chúng ta mới tính đến chuyện xử phạt theo pháp luật. Còn trường hợp này họ không biết, vậy nên địa phương cần xử lý một cách nhân đạo, cũng không nên quy chụp tội cho họ hay gia đình họ”, bác sĩ Phúc nói.
Bên cạnh đó, bác sĩ Minh Phúc cho rằng, việc xét nghiệm và cách ly phụ thuộc vào tình hình ở địa phương, bao gồm các tiêu chí như tỉ lệ tiêm ngừa, tình hình dịch bệnh (tỉ lệ bệnh nhân mắc bệnh chỉ ở cấp 1) diễn biến ở địa phương đó như thế nào.
Trước hết, địa phương phải xem xét những tiêu chí, điều kiện để đưa ra chính sách phù hợp đối với những người về từ vùng dịch. Sự việc trên đã đặt ra câu hỏi rằng “vì sao người về từ vùng dịch, dù đã tiêm 2 mũi Vaccine nhưng không xét nghiệm Covid-19 ngay khi về đến địa phương mà qua ngày hôm sau mới tiến hành xét nghiệm?”.
Theo bác sĩ Minh Phúc, điều này phài phụ thuộc vào địa phương. Địa phương nếu tỉ lệ tiêm Vaccine quá thấp thì nên kịp thời xét nghiệm Covid-19 ngay khi người dân về đến Trạm y tế xã. Nếu người đó dương tính thì tiến hành cách ly tập trung, còn nếu âm tính thì có thể cho họ cách ly 7 ngày tại nhà, đối với những người đã tiêm đủ 2 mũi Vaccine. Hành động kịp thời này có thể vừa bảo vệ cho bản thân, gia đình của người đó, mà còn vừa bảo vệ được sức khỏe của người dân tại địa phương.
“Tôi cũng ủng hộ việc cách ly 7 ngày tại nhà đối với những người đã tiêm 1 hoặc 2 mũi Vaccine. Nhưng nếu tỉ lệ tiêm ngừa ở địa phương thấp thì nên xét nghiệm ngay khi họ vừa về tới, để có thể kịp thời đưa ra những phương án hợp lí. Chính quyền địa phương cũng nên có văn bản, hướng dẫn rõ ràng cho người dân trong những vấn đề liên quan đến xét nghiệm, cách ly,… để người dân có thể hiểu và phối hợp với địa phương”, bác sĩ Phúc nói.